.

Giữ gìn văn hóa địa phương trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Ba, 11/07/2017, 09:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Mục đích cuối cùng của xây dựng nông thôn mới chính là nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân. Làm thế nào vừa bảo đảm mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại, nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hoá truyền thống tốt đẹp ở làng quê, đang được nhiều địa phương trên địa bàn huyện Lệ Thủy quan tâm.

Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, bên cạnh tiêu chí phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, các địa phương ở huyện Lệ Thủy đã coi trọng tiêu chí xây dựng văn hoá, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp đã và đang tồn tại ở các làng quê.

Xã Cam Thủy, đang phấn đấu về đích NTM vào cuối năm 2017. Nói về bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống làng quê gắn với xây dựng NTM, đồng chí Ngô Hữu Soái, Phó bí thư Đảng ủy xã cho biết: Địa phương xác định trước hết là xây dựng thiết chế văn hóa để bà con có chỗ hội họp, vui chơi, tổ chức các môn thể thao truyền thống. Do vậy, đến nay hầu hết các xóm có thiết chế văn hóa phù hợp đạt chuẩn, các trang thiết bị và dụng cụ hoạt động văn hóa cơ bản được đầu tư; các xóm đều có sân bê tông phục vụ hoạt động thể thao, thành lập CLB văn nghệ, đội bóng chuyền nam, nữ thường xuyên luyện tập, ngoài phục vụ cho những ngày lễ hội, còn rèn luyện sức khỏe, bảo tồn văn hóa truyền thống của địa phương. Xã cũng có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi.

Xã An Thủy là địa phương về đích NTM sớm của huyện, bộ mặt nông thôn ở đây đã đổi thay rõ rệt, đời sống tinh thần của người dân được quan tâm nâng cao. Đồng chí Võ Đình Thanh, Chủ tịch UBND xã An Thủy cho biết: Sau khi về đích NTM, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển văn hóa, thể thao quần chúng nhằm bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Xóm nào cũng có 1 - 2 sân bóng chuyền. Vào những dịp lễ, tết, các CLB văn nghệ luyện tập hát dân ca, làn điệu hò khoan. Nhiều trò chơi dân gian: bài chòi, kéo co... cũng được tổ chức thường xuyên. Đặc biệt, Hội Người cao tuổi xã thành lập các CLB: bóng chuyền hơi, thức vũ kinh... thu hút các cụ cao tuổi tham gia hoạt động. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng đã tạo nên không khí vui tươi, lành mạnh, gắn chặt tình đoàn kết xóm làng.

Trên địa bàn huyện Lệ Thủy, bên cạnh việc làm đường, đầu tư hạ tầng, các địa phương đã duy trì nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp có giá trị văn hoá như coi trọng quan hệ họ tộc, xóm giềng, tôn ti trật tự trong làng, bản, coi trọng người cao tuổi, sống quần tụ trong các thôn xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất và trong cuộc sống... Đây chính là những yếu tố văn hoá quan trọng, góp phần bồi đắp, khơi gợi tinh thần, ý thức tự giác và sự đồng lòng của người dân trong xây dựng NTM. Nhiều địa phương còn xây dựng các làng văn hóa, các khu dân cư kiểu mới.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cảnh quan, kiến trúc đậm nét làng quê ở nhiều nơi đang có chiều hướng mai một khi các địa phương ra sức xây dựng NTM. Không gian xanh của những lũy tre làng, gốc cây... đang dần nhường chỗ cho những khối bê tông, gạch đá trong làng. Rồi cả tuyến đường trục chính dài ra đồng nhưng không có một bóng mát...

Thiết nghĩ, xây dựng NTM được tiến hành trên cơ sở đã có truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa địa phương, do vậy ngoài quan tâm đến nâng cao đời sống cho người dân, Lệ Thủy phải giữ được cốt cách làng quê. Gìn giữ nét đẹp văn hóa địa phương không chỉ giữ lại những gì mà ông cha ta đã dày công vun đắp, mà qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống của quê hương cũng như giữ lại “linh hồn” cho làng quê Việt.

Vân Anh (Đài TT – TH Lệ Thủy)