.

NSƯT Lê Kiều Anh: Đam mê thôi, chưa đủ!

Thứ Hai, 17/07/2017, 08:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Khi trò chuyện cùng chị, tôi không có ý định tìm hiểu trước quá nhiều về nhân vật của mình, nghĩa là chấp nhận bỏ qua hết những nguyên tắc nghiệp vụ cần có. Bởi, tôi muốn cuộc chuyện trò ấy như thể là sự trải lòng mình của hai người phụ nữ, để có thể chạm vào những tâm sự sâu kín nhất, bản năng nhất của chị.

Và, cuộc mở lòng ấy của NSƯT Lê Kiều Anh (Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình) có cả nụ cười, cả ánh mắt lấp lánh niềm tự hào và cũng không thiếu những cái nhìn đượm buồn, thăm thẳm. Chị tự nhiên trải thẳng lòng mình về đam mê, về sự nghiệp và những trăn trở về sự phát triển của nghệ thuật múa của Quảng Bình.

- 16 tuổi khi đang đứng trước rất nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp, chị lại chọn nghề múa, nghĩa là chấp nhận một nghề nhiều khổ luyện nhưng tuổi nghề lại khá ngắn ngủi. Gia đình chị liệu có phản đối?

- Gia đình tôi khi đó không phản đối nhưng cũng không ủng hộ, dù ba mẹ vẫn muốn tôi lựa chọn một công việc ổn định hơn. Nhưng biết tính tôi độc lập và quyết đoán ngay từ nhỏ, nên ba mẹ để cho tôi tự lựa chọn hướng đi cho cuộc đời mình. Dù, bạn biết đấy, những quyết định ở tuổi 16 không hẳn là chín chắn mà có cả những bồng bột, nông nổi và khờ dại.

Tiết mục múa tái hiện Lễ hội đập trống Macoong do NSƯT Lê Kiều Anh và diễn viên Đoàn Nghệ thuật truyền thống biểu diễn.
Tiết mục múa tái hiện Lễ hội đập trống Macoong do NSƯT Lê Kiều Anh và diễn viên Đoàn Nghệ thuật truyền thống biểu diễn.

- Chị có bao giờ thấy hối hận với quyết định “có cả những bồng bột, nông nổi và khờ dại” ấy của mình?

- May quá, đến giờ mình chưa thấy hối hận, dù có lúc cũng “bầm dập” với nghề nhiều chứ. Nhưng vẫn yêu, vẫn đam mê như cái thuở 16 ấy. Và múa với tôi còn là một định mệnh. (cười)

- Ngay cả khi định mệnh ấy ngắn ngủi, ngắn ngủi đến chua chát!?

- Đúng vậy! Giống như khi bạn yêu thực lòng một ai đó, bạn thấy người ta có nhiều tật xấu đó nhưng bạn vẫn yêu vì người đó cho bạn cảm giác an toàn và khi ở bên họ, bạn sống đúng với con người thật của chính mình! (cười lớn)

- Tôi khá ám ảnh sau khi xem bộ sưu tập của một nhiếp ảnh gia nước ngoài chụp cận cảnh những đôi chân của các diễn viên múa ballet. Đó là những chiếc móng chân bong tróc, bầm dập, đau đớn. Còn diễn viên múa truyền thống thì sao?

- Ai cũng vậy cả thôi. Không chỉ riêng ballet, mà trong nghề múa, quá trình học nghề và khổ luyện có khi còn dài hơn cả thời gian làm nghề, đó là cả một quá trình dài có mồ hôi, nước mắt và cả máu. Đôi chân khi mặc đôi giày múa vào, trông mềm mại, đẹp đẽ là thế, nhưng mấy ai biết, bên trong đôi giày vải ấy, hai bàn chân trầy trụa, chai sần hết cả. Nhưng, lên sân khấu, phải tạm quên đi những đau đớn ấy và chỉ biết diễn mà thôi.

NSƯT Lê Kiều Anh sinh năm 1974 tại Đồng Hới. Chị là diễn viên, đồng thời là biên đạo múa tại Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình, đã từng giành nhiều giải cao tại các kỳ liên hoan, hội diễn. Chị là nghệ sỹ múa đầu tiên và duy nhất tại Quảng Bình đến thời điểm này, được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú.

