.

Đánh giá kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ

Thứ Bảy, 09/05/2015, 11:05 [GMT+7]
(QBĐT) - Sáng 8-5, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và huyện Minh Hoá.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Nghị quyết 30a của Chính phủ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo đối với các huyện nghèo ở địa bàn miền núi. Nghị quyết ban hành đã nhận được sự quan tâm tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ có hiệu quả của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư.
 
Chính vì vậy, sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, cả nước đã phân bổ được gần 20.190 tỷ đồng để hỗ trợ cho 61 huyện nghèo (nay là 64 huyện do quá trình điều chỉnh địa giới hành chính các huyện nghèo và thành lập các huyện mới) thực hiện các chính sách giảm nghèo như: mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, nhà ở cho nhân dân...
 
Cụ thể, từ năm 2009-2014, các huyện nghèo trong cả nước đã được đầu tư trên 2.700 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; hàng chục ngàn lượt cán bộ thôn, bản và người lao động đã được đào tạo nâng cao dân trí, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong đó đã đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động; trên 26.840 lao động tham gia đề án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
 
Trong 2 năm 2009-2010, Chính phủ đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở theo quyết định 167. Theo đó, sau 2 năm thực hiện, 62 huyện nghèo trên phạm vi cả nước đã xây dựng được 95.486 ngôi nhà cho các hộ nghèo; giải ngân trên 11.600 tỷ đồng thực hiện chương trình cho vay ưu đãi. Ngoài ra, Nghị quyết 30a của Chính phủ cũng đã đầu tư phân bổ nguồn vốn để xây dựng trên 5.700 công trình hạ tầng cơ sở, tạo nền tảng để các huyện nghèo trong cả nước thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
 
Đặc biệt, sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 30a, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các huyện đã giảm xuống còn 35% theo chuẩn cũ (năm 2010) và giảm gần 38% trong giai đoạn 2011-2014; tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2014 của các huyện cơ bản đạt mức giảm bình quân khoảng 6%/năm, cao hơn mục tiêu đề ra 4%. Đời sống kinh tế-xã hội trên địa bàn các huyện nghèo cũng đã có sự thay đổi rõ rệt, kinh tế từng bước phát triển; cơ cấu sản xuất đã có sự chuyển dịch theo hướng phi nông nghiệp và sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, đầu ra của sản phẩm được bảo đảm; thu ngân sách địa bàn tăng; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện (năm 2014 đạt khoảng 12-13 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4 lần năm 2006 và tăng hơn 1,5 lần so với năm 2010).
 
Để Nghị quyết 30a tiếp tục phát huy tốt hiệu quả, trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục đề ra các định hướng và giải pháp phù hợp, sát đúng với tình hình thực tế. Phấn đấu đến cuối năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo ngang bằng mức trung bình của tỉnh, năm 2020 ngang mức trung bình của khu vực; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 40% năm 2015, trên 50% năm 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt 14-15 triệu đồng/người/năm trong năm 2015 và đến năm 2020 tăng gấp hai lần.
 
Tại Quảng Bình, Nghị quyết 30a cũng được thực hiện khá hiệu quả ở huyện Minh Hóa với nguồn lực phân bổ và huy động hỗ trợ thực hiện là trên 333.000 triệu đồng. Sau 6 năm thực hiện, các chính sách như: hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm; giáo dục, đào tạo, dạy nghề; xuất khẩu lao động; thu hút cán bộ, trí thức trẻ; đầu tư cơ sở hạ tầng… đã giúp đổi thay bộ mặt huyện, cơ sở hạ tầng thôn bản được hoàn thiện, đời sống người dân nâng lên, trình độ dân trí ngày một cao hơn.
 
Người dân đã quan tâm, chú trọng hơn việc tiếp thu và áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi... Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm trên 9%, góp phần to lớn trong công cuộc giảm nghèo chung của tỉnh và cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 8,7 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân mỗi năm trên 11,5%; phấn đấu trong năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm 8% so với năm 2014…
 
Lê Mai