.

Ca trù Quảng Kim hồi sinh

Thứ Ba, 14/01/2014, 15:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Xã Quảng Kim (huyện Quảng Trạch) không chỉ nổi tiếng về tiếng hát Kiều đắm say lòng người mà còn nổi tiếng về tiếng hát ca trù. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, lối hát ca trù nơi đây vẫn có sức sống tiềm tàng.

Ca trù, trước đây còn gọi là hát nhà trò là loại hình nghệ thuật được quần chúng nhân dân ưa thích, chủ yếu biểu diễn trong các ngày lễ trọng đại của đất nước, các hội làng, ngày xuân, ngày Tết. Trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, ca trù đã được phát triển nhiều nơi trên quê hương Quảng Trạch.

Riêng ca trù Quảng Kim được du nhập và lưu truyền hơn 200 năm về trước, chủ yếu là do những nghệ nhân từ miền Bắc vào khai khẩn đất đai lập nghiệp. Ngày ấy, những thiếu nữ trong làng lớn lên nếu có giọng hát hay thường được đi theo đoàn để hát ca trù phục vụ quan triều đình hoặc hát phục vụ nhân dân trong các ngày lễ trọng đại.

Trong thời kỳ chiến tranh, hát nhà trò Quảng Kim hầu như bị trầm lắng. Khi đất nước thống nhất, năm 1979, nhận thấy di sản văn hóa này đang dần bị quên lãng, các cụ ông, cụ bà trong đội 9 (hiện nay thuộc thôn 4, xã Quảng Kim) liền rủ nhau thành lập tổ văn nghệ để hát ca trù.

Do nền tân nhạc phát triển mạnh nên hát nhà trò Quảng Kim không được để ý đến. Trước tình hình đó, năm 1994 hai cụ bà Từ Thị Thê và Phan Thị Đạnh (sinh năm 1924) đã tuyển chọn 12 ca nương trong thôn 4 có giọng hát hay, yêu thích văn nghệ để truyền lại tiếng hát ca trù bấy lâu nay đã vắng bóng.

Một buổi luyện tập của các đào nương CLB ca trù Quảng Kim.
Một buổi luyện tập của các đào nương CLB ca trù Quảng Kim.

Từ đó, CLB ca trù Quảng Kim được thành lập, với 15 người tham gia (3 người nam và 12 nữ). Cứ mỗi tháng 3 lần tập, đến nay, các đào nương hát thuộc được rất nhiều bài. Ca trù có rất nhiều làn điệu, riêng ca trù xã Quảng Kim hiện còn lưu giữ được các làn điệu như: hát phú, hát kim tiền, hát luyện, hát múa sinh và múa quạt. Không chỉ học từ hai cụ bà, những người trong CLB còn học các bài hát của ca trù Đông Dương (Quảng Phương) để có thêm nhiều bài hát phong phú, giúp người nghe thêm yêu nền âm nhạc của quê hương.

Ca trù không chỉ khó về giai điệu mà ca từ cũng rất khó hiểu bởi hầu hết ngôn từ là từ Hán cổ hoặc Hán - Việt. Vì vậy, để những người trẻ đến được với ca trù, hiểu và hát hay những điệu ca trù này là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, với tâm huyết và mong muốn bảo tồn nghệ thuật ca trù của quê hương, những con người nơi đây đang nỗ lực hết mình để gìn giữ và lưu truyền những gì cha ông để lại.

Cụ Phan Thị Đạnh năm nay đã 90 tuổi nhưng vẫn có giọng hát mượt mà uyển chuyển, cụ thuộc rất nhiều bài hát. Hàng ngày ngoài việc luyện tập, cụ còn dành thời gian chỉ dạy cho các cháu, truyền lại những gì mà cụ biết.

Ông Giã Đình Vinh, Trưởng CLB hát ca trù Quảng Kim cho biết: “Đội ngũ đào, kép của câu lạc bộ ca trù Quảng Kim đang ngày càng được trẻ hóa. Chúng tôi tiếp tục sưu tầm, sáng tác, luyện tập để phục vụ nhân dân trong làng và các làng vùng lân cận. Với chúng tôi, ca trù đã trở thành một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu được, một món ăn tinh thần mang tính đậm đà bản sắc dân gian”.

Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, các đào, kép ở thôn 4, Quảng Kim (Quảng Trạch) gác đi những lo lắng thường nhật, mang khúc vui xuân phục vụ công chúng những điệu hát nhà trò làm đắm say lòng người.

Vừa qua, UNESCO đã công nhận ca trù Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể, cần bảo vệ khẩn cấp. Với tâm huyết của CLB và sự quan tâm ủng hộ các cấp uỷ chính quyền địa phương, ca trù Quảng Kim đang có những cơ hội phát triển mới, khẳng định sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần nhân dân.

Thanh Hoa