.

Văn học trẻ và văn học trẻ Quảng Bình

Thứ Tư, 03/04/2013, 07:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Những người viết trẻ đang là tâm điểm của những cuộc bàn thảo văn học sôi động nhiều năm qua. Rằng, thế hệ trẻ đang tiến hành công việc đổi gác, rằng họ là đội ngũ tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, rằng họ như cây non còn phải đợi kết quả chưa thể lường hết, rằng họ đã quá xa rời truyền thống văn học dân tộc. Tất cả những nhận định trên không phải không có căn cớ nguyên do của nó.

Tác giả Hoàng Thụy Anh.
Tác giả Hoàng Thụy Anh.

Từ sau năm 1975, văn học Việt Nam bước sang thời kỳ mới cùng với tiến trình của lịch sử - văn học thời bình. Cánh cửa mở rộng hơn, tầm nhìn thoáng đãng hơn. Người viết có điều kiện tiếp thu tinh hoa văn học nhân loại ở nhiều mặt, nhiều phía. Thời điểm này, các thế hệ nhà văn chống Mỹ vẫn là lực lượng chủ chốt. Thi pháp sáng tác không mấy thay đổi. Họa chăng đề tài phong phú đa dạng hơn. Người ta bắt đầu để tâm đến vấn đề hạnh phúc gia đình, vai trò cá nhân, nỗi đau dai dẳng của chiến tranh, cuộc sống mới trong không khí hoà bình. Nhưng phải đợi mười năm sau sự bung mở mới bước sang chiều mạnh mẽ. Văn học đề cập khát vọng của cái tôi, về tự do sáng tạo, cùng với sự xuất hiện lớp nhà văn trẻ sau chiến tranh.

Từ bấy đến nay, đội ngũ ấy càng ngày càng được bổ sung, trưởng  thành ở nhiều vùng, nhiều miền, trong đó có Quảng Bình  vốn là một trong những cái nôi xuất sắc của văn học. Cũng như mọi nơi khác, văn học Quảng Bình phát triển song hành với bước đi văn học cả nước. Sự đan cài này là tất yếu. Có điều sự tác động qua lại như thế nào, cộng hưởng tích cực hay chậm chạp, biên độ của văn học trẻ Quảng Bình lan toả tới đâu.

Hội nghị văn học trẻ Quảng Bình lần thứ 2 được tổ chức trước thềm năm mới là nhu cầu đòi hỏi của công chúng, của những người sáng tạo, phải nhìn nhận đánh giá khách quan, nghiêm túc về tình hình văn học và đội ngũ sáng tác những năm qua.

Tôi nghĩ có rất nhiều việc cần thảo luận trong và sau hội nghị.
- Văn học trẻ là gì, đội ngũ của nó gồm những ai.
- Vị thế văn học trẻ Quảng Bình nằm ở chặng đầu trong văn học trẻ cả nước.
- Sự quan tâm của công chúng đối với văn học trẻ ra sao...

Nêu lên như vậy, ngõ hầu muốn cùng các bạn nhìn thấu tận vào thời cuộc văn chương, từ đó có thể chia sẻ, tháo gỡ những gì còn vướng mắc về mặt nhận thức lý luận và thực tiễn của tình hình.

Một nền văn học chỉ biết bám víu vào vốn liếng, kho tàng có sẵn, khai thác trong không gian hạn hẹp, đơn tuyến, đó là nền văn học bảo thủ, không chịu vận động. Văn học trẻ chính là sự thoát xác, vượt qua những gì vốn có đón nhận nhiều khuynh hướng, trào lưu sáng tác và lý luận tân tiến. Văn học trẻ đòi hỏi người viết trẻ, bao hàm cả những người đi trước biết dấn thân,  dũng cảm, có khả năng làm thay đổi nhiều lề thói quen thuộc, cũ kĩ, tìm và nhập cuộc trong nhiều dòng chảy sáng tạo.

Thực tế không thể chối cãi sự xuất hiện một loạt tác giả có tuổi đời sinh trong khoảng thời gian từ sau năm 1960, đến sau 1970 như Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Bình Phương, Chu Thị Thơm cho đến Nguyễn Quyến, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Châu Giang, Trần Kim Hoa, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Lê Thị Mỹ Ý, Nguyễn Việt Tiến, Đỗ Hoàng Diệu, Hoàng Nhật Tuyên... đã làm cho nền văn học chuyển đổi diện mạo, mang màu sắc, phẩm cách hiện đại với nhiều dấu ấn cách tân rõ rệt.

Cái mới được chỉ ra không phải bằng tên tuổi mà bằng chất liệu nghệ thuật. Tôi từng tâm sự với những đồng nghiệp cùng thời, anh hãy nhìn vào anh, có khác ngày trước không, hay anh đang đi đi lại lại trên lối mòn đó. Điều ấy có nghĩa chúng ta đang vận động trong tư thế dẫm chân tại chỗ. Chất liệu nghệ thuật và bút pháp của các thế hệ sau ta khác rất nhiều thời ta cầm bút. Đây chính là hơi thở mới, là sức trẻ.

Văn học trẻ Quảng Bình cũng vậy. Những năm qua đã lộ dần nhiều gương mặt mới, tuy nó không đậm nét, sắc sảo như những nơi khác, nhưng vẫn khẳng định sự biến động tất yếu, biểu hiện tiềm năng văn chương của một vùng đất. Thực tế, sự xuất hiện của lớp nhà văn trẻ này còn đơn độc, riêng lẻ, một sự vận động tự thân. Tài năng của đội ngũ văn học trẻ Quảng Bình chưa được chăm chút khích lệ đúng mức. Họ thiếu những cây bút phê bình đánh giá đúng về văn chương của họ.

