.

Mùa săn nhộng ong

Thứ Hai, 07/08/2017, 10:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày hè, nhiều người dân huyện Minh Hóa lại vào rừng để săn nhộng ong bầu, ong vò vẽ, ong chành... Nghề săn nhộng ong tuy vất vả nhưng đã góp phần mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều thợ săn ong.

Một ngày đầu tháng 8, tôi cùng anh Đinh Minh Quang (thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa) vào vùng ngọn Cối để săn nhộng ong. Đây là khu vực ở thượng nguồn đập Ba Nương, thuộc thị trấn Quy Đạt và xã Quy Hóa, có địa hình rộng lớn và bằng phẳng. Anh Quang là người gắn bó với vùng ngọn Cối đã trên 30 năm vì cha anh là một trong những người tiên phong khai phá vùng đất này. Vùng ngọn Cối cũng được xem là nơi sinh sống, làm tổ của các loại ong, đặc biệt là ong bầu và ong chành.

Sau gần một giờ đồng hồ đi bộ, chúng tôi đến được vùng ngọn Cối và dừng chân nghỉ ngơi dưới một tán cây gỗ lớn. Uống vội ngụm nước chè, anh Quang nói: “Chú ngồi đây để anh ra đồng tìm ong!”. Theo anh Quang, để tìm ong phải ra khoảng đất rộng, xung quanh có nhiều cây hoa, ít bị cây cối che chắn để quan sát hướng ong bay. Sau khi kiếm được mồi, ong thường bay thẳng về tổ. Anh đã bắt con châu chấu nhỏ, lấy sợi dây chỉ buộc lại, đầu dây kia anh nối vào bông cỏ may rồi đem lại nơi ong thường đến ăn. Anh giải thích: “Làm như thế mới dễ tìm ong. Châu chấu là thức ăn ong non rất thích. Khi gặp loại này, ong mẹ liền mang về tổ cho con. Khi con châu chấu được gắn theo bông cỏ may sẽ làm cho ong bay chậm và mình dễ nhìn thấy hơn”.

Nhìn theo hướng ong bay, anh Quang đi về phía bìa rừng chừng 50m rồi dừng lại quan sát: “Chú nhìn phía trước kia, có rất nhiều con ong mẹ đang mang theo mồi lên xuống một lùm cây, trong đó chắc chắn có tổ ong bầu”. Đúng như lời anh, chúng tôi nhẹ nhàng lại gần lùm cây thì xuất hiện tổ ong hình gần giống quả bầu tròn, có sọc đen và nâu sẫm, cao cách mặt đất chừng 1,5m. Để lấy được tổ ong này, chúng tôi đi nhặt lá và cành cây khô bó lại thành cây đuốc. Đuốc được nối với cán dài chừng 2,5 mét rồi châm lửa đốt. Khi lửa cháy mạnh, anh đâm đuốc thẳng vào cửa tổ ong khiến đàn ong mẹ không thể bay ra ngoài mà tự chui vào đống lửa rồi chết. Lửa tàn, ong mẹ phía bên trong chết hết, chỉ còn vài con ở ngoài say khói bay quanh tổ, anh lấy rạ khều tổ ong ra. Tổ ong này có ba tầng, các tầng đều được bịt kín màu trắng ở giữa, còn xung quanh vẫn chưa được bịt hết.

Người dân đang săn nhộng ong.
Người dân đang đốt tổ ong lấy nhộng 

Cho tổ ong vừa đốt vào bao, anh Quang tiếp tục quay trở lại chỗ thả mồi để dò tiếp. Lần này, có gần chục con ong chành cũng đến ăn hoa và tìm thức ăn về cho con. Lần theo đàn ong này, chúng tôi đi ngược lên cánh rừng trước mắt chừng 500m. Ong chành thường làm tổ ở dưới đất, trên các sườn núi có nhiều cây to, đất tơi xốp. Đi một đoạn, anh lại chọn những chỗ thoáng, có khi trèo lên cây để theo dõi hướng ong bay. Khoảng 30 phút sau, anh đã phát hiện ra tổ ong chành nằm dưới tán cây to. Tiến lại gần, tôi nghe tiếng vù vù dưới lòng đất vang lên, phía trên có một cái hang mòn nhỏ chừng bằng cổ tay. Bên ngoài hang có bãi đất mới và có một bầy ong mẹ đậu giữa hang. Tuy nhiên, anh Quang không đánh ngay mà chờ đến tháng 9. Bởi vì thời điểm này, tổ ong chành chưa lớn nên lượng nhộng còn ít.

Đánh dấu xong vị trí tổ ong chành, chúng tôi đi thêm vài vùng nữa để săn ong bầu. Chỉ từ sớm đến khoảng 15 giờ chiều, anh đã tìm và đốt được 5 tổ ong bầu đủ kích cỡ. Mỗi tổ ong như thế, anh cũng thu được từ 0,5 đến 1kg nhộng. Với giá bán mỗi kg nhộng ong bầu mùa này khoảng 350 nghìn đồng, số tiền thu được gần một triệu đồng/ngày.

