.

Điểm sáng trên miền tây Tuyên Hóa

Thứ Sáu, 05/09/2014, 15:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn đặc thù, song những năm trở lại đây, bộ mặt bản Cáo, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) đã có những đổi thay đáng mừng. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây không ngừng được cải thiện và nâng cao cả về tinh thần lẫn vật chất; hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, trường học... được đầu tư xây dựng bài bản. Và đặc biệt, người dân bản Cáo đã từ bỏ tập quán sống dựa vào rừng, khai thác rừng trái phép để quay trở lại khoanh nuôi, bảo vệ rừng nhằm mục đích phát triển kinh tế bền vững.

 

Người dân bản Cáo giờ đã có ý thức rất cao trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng.
Người dân bản Cáo giờ đã có ý thức rất cao trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng.

Trước đây, cũng như nhiều địa phương khác, người dân bản Cáo, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) chủ yếu sống dựa vào rừng và tách thành hai bộ phận. Một bộ phận lớn người dân sống ở vùng bản Cáo trong gồm 12 hộ dân và 5 hộ dân ở bản Cáo ngoài (cạnh đường Hồ Chí Minh-PV). Sở dĩ có hai bộ phận như thế bởi phần lớn người dân bản Cáo trước đây vẫn còn duy trì tập quán sống du canh du cư. Mãi đến năm 2003, qua nhiều lần vận động của chính quyền địa phương cùng với sự hợp lực của các chương trình, dự án, dân bảo Cáo mới chuyển ra vùng ngoài, cạnh đường Hồ Chí Minh và ổn định đến nay.

Điểm qua đôi nét về quá trình định cư của người dân bản Cáo để thấy rõ hơn những đổi thay đáng mừng trong đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc Mã Liềng ở miền Tây Tuyên Hóa. Bản Cáo ngày nay đã có điện thắp sáng, hệ thống đường giao thông được đầu tư xây dựng khang trang, có trường học ở các bậc học mầm non và tiểu học, có nhân viên y tế thôn bản. Và đặc biệt, bản Cáo là một trong ít địa chỉ có số con em tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp khá nhiều của huyện Tuyên Hóa và của tỉnh ta.

Chị Phạm Thị Lâm là đại biểu HĐND huyện qua nhiều nhiệm kỳ, là đảng viên giữ cương vị trưởng bản Cáo từ nhiều năm nay. Gặp chúng tôi, chị tâm sự: “Bản Cáo trước đây là một trong 3 bản khó khăn nhất của xã Lâm Hóa. Bây giờ khác rồi. Cái khác biệt nhất là công tác dạy học và tinh thần nỗ lực của con em các gia đình trong bản. Miềng không ngại sớm hôm vận động con em trong bản tích cực học tập, thường xuyên đến lớp đầy đủ, bảo đảm đến trường đúng độ tuổi và không bỏ học giữa chừng. Để làm được điều đó, miềng phải tiên phong thôi nhà báo ạ!”...

Là đồng bào dân tộc Mã Liềng, chồng mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng chị Lâm vẫn ý thức rất tốt việc học của con em mình. Cả ba con trai của chị đều được ăn học tử tế. Con trai đầu hiện đang học năm thứ 5 Trường đại học Y-Dược Huế; con trai thứ hai đã tốt nghiệp trung cấp nông-lâm và hiện đang tham gia nghĩa vụ quân sự tại tỉnh và con trai thứ ba của chị đã tốt nghiệp THPT, hiện đang là công an viên, cũng là đoàn viên hết sức năng nổ trong Ban chấp hành Đoàn xã Lâm Hóa.

Có thể nói những đổi thay hiện tại của bản Cáo có sự đóng góp không nhỏ của đồng chí trưởng bản trong việc vận động bà con từ bỏ phong tục tập quán sống du canh du cư, phát rừng làm nương rẫy cũng như những hủ tục ma chay, thờ cúng...

Bây giờ, người dân bản Cáo đã ý thức được ý nghĩa của việc khám, chữa bệnh tại trạm y tế; tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự thôn bản. Dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, người dân bản Cáo đã biết khai hoang mở rộng diện tích đất trồng lúa nước và các loại cây hoa màu khác. Đến nay, bản Cáo đã có 0,3 ha lúa nước, 1,2 ha ngô và gần 4 ha đất trồng lạc.

Ngoài ra, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cũng đã biết tận dụng lợi thế vùng gò đồi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng đàn trâu, bò, lợn lên đến gần 40 con, đàn gia cầm gần 200 con. Từ năm 2007, khi có chủ trương thành lập tổ tiết kiệm tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân bản Cáo đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay số tiền hàng trăm triệu đồng. Nhờ vậy, các hoạt động dạy học, đầu tư phát triển kinh tế của dân bản dần ổn định. Tiêu biểu có những hộ đã biết vươn lên làm giàu như hộ anh Hoàng Thế Quang với những cánh rừng có hàng vạn cây keo lai.

Một trong những kết quả nổi bật nhất về ý thức xóa đói giảm nghèo của người dân bản Cáo là việc tích cực tham gia bảo vệ rừng. Năm 2013, hầu hết các hộ dân trong bản đã nhận khoanh nuôi, bảo vệ trên 220 ha rừng. Trong đó có trên 52 ha rừng đã được thẩm định, chuyển đổi sang trồng rừng kinh tế. Bây giờ, người dân bản Cáo trồng rừng, chăm sóc rừng như chính ngôi nhà, mảnh vườn của mình bởi hơn ai hết họ đã nhận thức được tác hại của việc phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy...

Khó khăn vẫn còn rất nhiều, song với những kết quả khả quan đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng-an ninh, tin rằng trong tương lai không xa, bản Cáo sẽ gần hơn với miền xuôi.

Nguyễn Hoàng