.

Hạnh phúc... máu và hoa - Bài cuối: Trở về

Thứ Hai, 31/07/2017, 15:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Sông Thạch Hãn, tháng 2-1973, những người tù cộng sản trong đó có ông Trần Bá Huỳnh được “phía bên kia” tập trung trên bờ phía nam. Ở bờ bắc, băng cờ, khẩu hiệu của Mặt trận giải phóng bay rợp trời. “Tự do rồi. Sống rồi!”...

>> Bài 1: Đi qua địa ngục trần gian

CCB Trần Bá Huỳnh.
CCB Trần Bá Huỳnh.

Trước khi xuống thuyền máy qua sông, không ai bảo ai, tất cả đều cởi hết quần áo vứt lại bờ nam. Thuyền sang quá nửa sông, nước cạn, anh em mừng quá nhảy hết cả xuống chạy ào về phía địa điểm đón tiếp. Bộ đội đứng thành hai hàng chờ đón, cõng thương binh nặng, số thương binh nhẹ thì tự dìu nhau, khoác vai nhau lên bờ.

Vào đến địa điểm giao nhận, trước sự chứng kiến của phái đoàn quân sự 4 bên, những người tù trút tất cả căm hờn qua câu khẩu hiệu “Đá đảo Mỹ ngụy”. Làm thủ tục xong, mọi người được cấp phát quân trang mới, 1 bánh lương khô ăn đỡ đói. Từ cõi chết trở về, ai nấy đều rưng rưng, cảm giác như vừa sinh ra lần thứ hai.

Sau hai ngày lưu lại tại Quảng Trị để ổn định sức khỏe, những người tù vừa được trao trả lên ô tô hành quân ra Bắc an dưỡng. Xe đến phà Gianh, mọi người xuống nghỉ ngơi đợi phà.

Ông Trần Bá Huỳnh cảm xúc dâng trào, ngược lên chút nữa, phía đầu nguồn sông Gianh là Mai Hóa, quê hương ông, nơi đó ông có mẹ già, vợ hiền, con ngoan. Không biết bây giờ họ như thế nào khi bản thân ông bị địch bắt, bị tù đày đến 8 năm trời đằng đẵng.

Đang bâng khuâng nơi bến phà Gianh, ông Trần Bá Huỳnh bất ngờ gặp một người cùng thôn tên Nẻo cùng trang lứa với mình. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Nẻo bảo: “Mi còn sống nhăn răng đây mà tin báo bị mất tích, sau đó là giấy báo tử về. Địa phương tổ chức lễ truy điệu trang trọng lắm. Mẹ mi khóc ngất, chết lên chết xuống mấy lần, buồn quá rồi cũng qua đời. Máy bay địch bỏ bom trúng hầm trú ẩn có con gái mi. Vợ mi trắng tay, chồng mất, con chết nên đã đi bước nữa”. Nghe Nẻo kể, lòng ông Huỳnh như xát muối.

Xe tiếp tục lăn bánh... tạm biệt anh Nẻo, ông Huỳnh cùng đồng đội hành quân về đoàn an dưỡng 127 ở tỉnh Quảng Ninh thuộc Quân khu Tả Ngạn. Đồng chí, đồng đội biết chuyện gia đình ông Huỳnh ai cũng xót xa, cảm thông, chia sẻ cùng, giúp ông dần dần ổn định tư tưởng.

Thánh 5-1973, trên con đường đất đỏ dẫn vào thôn Đồng Thuận, xã Đức Hóa xuất hiện một người lính giải phóng trong bộ quân phục còn nguyên nếp. Đó chính là ông Trần Bá Huỳnh, người cựu tù đảo Phú Quốc, “liệt sỹ” đã báo tử, ông trở về quê hương trong sự ngỡ ngàng tột đỉnh của bà con lối xóm. Nghe tin ông Huỳnh còn sống, mọi người đến chia vui chật kín cả ngôi nhà nhỏ.

Thật ra, dịp gặp anh Nẻo nơi phà Gianh, anh bảo mẹ ông Huỳnh đã mất là không đúng. Mẹ ông vẫn còn sống, giấy báo tử con trai duy nhất của mẹ gửi về năm 1968, mẹ ông chết lên chết xuống mấy lần, sức khỏe giảm sút. Con gái ông Trần Bá Huỳnh là Trần Thị Xuân bị bom sát hại cũng trong năm 1968. Qua năm 1969, vợ ông, bà Nguyễn Thị Họa tái giá. Nhà chỉ còn lại mẹ già. “Trở về còn gặp mẹ, có mẹ, tôi có chỗ dựa một phần, giúp tôi thêm vững niềm tin. Còn người thì còn tất cả”- Ông Trần Bá Huỳnh chia sẻ.

Ba tháng về phép, lợp lại cho mẹ cái mái nhà, thăm hỏi họ hàng, bà con lối xóm. Hết phép, ông Trần Bá Huỳnh quay lại đơn vị, tham gia làm đường chiến lược tại khu vực biên giới Việt- Trung. Tháng 7-1975, ông Huỳnh phục viên trở về địa phương.

Cảnh trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn, Quảng Trị năm 1973. Ảnh: Tư liệu
Cảnh trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn, Quảng Trị năm 1973. Ảnh: Tư liệu

Bây giờ... cuộc sống của ông Trần Bá Huỳnh bình lặng giữa đời thường. Tuổi cao, sức yếu, vết thương chiến trường cộng với hậu quả của những đợt tra tấn vô cùng dã man, tàn báo trong nhà tù Mỹ ngụy làm ông yếu đi. Lúc trái gió trở trời, toàn thân đau đớn, nhức nhối bội phần. Sau này, tôi đi thêm một bước nữa, bà ấy tên Cao Thị Nghèng, người xã Châu Hóa bên kia sông Gianh. Chúng tôi có với nhau bốn người con, giờ đều đã trưởng thành”.

Trong ngôi nhà nhỏ ngày tôi đến thăm, chỉ có đôi vợ chồng già. Bà Nghèng kể: “Tôi về sống với ông ấy từ Tết năm 1974, cuộc sống muộn màng, vất vả, cực khổ vô cùng. Mặc dù ông có chế độ bệnh binh, trợ cấp tù đày, nhưng chẳng bù tiền thuốc thang mỗi lần bệnh tình tái phát. Các con bị di chứng từ bố nên cả bốn đứa sức khỏe đều yếu, con gái đầu Trần Thị Nga bị bệnh thần kinh”.

Ông Trần Bá Huỳnh khoe chuẩn bị trở lại Phú Quốc, thăm nhà tù- “địa ngục trần gian” nơi ông bị giam cầm 6 năm ròng, nếm trải đủ mọi cực hình tra tấn man rợ nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sỹ. “Được một lần trở lại để tưởng nhớ đồng đội mình ngã xuống dưới áp bức, đòn roi kẻ thù. Như vậy cũng đã thỏa ước mơ lúc cuối đời”.

“Trở về với quê hương, với người thân, sống cuộc đời đạm bạc. Cuộc sống dù khó khăn, đắp đổi qua ngày... nhưng tài sản tôi để lại cho các con chính là niềm tin. Từ trong ngục tù, từ cõi chết, tôi hồi sinh cũng nhờ tin vào Đảng, tin tưởng ngày thống nhất, Nam- Bắc về chung một nhà. Tôi viết những dòng chữ lưu lại quãng thời gian sống, chiến đấu của mình để từ đó giáo dục thế hệ con cháu sau này”.

Ngô Thanh Long