Trên đường về, anh Quang cho biết: “Trong ba loại ong lấy nhộng thì ong bầu là dễ săn nhất. Vì ong bầu khá hiền và không độc như ong chành hay ong vò vẽ”. Để đánh được tổ ong chành, thợ săn ong phải đi vào ban đêm. Bởi vì ong chành rất độc, tấn công người nhanh. Nếu bị đốt từ 3 con trở lên có thể phải nhập viện điều trị. Còn bị đốt nhiều thì thợ săn ong có thể mất mạng.

Nên săn ong chành thường phải đi ban đêm, khi ong vào tổ hết và không thấy người để tấn công. Công việc này phải có ít nhất hai người, mang theo cuốc, rạ, chất đốt tạo khói và 3 đến 5 cây đuốc. Khi tiến đến tổ ong, việc đầu tiên là xông khói và sau đó lấp miệng hang lại chừng 5 phút để ong say khói, không còn khả năng tấn công người. Trong lúc chờ đợi ong say khói, thợ săn ong dùng rạ phát dọn cây cỏ xung quanh, tìm hang thông lên từ tổ nếu có để bịt lại. Công đoạn tiếp theo là đốt đuốc để xua ong mẹ từ trong tổ chui ra. Lúc này, người cầm cuốc bới đất lần theo hướng tổ ong. Công việc này nếu thuận lợi thì mất từ 15 đến 30 phút, tùy theo theo chỗ đất mềm hay đất cứng, tổ ong to hay nhỏ, ở sâu hay ở cạn... Mỗi tổ ong chành thường có từ 2 đến 4 tầng. Có tầng ong có đường kính đạt từ 50 đến 70 cm. Tổ to có khoảng từ 3 đến 5 cân nhộng. Nhộng ong chành to gần bằng ngón tay út, ăn rất ngon nên có giá thành từ 400 đến 500 nghìn đồng/kg. Nếu trúng được tổ ong, thợ săn ong có thể bỏ túi tiền triệu.

Một tầng ong bầu sau khi bị đốt.
Một tầng ong bầu sau khi bị đốt.

Trong số các loại ong thì ong vò vẽ (tiếng địa phương gọi là ong trón) là loại khó săn nhất. Ong trón có hai loại là ong trón lông và ong trón vàng. Chúng thường làm tổ trên những ngọn cây cao trơ trọi, có tổ cách mặt đất từ 10 đến 15m, hình dạng giống tổ ong bầu nhưng to hơn. Ong trón cũng phải đánh vào ban đêm, bởi loại này cực độc, nhất là ong trón vàng. Loài ong này thường tấn công người theo đàn, mục tiêu tấn công của chúng có thể xa đến hàng trăm mét nên không ai dám săn ban ngày. Có nhiều trường hợp ong trón không bay để tấn công mà bò dọc đuốc hoặc thân cây về phía thợ săn để đốt. Mỗi tổ ong trón có khoảng 4 đến 5 tầng và đạt từ 1 đến 2 cân nhộng. Loại ong này cũng khai thác vào đầu tháng 9. Theo lời anh Quang, không phải thợ săn nào cũng có đủ can đảm để săn ong trón. Bởi, trên địa bàn huyện đã có nhiều người bị thương do ong đốt rồi rơi từ trên cây cao xuống, thậm chí đã có người mất mạng vì bị ong trón tấn công.

Chia tay anh Quang, tôi đến thăm ông Đinh Vũ Thường, ở thị trấn Quy Đạt, một cộng tác viên lâu năm của Báo Quảng Bình. Ông Thường cũng là một thợ săn ong “nghiệp dư”. Ông nói: “Không hiểu sao năm nay ong về vườn làm tổ nhiều lắm. Ngay trong vườn tôi đã có 2 tổ ong bầu và một tổ ong trón. Còn cả xóm tôi cũng có hơn chục đàn ong về làm tổ”. Một lát sau, ông mang từ vườn vào tổ ong bầu vừa đốt khá lớn, có 3 tầng tất cả. “Tổ ong này chắc lắm! Các tầng đều được trát kín nên toàn ong kén, còn ong non thì phải luộc và làm sạch mới nấu ăn được”, ông Thường chia sẻ.

Cách chế biến nhộng ong của người Minh Hoá khá đơn giản. Khi nước sôi cho ong vào nồi, khoảng 2 phút sau thì ong chín. Lúc này vắt mấy quả tắt (một loại cây họ chanh, có vị thơm rất đặc trưng thường dùng để chế biến món ong hoặc tằm) vào nồi ong và thêm gia vị, làn khói bay lên mang theo mùi nhộng ong hấp dẫn. Vị ong rất ngon, béo ngậy nên dù chỉ được một lần nếm thử món đặc sản này, bạn sẽ nhớ mãi!

Xuân Vương