.

Các "di sản sống" và công cuộc...chờ đợi! - Kỳ 1: Từ các nghệ nhân dân gian...

Thứ Ba, 21/01/2014, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Không thể phủ nhận một thực tế rằng, để các kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian duy trì, tồn tại và phát huy các giá trị vốn có của mình có sự đóng góp, công lao rất lớn của các "di sản sống". Họ là những người ngày đêm miệt mài như "con ong" chăm chỉ, cần mẫn "gieo" tiếng đàn, câu hát, nhịp phách... vào trái tim, tâm hồn của nhiều thế hệ tiếp nối. Hầu hết các "di sản sống" này đều đang ở tuổi xưa nay hiếm hoặc ở lứa tuổi trung niên đang cố gắng dốc những sức lực cuối cùng cho niềm say mê nghệ thuật. Và cũng như tất cả các "di sản sống" ở Việt Nam, họ cũng đang ở tâm thế chờ đợi, chờ đợi một chính sách ưu đãi, chờ đợi sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ chính quyền địa phương và chờ đợi một sự vinh danh. Chỉ có điều, không biết nhiều trong số các "di sản sống" đó, liệu có đủ thời gian để chờ đợi...               

Theo ông Văn Lợi, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh, tỉnh ta có 5 nghệ nhân được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là nghệ nhân dân gian. Trong đó, một nghệ nhân dân gian đã qua đời, các nghệ nhân dân gian còn lại vẫn đang bền bỉ đưa những giá trị truyền thống của cha ông đến với lớp trẻ, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, con người đất Quảng. Nhưng, đó là một hành trình đầy gian nan và thử thách.

Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa chia sẻ, nghệ nhân dân gian hát ví đúm Đinh Thị Phương Đống là một trong những hội viên tích cực và nhiệt huyết nhất của Hội. Minh Hóa vẫn còn một nghệ nhân dân gian khác là ông Trần Khánh Nguyên, nhưng nay đã tuổi cao sức yếu. Bà Đinh Thị Phương Đống vừa là nòng cốt của phong trào dân ca, vừa góp sức xây dựng mô hình câu lạc bộ hát dân ca ở cơ sở, tích cực truyền dạy hát dân ca truyền thống cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, bà cũng rất chú trọng công tác sưu tầm kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc, nỗ lực không để các giá trị đó bị thất truyền theo thời gian.

Tuy vậy, mặc dù chính quyền các cấp quan tâm phát triển, nhưng với một huyện còn nhiều khó khăn như Minh Hóa, các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ cấp cơ sở hoạt động không hề dễ dàng khi mà mọi nguồn kinh phí đều tự túc mà có. Những người như bà Đinh Thị Phương Đống đều tự nguyện đóng góp hết sức lực, bởi niềm đam mê, yêu mến và nỗi lo lắng cho sự mai một của một loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian.

Ông Hồ Xuân Thể (Đông Dương, Quảng Phương, Quảng Trạch) là nghệ nhân dân gian về đàn đáy trong ca trù. Suốt mấy năm qua, ông và nhiều bậc cao niên khác trong làng ca trù Đông Dương đã nỗ lực duy trì hai câu lạc bộ (một cho người lớn và một cho thiếu nhi). Sau khi nghệ nhân dân gian ca trù Phạm Thị Thứu qua đời, ông Hồ Xuân Thể được xem như một trong những gạch nối cuối cùng giữa ca trù quá khứ và hiện tại, giữa những nét truyền thống và cách tân.

 Đối với các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian, các nghệ nhân được ví như những
Đối với các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian, các nghệ nhân được ví như những "di sản sống".

Chính vì vậy, dù đã quá tuổi thất thập, bằng niềm say mê tiếng đàn đáy, cùng với những nghệ nhân khác, ông vẫn cần mẫn truyền dạy cho lớp hậu sinh cái hay, cái đẹp của ca trù cổ Đông Dương. Nhưng, canh cánh trong tâm khảm của nghệ nhân dân gian này vẫn là những nỗi lòng khó tỏ cùng ai. Ông mong muốn người con trai của mình sẽ kế nghiệp, nhưng "cơm áo gạo tiền", những chuyến làm ăn xa của anh thật khó để níu giữ tiếng đàn.

