.

Sưu tập trống đồng Đông Sơn ở Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình

Thứ Ba, 09/04/2013, 08:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Trống đồng là một loại cổ vật đặc sắc trong tài sản văn hoá Việt Nam, tiêu biểu cho văn minh Đông Sơn của người Việt cổ. Ở Quảng Bình, Văn hoá Đông Sơn đã phát hiện được ở nhiều địa điểm. Với trống đồng thì chỉ mới phát hiện được ở Phù Lưu (Quảng Lưu, Quảng Trạch). Tổng số trống hiện có tại Bảo tàng tỉnh là 4 chiếc.

Các trống đồng hiện có tại Bảo tàng Quảng Bình là trống đồng Đông Sơn loại I theo cách phân loại của Herge (một học giả người Đức). Có thể phân chia thành ba loại: trống hội, trống sinh hoạt và trống minh khí.

Tất cả những chiếc trống này đều thể hiện trình độ cao về kỹ năng và kỹ thuật, đặc biệt họa tiết hoa văn phong phú, được khắc chạm miêu tả chân thật cảnh sinh hoạt của cư dân Việt cổ Quảng Bình. Chức năng của trống chủ yếu vẫn là nhạc khí, dùng trong các buổi lễ hội, lễ tuỳ táng của quan, tế thần của người dân, dùng trong diễn tấu nhạc, đôi khi được dùng làm vật để chôn theo người chết. Trống thể hiện quyền lực của các thủ lĩnh ngày trước, là công cụ thông tin trong đời sống sinh hoạt thời bình hay thời chiến.

Trên mặt trống có các họa tiết ngôi sao ở trung tâm trống. Ở trống chim cách điệu: vòng 3 có 4 con chim hạc bay ngược chiều kim đồng hồ, vòng 4 có răng sói bao quanh. Mặt bên trong của trống có khắc nổi hình 2 con cá ngược chiều nhau trong tư thế đang bơi. Đối với loại trống này được xác định niên đại trong khoảng 2000-2500 năm. Loại trống Đông Sơn thuộc nhóm 1 nhưng muộn, có các chất liệu pha tạp đồng thau và một số kim loại khác nên trống đúc mỏng hơn, tiếng trống rền và đanh hơn. Nhìn từ góc độ khoa học thì những chiếc trống này có tang trống phần trên phình ra hình nón cụt, giữa thắt lại hình trụ tròn, chân loe ra hình phễu.

Trống đều được đúc bằng khuôn 2 mang (mảnh). Rìa mặt trống còn để lại những dấu vết con kê để căn đều chiều dày thành trống trên khuôn đúc. Kỹ thuật nung chảy hợp kim đồng, tìm vật chịu lửa làm khuôn đúc và nắm vững tính chất hoá lý của mỗi kim loại trong hợp kim đồng cũng đã đạt đến trình độ thành thạo. Số lượng cánh sao, chim người, động vật trên vành trống đều là số chẵn, chứng tỏ người Việt cổ ở Quảng Bình đã biết và chú trọng đến số đếm của tháng và năm.

Trống đồng ở bảo tàng Quảng Bình.
Trống đồng ở bảo tàng Quảng Bình.

Về  người nhảy múa có gắn lông chim trên đầu, chim lạc cho phép ta nghĩ đến đó là vật tổ của Lạc Việt. Riêng về hoa văn như chim, người, động vật, hoa văn hình học được sắp xếp hài hoà, tinh tế như mặt cong của tang trống, lưng trống... chứng tỏ trang trí của cư dân Đông Sơn Quảng Bình đã gắn bó giữa dáng hoa văn và chuyên môn hoá theo công năng vật dùng. Bố cục trên mặt trống, thân trống được bố trí theo tư thế động, xoay quanh ngôi sao ở giữa. Với việc gắn ngôi sao ở tâm trống có thể nghĩ rằng người Đông Sơn đã có quan niệm về tôn giáo. Như vậy lễ hội đã có trong thời kỳ này.