Văn học Quảng Bình đang bơi trong một biển hồ lặng sóng. Lẽ ra cần được quăng quật trong môi trường bão  táp, chịu sự va đập xô đẩy, để tìm lối thoát cho mình. Lối thoát đó chính là con đường sáng tạo riêng, cho dù có chông chênh, chìm nổi, đa đoan chăng nữa. Trong số này nhiều người đã vượt lên, văn chương có phần phơi mở quẫy đạp, hoặc thâm trầm, lắng đọng, nghiệt ngã thân phận, như Nguyễn Hương Duyên, Đoàn Hồ Lệ Anh, Nguyễn Thị Lê Na, Lê Kiều Anh, Phan Văn Chương, Phạm Phú Thép, Nguyễn Thế Nhân, Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Thị Minh Châu, Diệp Đồng, Trần Thị Huê và một số tác giả mới như Hoàng Thụy Anh, Nguyễn Cẩm Vinh, Hoàng Thị Bích Hồng...

Đấy là dấu hiệu đáng mừng. Tiếc rằng, chúng ta vẫn còn thờ ơ với văn học trẻ, xem văn học trẻ Quảng Bình chưa đến bến đến bờ nào cả. Thậm chí có người canh chừng sự bắt chước, thấy người ta làm mới, mình cũng học làm mới. Hiển nhiên không dễ dàng gì chúng ta có ngay được một thế hệ để điền chỗ, đổi gác, làm nên một cuộc cách mạng văn chương. Song ta hãy tỉnh táo nhìn tới, mươi mười lăm năm sau ai sẽ là người trụ cột chèo lái con thuyền văn học trẻ Quảng Bình?

Sự quan tâm đối với văn học trẻ không chỉ là những lời cổ động suông, những phán xét kiểu cha chú bề trên, mà cần có cách nhìn và giải pháp thật khoa học để tạo một vườn ươm xanh tốt. Các nhà phê bình văn học nên xem văn học trẻ là vùng đất mới chưa được khai mở. Công tác phê bình lý luận ở Quảng Bình phải nhờ đến ngoài tỉnh, không chỉ trong nội bộ người viết mà cả người nghiên cứu giảng dạy ở các trường đại học, các trường phổ thông trung học.

Quảng Bình đã có trường đại học, một trung tâm giáo dục văn hoá thực tiễn nhất. Văn học nhất thiết phải gắn bó với các trung tâm nghiên cứu giáo dục, đây là sự tác động tương hữu dài lâu. Báo chí là nơi chuyển tải tác phẩm, nơi phát hiện tài năng, cây bút mới. Do vậy báo chí phải năng động, nhạy cảm trong việc chăm sóc văn học trẻ, phải mạnh dạn giới thiệu những sáng tác mang tính thể nghiệm, tìm tòi. Tôi thiển nghĩ một số báo chí hiện nay như người đứng tuổi, muốn yên ổn, quây quần trong khuôn viên cổ điển, thiếu sự mạnh mẽ trẻ trung trong thiết kế các trang văn hoá, văn học nghệ thuật. Việc đầu tư cho tác phẩm và tác giả trẻ cũng cần nặng ký hơn, phải có phương thức đón đầu cho một số tác giả nổi trội.

Song tất cả các yếu tố trên chỉ là tác động khách quan. Nội lực sáng tạo vẫn là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của văn học trẻ. Hình như các bạn trẻ đang cặm cụi miệt mài trên trang giấy mà quên rằng để có những trang bản thảo thật sự văn chương, đòi hỏi người cầm bút cần xoay ăng ten thu nhận tri thức ra nhiều phía, biết khám phá thế giới bằng con mắt thần, dở bỏ những khuôn mẫu lỗi thời, tự do trong tư duy trong cảm hứng sáng tác. Sống trong một thế giới đang kết nối, hội nhập, bùng nổ thông tin mà người viết cứ bình chân thông thả, ắt sẽ nhiễm phải căn bệnh trì trệ, tự mình bó lấy mình, âu cũng là bi kịch của người cầm bút, bi kịch cho mỗi vùng đất.

Văn học cũng như mọi lĩnh vực hoạt động tinh thần khác phải không ngừng vận động và chuyển hoá. Cái mới của ngày hôm nay sẽ là cái cũ của ngày hôm sau. Không ai có quyền ngăn cản bước đi của văn học. Mỗi nhà văn  là sản phẩm đồng thời là chủ nhân của đời sống xã hội luôn biến động. Phẩm cách người viết là yếu tố quyết định cũng là điều kiện tiên quyết. Vì phẩm cách làm nên cá tính sáng tạo để sản sinh ra tác phẩm văn học đích thực, giàu sức cảm hoá, tạo ra trường hấp dẫn kỳ diệu người đọc.

Có vậy nhà văn mới là nhà tư tưởng, người sáng tạo thế giới tinh thần đặc biệt. Văn học trẻ nói chung và Quảng Bình nói riêng không thể thoát khỏi quy luật muôn thuở ấy. Đó là điểm tựa của sức bật cho mọi trật tự mới, là yêu cầu cao của mọi thời.

                                                                       Hoàng Vũ Thuật