Gần đây, anh ở nhà nhiều hơn, thời gian tập luyện vì thế cũng dư giả hơn, nhưng trong tương lai vẫn còn điều lo lắng. Là nghệ nhân dân gian, tuy nhiên, do chưa có chế độ, chính sách hỗ trợ, ông vẫn phải làm thêm nhiều việc để nuôi sống gia đình và thỏa niềm đam mê nghệ thuật. Trên tất cả, tấm bằng chứng nhận nghệ nhân dân gian chính là động lực để ông vượt qua những khó khăn đó.

Ông Văn Lợi, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh, ngậm ngùi chia sẻ, không ít nghệ nhân dân gian tỉnh ta đời sống vẫn gặp nhiều vất vả, để cân bằng giữa tình yêu nghệ thuật và cuộc sống thực tế luôn đòi hỏi những nỗ lực đáng khâm phục.

Khi một nghệ nhân dân gian được công nhận, ngoài tấm bằng và một khoản tiền thưởng tượng trưng theo quy định, họ không có thêm một chính sách đãi ngộ nào. Nhưng, khi hỏi bất cứ một nghệ nhân dân gian nào về quyền lợi hay mong muốn, dù các cụ đã ở tuổi gần đất xa trời, câu trả lời vẫn luôn là, các cụ làm theo niềm đam mê, mong muốn giữ mãi nét đẹp của các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống, tuyệt nhiên không có sự đòi hỏi, so bì quyền lợi nào cả.

Với họ, có đủ sức khỏe để tiếp tục truyền dạy cho thế hệ sau đã là điều hạnh phúc lớn lao nhất. Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh từ lâu đã ấp ủ nhiều dự định lớn lao vinh danh các nghệ nhân dân gian của tỉnh nhà, nhưng do thiếu nguồn kinh phí, mọi dự định trở nên dang dở. Tuy vậy, ông Văn Lợi bày tỏ quyết tâm trong năm 2014, một trong những việc cần làm đầu tiên của Hội sẽ đề xuất tổ chức gặp mặt các nghệ nhân dân gian trong toàn tỉnh, biểu dương, cổ vũ sự nỗ lực, cố gắng của các nghệ nhân trong suốt thời gian qua. Động thái tiếp theo, Hội sẽ phối hợp, tham vấn cho Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch để đề xuất Nghệ nhân ưu tú và Nghệ nhân nhân dân khi có Nghị định của Chính phủ ban hành về vấn đề này.

Trong khi các "di sản sống" tiếp tục chờ đợi những chế độ, chính sách ưu đãi từ Trung ương và chính quyền địa phương, thì năm 2013, tỉnh Bắc Ninh vừa thông qua "Quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh". Theo đó, những nghệ nhân Dân ca Quan họ đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phong tặng đợt 1 sẽ được thụ hưởng đồng thời mức hỗ trợ hàng tháng bằng 1 lần mức lương tối thiểu; được hỗ trợ mức phí tham gia bảo hiểm y tế hàng năm; được hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức Nhà nước.

Những nghệ nhân Dân ca Quan họ sẽ tiếp tục được UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú và được hưởng chế độ khen thưởng theo quy định của Nhà nước. Trường hợp Nhà nước không có chế độ đãi ngộ (mức trợ cấp hàng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí...) thì nghệ nhân đó sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ của tỉnh với mức trợ cấp hàng tháng bằng 2 lần mức lương tối thiểu chung cùng chế độ bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí.

Ngoài những nghệ nhân thuộc loại hình Dân ca Quan họ, đối tượng điều chỉnh của Quy định này còn áp dụng với những nghệ nhân thuộc loại hình Ca trù, khi được Chủ tịch UBND tỉnh phong tặng danh hiệu nghệ nhân sẽ được vận dụng thụ hưởng mức thưởng và chế độ đãi ngộ áp dụng như nghệ nhân Dân ca Quan họ. Và tất cả "di sản sống" ở nhiều địa phương cũng đang "nuôi" một hy vọng như thế...

          Mai Nhân

Kỳ 2 :..Cho đến các nghệ nhân của nhân dân