.

Những chiêm nghiệm cuối đời của nhà thơ Xuân Hoàng

Thứ Hai, 08/04/2013, 07:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Càng về già, Xuân Hoàng càng hướng vào cõi tâm linh với những suy ngẫm, triết lý sâu sắc. Bằng chất giọng trầm lắng, pha chút ngang tàng, nhà thơ đã đúc kết những chiêm nghiệm của mình. Nhà thơ muốn “trao gởi” những chiêm nghiệm ấy cho tất cả mọi người.

Nhà thơ Xuân Hoàng. (Nguồn: Internet)
Nhà thơ Xuân Hoàng. (Nguồn: Internet)

Tuổi già thường hay nghĩ về lẽ sinh - tử. Xuân Hoàng cũng không ngoại lệ. Nhà thơ tự hỏi: Sắp tàn một kiếp tài hoa/ Nắng thu xanh, ánh trăng xa có buồn? Đã ngoài bảy mươi, “mắt không còn rõ nữa rồi”, nhà thơ luyến tiếc nhớ về thời tuổi trẻ. Thời ấy thật đẹp, thật đáng yêu, thật lãng mạn: Buồm trắng và hải âu/ Như là trong mộng vậy (Từ giã). Không chỉ luyến tiếc, Xuân Hoàng còn hết sức hối hận:

Tuổi trẻ phung phí nhiều
Đến bây giờ mới tiếc:
Bao thời gian tiêu hết
Trong nếp nghĩ giáo điều.

                                   (Bóng mây)

Chính “cái nếp nghĩ giáo điều” ấy đã hạn chế phần nào sức sáng tạo của nhà thơ.

Xuân Hoàng kính cẩn cúi đầu nhận lỗi trước anh linh mẹ:

Đến khi hiểu được mẹ
Sắp hết veo một đời!

                                (Nhân ngày giỗ mẹ)

“Sắp hết veo một đời”, nhà thơ của chúng ta mới ngộ ra nhiều điều. Anh quan sát thế giới chung quanh với cái nhìn đa chiều. Trong giây phút tìm lại được phần mộ của đứa con trai bé bỏng (sau 30 năm thất lạc), nhà thơ đau xót thốt lên:

Cái sống và cái chết
Cứ như là trò chơi!

                               (Tìm mộ con)
Sau bao nhiêu năm tháng nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc, anh nhận ra rằng:

Không phải thế đâu, không phải thế!
Có khi hạnh phúc nắm trong tay
Thế rồi lơ đãng, ta buông lỏng
Để lại đi tìm trong đắng cay.

                                            (Tìm Thiền)

Lòng nhà thơ luôn trĩu nặng nỗi buồn thế sự. Xuân Hoàng đồng cảm sâu sắc với Trần Tế Xương:

Người buồn lịch sử sang trang
Tôi buồn thời cuộc ngổn ngang chuyện đời
Giống nhau tâm sự rối bời
Hai đầu thế kỷ, hai người cô đơn.

                                              (Hai người cô đơn)

Anh mượn chuyện bóng đá, con lật đật, hề tuồng... để nói chuyện đời, chuyện thơ:

Trong khi chuyện làm bàn là có thật
Thì vi vu, quả bóng cứ đi vòng...
Thơ cũng vậy, đôi khi thành bất lực
Trước cuộc đời, qua những khúc lông bông!

                                                (Thơ và bóng đá)

Thế cho nên tôi muốn sắm hề tuồng
Mặt bôi phấn, mỉa đời cho thật sắc
Biết đâu được: Khi mệt vì sát phạt
Người-đang-cần-sám-hối thấy mình hơn?

                                                (Thơ và hề tuồng)

Khi giả dối chính là con lật đật
Buộc trăm nghiêng phải đứng thẳng về mình
Bắt con rối khoác lên mình sự thật
Thì cuộc đời còn lắm chuyện hư vinh.

                                                          (Con lật đật)

Lúc đã ngoài bảy mươi tuổi, nhà thơ vẫn còn “nặng nợ phù sinh”. Cái “nợ phù sinh” ấy cứ bám lấy nhà thơ. Suy cho cùng đó chính là tâm trạng của những con người luôn mong muốn mang lại sự tốt đẹp cho cuộc đời. Xuân Hoàng khao khát được sống, được cống hiến. Nhà thơ đón đợi cuộc chia ly cuối cùng thật nhẹ nhàng, thanh thản:

Mắt không thấy rõ nữa rồi
Thì thu con mắt nhìn đời vào trong
Người rồi về với hư không
Thì thôi, xin khỏi bận lòng trầm luân
Thì thôi, khỏi vướng bụi trần
Càng long lanh sáng chữ Tâm với đời!

                                                                (Tự biết)

Đó là những chiêm nghiệm cuối cùng trước khi nhà thơ bước vào cõi vĩnh hằng.

                                                                                 Mai Văn Hoan