- Cũng giống như việc khi lên sân khấu, bao giờ cũng thấy chị rực rỡ và rạng ngời. Nhưng chắc chắn rằng cuộc đời thực phải nhiều cảm xúc hơn thế?

- Đúng như bạn nói, khi ở bên ngoài sân khấu, chúng tôi là những con người bình thường với những lo toan, những vui buồn rất đời thường. Nhưng khi lên sân khấu, chúng tôi là người của công chúng, là một con người khác, phải tách hẳn mình ra khỏi những xúc cảm kia. Khi đó, nghệ sỹ chúng tôi chỉ cần biết một điều đó là sống trọn vẹn với nhân vật mà mình đang hóa thân.

- Cũng tựa như một “kép Tư Bền” mỗi khi lên sân khấu?

- Nghệ sỹ nào cũng là một “kép Tư Bền” khi lên sân khấu cả. Ở đoàn của tôi, đã có nhiều trường hợp các nghệ sỹ đang trải qua những đau đớn, mất mát trong cuộc sống gia đình, nhưng khi lên sân khấu, họ vẫn phải cười, phải rạng rỡ...  Sự yêu mến của khán giả, trách nhiệm với nghề không cho phép chúng tôi cẩu thả trên sân khấu.  

- Thế nhưng, liệu có sự liên quan nào trong mối quan hệ giữa hai con người: trên sân khấu và ngoài đời thực?

- Nhà soạn kịch nổi tiếng William Shakespeare có viết đại ý, sân khấu và cuộc đời chẳng có gì giống nhau. Đôi khi sân khấu còn là vết rạn của cuộc đời. Thế nhưng, với tôi, sân khấu và cuộc đời lại bổ trợ cho nhau. Cảm xúc về cuộc đời và kinh nghiệm trên sân khấu bổ trợ và nâng đỡ nhau nhiều chứ, nếu không có những vấp váp, trải nghiệm trong đời thực, làm sao có những cảm xúc thật sự “chín” trên sâu khấu được? Tôi cảm nhận theo tâm tư của một người bình thường để có thể chạm đến và thấu hiểu những cảm xúc đơn giản nhất. Bởi chỉ có như vậy tôi mới có thể làm cho những người thưởng thức nghệ thuật thấy gần gũi và chân thật.
Còn khi nhìn nhận những vấn đề của cuộc sống, tôi chọn cho mình góc nhìn từ một người nghệ sĩ, như thế trái tim và tư duy của tôi thấy nhẹ nhàng hơn, cuộc sống lạc quan, trẻ trung hơn cũng nhờ đó.

- Tôi thấy, Quảng Bình có rất nhiều nghệ sỹ múa tài năng, nhưng không mấy ai ở lại quê hương làm việc cả. Cái hồ chật hẹp, không đủ sức để cho con thiên nga vẫy vùng và phô diễn chăng?

- Bạn ví von rất thú vị, nhưng đúng là như thế. Ở mỗi thế hệ nghệ sỹ múa, Quảng Bình đều góp mặt một vài gương mặt tên tuổi như NSND Hữu Từ, NSƯT Phan Lương... nhưng họ không trở về quê hương, bởi ở đây không có điều kiện để họ phát triển nghề nghiệp. Thế hệ trẻ sau này cũng rất nhiều bạn đam mê và tài năng nhưng đều bám trụ ở các thành phố lớn cả.

- Nhưng tôi lại thấy thời gian gần đây, Đoàn Nghệ thuật truyền thống đã có cơ hội tham gia nhiều sự kiện tầm cỡ được tổ chức ngay tại Quảng Bình, đó không phải là những sân khấu lớn hay sao?

- Đó là sân khấu lớn, hoành tráng, như chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội hang động năm 2017 chẳng hạn. Đúng là chúng tôi đã được trải nghiệm, đã được khán giả cả nước biết đến nhiều hơn. Thế nhưng, những tiết mục múa đó chỉ đơn giản là tiết mục phụ họa, trang trí chứ không phải là những tiết mục để từng bước phát triển nghệ thuật múa theo chiều sâu. Muốn vậy thì phải có một sân khấu lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, nhiều cọ xát hơn nhưng ở Quảng Bình lại chưa có điều đó. Đó cũng là lý do để khán giả đánh giá nghệ thuật múa ở Quảng Bình thiếu những tác phẩm lớn và tính nghệ thuật cao. Mà muốn phát triển được như nghệ thuật múa ở các tỉnh, thành khác, còn là cả một câu chuyện dài phía trước.

