.

Các "di sản sống" và công cuộc…chờ đợi! - Kỳ 2: … Cho đến các nghệ nhân của nhân dân

Thứ Tư, 22/01/2014, 07:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Bên cạnh các nghệ nhân dân gian đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận, tỉnh ta vẫn còn có một đội ngũ đông đảo các nghệ nhân dân gian truyền thống. Người đời thường gọi họ là nghệ nhân của nhân dân, bởi mặc dù chưa có một danh hiệu hay một sự vinh danh chính thức nào, nhưng nhiều năm qua, các nghệ nhân đó vẫn kiên trì, miệt mài bảo tồn, phát huy các giá trị của văn hóa cha ông. Và dường như, đến bất cứ một vùng quê giàu truyền thống nào, bạn cũng dễ dàng bắt gặp những con người bình dị như thế.

>> Kỳ 1: Từ các nghệ nhân dân gian...

Hôm nay, câu lạc bộ Hò khoan Lệ Thủy sẽ sinh hoạt theo định kỳ hàng tháng. Không hẹn mà gặp, chị Nguyễn Thị Hải Lý tạm gác công việc đồng áng bận rộn, chị Đặng Thị Hồng Hới cũng “gửi gắm” lại quán phở-nguồn sống của cả gia đình-cho chồng mình, hăm hở cùng các anh chị em trong câu lạc bộ say mê tập luyện. Bắt đầu bén duyên với Hò khoan Lệ Thủy từ năm 15 tuổi, với giọng ca hay, đặc sắc, cô thôn nữ Nguyễn Thị Hải Lý đã nhận được sự truyền dạy tận tâm của nhiều nghệ nhân xuất sắc không chỉ về Hò khoan Lệ Thủy, mà còn về dân ca Bình-Trị-Thiên, ca Huế...

Từ năm 20 tuổi, chị Hải Lý đã “chinh chiến thành công” nhiều sân khấu cấp tỉnh, cấp quốc gia... và góp phần đưa làn điệu Hò khoan Lệ Thủy mê đắm lòng người đến với bạn bè khắp mọi miền. Nay gần bước sang tuổi 60, chị Hải Lý lại có niềm say mê khác: đó là truyền dạy lại Hò khoan Lệ Thủy cho các thế hệ sau. Câu lạc bộ tự phát này là thành quả của 11 anh chị em có tâm huyết. Mọi kinh phí, từ đi lại, ăn uống, thu băng đĩa... đều do các thành viên câu lạc bộ tự bỏ ra để cùng tập luyện, biểu diễn. Mặc dù, chính quyền địa phương đã có sự quan tâm hơn đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị của Hò khoan Lệ Thủy, nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn với những người tâm huyết như chị Lý, chị Hới.

Chị Nguyễn Thị Hải Lý chia sẻ, chị và chị Hới rất tích cực tham gia truyền dạy tại các lớp tập huấn, đào tạo về Hò khoan Lệ Thủy của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện hay các trường trong huyện mở. Tuy nhiên, nguồn thù lao lại khá thấp, chưa đủ để chị và các anh chị em khác có thể tiếp tục duy trì hoạt động của câu lạc bộ một cách hiệu quả. Sắp tới, chị dự định mở thêm một Đội dân ca ca kịch, tập hợp các anh chị em trước đây thuộc các đoàn văn công. Mục đích của Đội là vừa phục dựng lại các vở kịch thu hút đông đảo người xem trước đây để công diễn, vừa góp phần khôi phục lại những nét đẹp trong ca kịch truyền thống xưa.

Các câu lạc bộ, tâm huyết của nhiều nghệ nhân văn hóa văn nghệ dân gian, rất cần sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía.
Các câu lạc bộ, tâm huyết của nhiều nghệ nhân văn hóa văn nghệ dân gian, rất cần sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía.

