.

"Vì nhân dân quên mình" bài hát gắn kết với đời người chiến sĩ

Thứ Năm, 16/01/2014, 07:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Có thể nói rằng lực lượng vũ trang nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, ai cũng biết bài hát "Vì nhân dân quên mình" của Doãn Quang Khải, được phổ biến rộng rãi khắp cả nước từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Doãn Quang Khải sinh năm 1928, gia nhập quân đội sau ngày toàn quốc kháng chiến. Ông đã từng là chiến sĩ trên chiến trường Lào và Bình Trị Thiên. Vào năm 1951, khi đã là tiểu đội trưởng, học viên Trường sĩ quan Lục quân Việt Nam (lúc ấy học ở Trung Quốc), Doãn Quang Khải chỉ có một ý định rất khiêm tốn là sáng tác một bài hát về quân đội nhân dân để đăng trên báo tường của đơn vị và có thể để đồng đội cùng hát.

Với chiếc kèn harmonica nhỏ bé, nhiều hôm ông đã phải thì thầm nhỏ to đến giữa khuya để hoàn thành tác phẩm. ý định của ông đã được thực hiện, bài hát "Vì nhân dân quên mình" đã có mặt trên báo tường của Trường sĩ quan Lục quân. Một ca khúc của người lính chưa từng qua một lớp sáng tác âm nhạc nào, chưa từng chạm vào một cây đàn, chỉ với chiếc kèn harmonica nhỏ bé với niềm say mê và ngưỡng mộ những bản nhạc, những giai điệu từ cuộc sống, đã tạo nên ca khúc được cả trung đội hát và được chọn làm tiết mục mở đầu cho chương trình văn nghệ của trường. Một điều may mắn đối với Doãn Quang Khải lúc bấy giờ, một anh lính trẻ 23 tuổi là được gặp nhạc sĩ bậc thầy Nguyễn Xuân Khoát để trao đổi góp ý cho bài hát của mình một cách hoàn chỉnh.

"Vì nhân dân quên mình" là ca khúc được viết ở thể hai đoạn đơn, ngắn gọn, cân phương, vuông vắn, với 2 lời ca. Bài hát viết ở giọng đô, điệu trưởng (đô trưởng), trên hóa biểu không có dấu thăng và dấu giáng; nhịp 2/4. "Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình. Đoàn Vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra, được dân mến, được dân tin muôn phần"...

Biểu dương lực lượng quân đội trong những ngày đại lễ.  Ảnh: P.V
Biểu dương lực lượng quân đội trong những ngày đại lễ. Ảnh: P.V

Đoạn một của bài hát chỉ gồm hai câu nhạc phát triển, mỗi câu có 6 típ nhạc ngắn gồm hai nốt lấy đà, một nốt đen, một cặp nốt móc đơn có chấm dôi luyến với nốt móc kép và một nốt đen nữa (hoặc một nốt móc đơn với dấu lặng đơn) tương đương với nốt đen cuối típ nhạc, nên rất phù hợp với dạng lời ca 5 chữ. Về cao độ các nốt nhạc, Doãn Quang Khải chỉ sử dụng các nốt trong hợp âm đô trưởng: đô -  mi - sol và la thứ: la - đô - mi là chủ yếu. Còn về hòa thanh, trong câu hai của đoạn một, tác giả đã dùng dấu Sol# (Sol thăng) bất thường, theo kiểu gam la thứ hòa thanh (có dấu thăng ở nốt bậc 7): la- si - đô - rê - mi - fa -  sol# - la. Đây là một kỹ thuật để chuyển đoạn của ca khúc mà người sáng tác âm nhạc phải chắc tay mới sử dụng được. Để lý giải cho hiện tượng này, có thể do sự nhạy cảm về cung bậc của một con người say mê và có năng khiếu âm nhạc, hoặc có bàn tay của người thầy gia cố - nhạc sĩ bậc thầy Nguyễn Xuân Khoát.