Trong gần 30 năm biểu diễn, hình tượng mẹ Suốt để lại cho chị nhiều ấn tượng nhất khi hóa thân.
Trong gần 30 năm biểu diễn, hình tượng mẹ Suốt để lại cho chị nhiều ấn tượng nhất khi hóa thân.

- Câu chuyện dài đó cần có những yếu tố gì?

- Cần nhiều chứ, nhất là từ phía chính quyền và các ban ngành chức năng trong việc tạo điều kiện để các nghệ sỹ múa tỉnh nhà được biểu diễn trên những sân khấu lớn, chuyên nghiệp hơn, hỗ trợ kinh phí để đầu tư, tập luyện. Bạn biết không, chỉ riêng việc đầu tư cho nhạc nền của một tác phẩm múa cũng đã cần đến nhiều kinh phí và nhân lực rồi. Nhưng xét cho cùng, trong điều kiện khó khăn của tỉnh, chúng tôi chỉ tha thiết mong muốn được quan tâm, đầu tư một sàn tập đúng chuẩn. Bạn không thể thỏa sức sáng tạo, tung hứng với bạn diễn hay tập trung biên đạo một tác phẩm công phu khi phòng tập chật hẹp và sàn tập thì bằng nền xi măng cả.

- Vậy vai trò của bản thân mỗi người nghệ sỹ ở đâu trong câu chuyện này, tôi vẫn chưa thấy chị nhắc đến?

- Đã từng có rất nhiều bạn trẻ hỏi tôi rằng muốn theo đuổi nghiệp múa thì cần có điều gì, tôi nói với họ: Đam mê thôi chưa đủ! Họ phải có năng khiếu, một chút ngoại hình và điều không thể thiếu là không ngừng học hỏi, sáng tạo. Trở lại câu chuyện mà bạn vừa nhắc đến cũng vậy thôi, một khi bạn là một nghệ sỹ, một biên đạo múa chuyên nghiệp thì để làm nên những tác phẩm có chất lượng, bạn cũng phải không ngừng trau dồi, học hỏi và trong bất cứ sân khấu nào, bạn cũng cần sáng tạo. Nghệ thuật múa với đặc thù là nghệ thuật mô phỏng tượng trưng, hình tượng nhân vật trên sân khấu múa chỉ là những chấm phá, vận động mang phần hồn trong tính cách nhân vật. Khi biên đạo múa sử dụng một sự kiện lịch sử làm cảm hứng, trước tiên cần phải xác định sự thật lịch sử muốn diễn đạt và trải qua quá trình liên tưởng, hư cấu sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật, chuyển kịch bản phác thảo thành hệ thống đặc trưng múa đó tượng hình, động tác, đội hình, trang phục đạo cụ, âm thanh ánh sáng trang trí sân khấu.

- Chị vừa nhắc đến hình tượng nhân vật, vậy nhân vật nào chị đã hóa thân để lại cho chị nhiều ấn tượng nhất?

- Đó là mẹ Suốt. Trước khi bắt đầu vào tập luyện, tôi đã nhiều lần đến thăm nhà mẹ ở Bảo Ninh, trò chuyện cùng con cháu của mẹ để hiểu hơn về con người mẹ, cả thói quen bối tóc như thế nào. Tôi nhớ mãi, có lần tập xong tiết mục về mẹ Suốt, mấy anh nhạc công bảo: “Thôi, lần sau đừng tập nữa nhé! Chứ em làm tụi anh chảy nước mắt suốt, không tập trung làm việc được”. Rồi, khi dự hội diễn ở Nha Trang, diễn xong, bước xuống, thấy mấy anh chị ở Hội đồng hương Quảng Bình đều khóc cả. Họ bảo, nhìn tôi giống mẹ Suốt quá, từ thần thái đến áo quần và cách bối tóc. Với tôi, không có vinh quang và niềm vui nào hơn là sự ghi nhận như thế của khán giả.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!

Diệu Hương (thực hiện)