Đặc trưng của kỹ thuật đúc nổi tạo trên khuôn để tạo ra những hình ảnh khắc chìm trên mặt trống đã thể hiện một bức tranh toàn cảnh về tín ngưỡng, về kiến trúc, về sản suất, về tinh thần chiến đấu, về lễ hội... của cư dân nông nghiệp lúa nước. Điểm nổi bật nhất của nghệ thuật tạo hình trên trống là con người chiếm chủ đạo trong thế giới muôn loài. Con người luôn lao động, đánh bắt cá, vui chơi, giải trí, ca múa, đánh trống, thổi kèn, bơi lội, cầm vũ khí để bảo vệ quê hương. Đó là những con người bình dị, thuần hậu, chất phác, hiền hoà, nhân bản.

Thủ pháp nghệ thuật thể hiện trên trống chủ yếu mô tả theo lối bổ nghiêng như người, chim, cóc... Vẽ từ cách nhìn một phía chứ không nhìn thẳng mặt. Thế giới được mô tả trong một không gian khép kín. Và thủ pháp ước lệ sử dụng theo trí tưởng tượng của họ. Hình chim được mô tả vài nét cong tròn, đường viền thân chim và những nét gạch ngang, dọc cũng mang đủ đặc trưng của chim đang bay. Việc sử dụng sắc độ đậm nhạt cũng cho thấy được ý thức của cư dân Đông Sơn. Trên trống còn thể hiện nghệ thuật đối xứng trục qua tâm trống, đối xứng với các hoa văn qua trục. Việc trang trí trên trống mang xu hướng gần gũi với cuộc sống hàng ngày của cư dân nông nghiệp lúa nước mặc dù nó là những chiếc trống đầy quyền uy vẫn phản ánh được nền văn minh Đông Sơn đang phát triển rực rỡ. Qua trang trí trên trống  cho ta nhận thức những đặc trưng tiêu biểu của Văn hoá Đông Sơn ở Quảng Bình cũng giống như các nơi khác cùng thời:

-Hiện tượng bông lúa trên quai cặp trống, hình người giã gạo... cho ta nhận định về sự phát triển sớm và rộng khắp của văn minh nông nghiệp lúa nước.

- Địa bàn sinh tụ của cư dân văn hoá Đông Sơn là miền châu thổ các sông, ao đầm, hồ nên có nhiều chim, cá,... đó là sự tinh tế của cư dân Việt cổ bây giờ và tài của nghệ nhân làm trống.

- Cảnh sống thanh bình, không khí hội hè được khắc hoạ trên trống.

- Hình các ngôi sao và vòng tròn trang trí ngược chiều kim đồng hồ... phản ánh tín ngưỡng thờ mặt trời, tín ngưỡng phồn thực của cư dân vốn chuyên về nghề nông và cơ bản là miêu tả khái quát sinh động các sinh hoạt và lễ nghi liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

Trống đồng Đông Sơn ở Quảng Bình là nhạc khí cổ, là đỉnh cao nghệ thuật của trang trí thời kỳ đó, là linh vật của người Việt cổ. Nó là một bộ sử bằng hình ảnh khi chữ viết chưa phát triển. Trống thể hiện tín ngưỡng, cuộc sống sinh hoạt, thể hiện tinh hoa và ý chí quật cường của dân tộc. Tổ tiên ta đã vượt lên những khắc nghiệt của thiên nhiên, bằng sự dũng cảm, trí thông minh và sáng tạo hiếm có đã tạo nên kỹ thuật luyện kim đồng thau bản địa. Trống đồng  còn được sử dụng như “văn bản nhắc nhở”, trong các lễ thành đinh của thanh niên mới vào đời. Họ phải thể hiện lòng dũng cảm, tài sản xuất, chiến đấu, am hiểu tục lệ công xã và lịch sử nòi giống... Như vậy hơn hẳn các loại văn bản khác, trống đồng với các cảnh sinh động, giàu sức truyền cảm, với tầm khái quát lịch sử sâu rộng của nó đã đóng vai trò quan trọng và linh thiêng trong các lễ thức và quan trọng hơn các văn bản bằng ngôn ngữ không lời  trước khi chữ viết ra đời trong thế giới cổ đại.

Trống đồng dần dần đã được thần thánh hoá, thần trống đồng, thực sự trở thành những trang lịch sử không lời nhưng giàu sức khái quát, chan chứa ý thơ, xứng đáng tiêu biểu cho truyền thống văn hiến của dân tộc ta nói chung và quê hương Quảng Bình nói riêng.

                                                          Trần Thị Diệu Hồng