Theo chị Đặng Thị Hồng Hới, làm công việc “vác tù và hàng tổng” này, chị em vẫn còn tâm lý ngại ngần, bởi không ít người dèm pha, nói ra nói vào về công việc “thoạt nhìn thì rực rỡ phấn hoa, nhưng vất vả bộn bề”, trong khi thù lao hầu như không có hoặc có thì khá thấp. Đắt đỏ nhất vẫn là phần thu băng đĩa. Anh chị em thường đầu tư thu băng, đĩa để hỗ trợ công tác truyền dạy và cũng nhằm mục đích lưu giữ làm tư liệu. Không có nguồn kinh phí hỗ trợ, mọi khoản đều do anh chị em trong câu lạc bộ bỏ tiền túi ra để làm, vì vậy, họa hoằn lắm anh chị em mới dám “chơi sang”.

Cụ Đỗ Thị Minh (Thị trấn Kiến Giang, Lệ Thủy) là một nghệ nhân Hò khoan Lệ Thủy có tiếng. Bước sang tuổi 73, không còn đủ sức để truyền dạy, nhưng với niềm đam mê, cụ Đỗ Thị Minh cùng một số cụ khác vẫn chiều chiều tập trung và cùng hò khoan, thu vào các băng cát sét cũ, để khi vui khi buồn lại có dịp mang ra thưởng thức. Cụ cho biết, trước đây, một số đơn vị truyền thông từ các tỉnh bạn qua sự giới thiệu của huyện đã tìm đến và thu lại một số bài hò khoan của cụ. Nhưng, cụ vẫn mong muốn được huyện, tỉnh triển khai các dự án, chương trình sưu tầm, thu lại các làn điệu hò khoan Lệ Thủy của những bậc cao niên. Bởi, cụ chỉ sợ sau này, khi các cụ không thể hò được nữa, kho tàng vốn quý vô giá sẽ khó có thể duy trì cho đời sau. Và đó cũng là hy vọng của những nghệ nhân của nhân dân như chị Lý, chị Hới. Ngoài ra, các câu lạc bộ hoạt động tự nguyện cũng chờ đợi sự giúp đỡ nhiều hơn từ chính quyền địa phương để duy trì hoạt động.

Trong năm 2013, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã đề xuất với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam một số nghệ nhân để được công nhận nghệ nhân dân gian, trong đó có chị Nguyễn Thị Hải Lý và Đặng Thị Hồng Hới. Năm 2014, Hội sẽ tiếp tục khảo sát cùng với các huyện, thành phố để chọn nghệ nhân tiêu biểu đề nghị Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là nghệ nhân dân gian, dự kiến từ 3-5 nghệ nhân.

Khi hỏi hai chị Lý và chị Hới chờ đợi gì từ danh hiệu cao quý này, hai chị đều thẳng thắn chia sẻ: “Danh hiệu nghệ nhân dân gian với chúng tôi là sự ghi nhận những nỗ lực và cố gắng của bản thân mình trong suốt thời gian qua đối với Hò khoan Lệ Thủy. Dù có nó hay không, tình yêu, lòng đam mê và nhiệt huyết dành cho Hò khoan vẫn luôn âm ỉ. Cái chúng tôi chờ đợi là cơ hội để có nhiều sân chơi, nhiều cuộc thi thố các cấp hơn dành cho các nghệ nhân của nhân dân. Bởi từ chính những sân chơi đó, văn hóa, văn nghệ dân gian mới có cơ hội được biểu diễn, được phô cái hay, cái đẹp trước công chúng. Và mỗi người nghệ nhân có thể tự hào với những gì mình đã cống hiến”.

Nói như ông Văn Lợi, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh, không một nghệ nhân dân gian hay nghệ nhân của nhân dân nào chờ đợi mình sẽ có được những gì từ cái mà họ vẫn âm thầm cống hiến trong suốt cuộc đời mình, từ dòng máu văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống vẫn đang sục sôi, âm ỉ trong bầu huyết quản. Điều mà không chỉ các nghệ nhân mà cả các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, công chúng đã và đang kỳ vọng, đó là sự nhìn nhận đúng đắn, kịp thời về những đóng góp của mỗi nghệ nhân vào quá trình bảo tồn vốn quý dân tộc trước khi quá muộn. Và trên tất cả, từ sự nhìn nhận đó, những động thái bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống thực sự tích cực và hiệu quả từ chính quyền các cấp sẽ được triển khai một cách hệ thống, khoa học. Vậy, hãy cùng... chờ đợi!

Mai Nhân