.

Chú trọng công tác tuyên truyền về REDD+

Thứ Năm, 16/04/2015, 08:48 [GMT+7]
(QBĐT) - Chiều 15-4, UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ đạo REDD+, do đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo REED+ chủ trì. Tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo REDD+ tỉnh,  đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, cán bộ truyền thông, cán bộ hiện trường Ban quản lý Dự án REDD+ Trung ương tại Quảng Bình.
 
 
Đồng chí Trần Văn Tuân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp Ban Chỉ đạo REDD+.
Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp Ban Chỉ đạo REDD+.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo dự án, năm 2014, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện sáng kiến REDD+ tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý (BQL) dự án FCPF thực hiện các hoạt động theo kế hoạch được phê duyệt tại quyết định số 07/QĐ-DAFCPF ngày 28-3-2014 của BQL dự án Trung ương với nguồn kinh phí thực hiện trên 884 triệu đồng.
 
Với nguồn kinh phí trên, trong năm dự án đã tiến hành các hoạt động hỗ trợ xây dựng chính sách, nâng cao năng lực kỹ thuật, quản lý và vận hành REDD+ ở cấp địa phương như: Tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kiến thức liên quan về biến đổi khí hậu và REDD+; triển khai đợt tham quan học tập về quá trình REDD+ cho các thành viên Ban Chỉ đạo tại tỉnh Kiên Giang (nơi có nhiều kinh nghiệm thực hiện các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng); tổ chức hội thảo tham vấn.
 
Bên cạnh đó, dự án cũng tiến hành công tác hỗ trợ nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực, tham vấn các bên liên quan, đáp ứng yêu cầu về các biện pháp bảo đảm an toàn, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thực hiện REDD+ trong khu vực. Đến hết tháng 11-2014, BQL tỉnh đã hoàn thành kế hoạch chuẩn bị thực hiện sáng kiến REDD+ năm 2014.
 
Trong năm 2015, tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của dự án gần 2,2 tỷ đồng. Đến nay, BQL dự án FCPF tỉnh đã triển khai thực hiện 2 lớp tập huấn, chuẩn bị các nội dung để mở 3 khóa tập huấn cho cán bộ và người dân có liên quan của 2 xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy) và tổ chức 4 cuộc tuyên truyền các nội dung chuẩn bị thực hiện REDD+ tại địa bàn dân cư. Xây dựng kế hoạch về nội dung chi tiết để tổ chức hội thảo.
 
Ngoài ra, dự án cũng lập kế hoạch để xây dựng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh. Để việc xây dựng Quỹ có hiệu quả và kịp tiến độ, thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện sáng kiến REDD+ tỉnh đề xuất rà soát, triển khai thực hiện các nguồn thu đối với các đối tượng: các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch trên địa bàn toàn tỉnh với mức thu 40 đồng/m3; thu dịch vụ môi trường rừng từ hoạt động du lịch lữ hành, kinh doanh lữ hành, kinh doanh lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Đề xuất Bộ Nông nghiệp-PTNT cho phép thí điểm thu từ các nguồn dịch vụ hấp thu và lưu giữ C theo quy định tại khoản 3 điều 4 của nghị định 99 đối với các nhà máy thải nhiều khí CO2 vào bầu khí quyển như nhà máy xi măng, sản xuất gạch ngói; các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp để sản xuất như bia, rượu, tấm lợp...
 
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Tuân đánh giá cao sự tích cực của BQL dự án, các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện dự án. Việc phối hợp giữa BQL dự án tỉnh với BQL dự án Trung ương được thực hiện chặt chẽ. Trong tuyên truyền nhận thức đã có nhiều chuyển biến về REDD+, đặc biệt là việc tăng cường năng lực, tham vấn các bên.
 
Trong năm 2015, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu BQL dự án tiếp tục các hoạt động của dự án, chú trọng công tác tuyên truyền; hoàn thành đề án Quỹ bảo vệ và phát triển rừng; đề xuất Bộ Nông nghiệp-PTNT xây dựng đường phát thải tham chiếu cacbon…
 
Lê Mai