Vào đoạn hai, tác giả đã sử dụng nguyên típ nhạc của câu đầu đoạn một để phát triển, bằng cách tăng cao độ của 3 nốt cuối lên một quãng 3 gây được cảm giác mới mẻ cho đoạn hai. Nhưng thực tế, các típ nhạc ở đoạn hai không thay đổi cấu hình là mấy so với đoạn một của bài hát. Đây là kỹ thuật mô phỏng các típ nhạc của đoạn một để mô tiến một quãng thích hợp với việc phát triển sang đoạn hai, trong nghệ thuật sáng tác ca khúc. Về phần ca từ ở đoạn hai vẫn là các cụm 5 từ một, hoặc có đôi chỗ tăng thành 6 từ thì tác giả đã dùng dấu luyến chấm rời cho cặp nốt móc đơn có chấm dôi đi với móc kép:

"Thề vì dân suốt đời, thề tranh đấu không ngừng, vì đất nước thân yêu mà hy sinh. Thề diệt hết đế quốc kia giành tự do, hòa bình. Đoàn Vệ quốc quên mình vì nhân dân". Nếu như ở lời một, nội dung ca từ nói lên những lời thề sắt son của các chiến sĩ Vệ quốc quên mình chiến đấu, hy sinh vì nhân dân, vì Tổ quốc để giành lại tự do, hòa bình, thì sang lời hai của bài hát, tác giả cũng như hàng triệu chiến sĩ trong gian lao của cuộc kháng chiến, đều nhớ đến Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc, người cha của lực lượng vũ trang nhân dân, đã suốt đời đấu tranh vì nước, vì dân sao cho ai cũng được cơm no áo ấm, ai cũng được học hành:
"Thề noi gương Bác Hồ, vì nhân dân gian lao, trong bao năm Người tranh đấu không ngừng. Người chỉ biết có dân, ngày ngày lo sao cho toàn dân ấm, toàn dân no, được học hành"... để rồi noi gương sáng của Bác Hồ, cùng cất lên một lời thề: "Đoàn Vệ quốc chúng ta là con yêu của Người. Thề noi gương suốt đời vì nhân dân".

"Vì nhân dân quên mình" là một ca khúc ngắn gọn, viết ở dạng hành khúc, có thể hát tập thể theo nhịp đi, dễ hát, dễ nhớ, nên được phổ biến rất nhanh và rộng rãi trong lực lượng vũ trang cũng như trong công chúng từ những năm năm mươi của thế kỷ trước. Sau một năm, bài hát đã được lan truyền rộng rãi trong cả nước, cuối năm 1952, tác giả Doãn Quang Khải đã gửi bài hát của mình dự thi. Và, thật may mắn đối với Doãn Quang Khải, tác phẩm đầu tay và hầu như độc nhất của mình, bài hát "Vì nhân dân quên mình" đã đoạt giải nhì - Giải thưởng Văn nghệ toàn quốc năm 1952.

Doãn Quang Khải quê ở thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Tuy ông không là nhạc sĩ, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhưng phần thưởng cao quý nhất đối với ông là âm nhạc của bài hát "Vì nhân dân quên mình" được chọn làm nhạc hiệu cho buổi Phát thanh và Truyền hình Quân đội cũng như nhạc mở đầu của Xưởng phim Quân đội. Và, vinh dự hơn nữa là "Vì nhân dân quên mình" đã trở thành "Quân ca" của lực lượng vũ trang, gắn kết với đời người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam mãi mãi với thời gian.

NS. Dương Viết Chiến

Tác giả Hoàng An giành cúp đồng tại cuộc thi ảnh:
"Mùa xuân Giáp Ngọ 2014"

Cuộc thi ảnh nghệ thuật: "Mùa xuân Giáp Ngọ 2014" do Hội Nhiếp ảnh thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã có 1.245 ảnh của 165 tác giả ở 24 tỉnh, thành cả nước tham gia. 

Kết quả có 112 ảnh được chọn triển lãm, 33 ảnh đoạt giải. Tỉnh ta có nhà nhiếp ảnh Hoàng An với tác phẩm: "Thiên đường" đã đoạt cúp đồng tại cuộc thi.

Phan Hòa