.

Xóm "ẩn dật" bên núi Chôông Cún

Thứ Hai, 26/06/2017, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ thôn Yên Định (Yên Hóa, Minh Hóa), chạy xe theo con đường bê tông lên đỉnh dốc Hói Chàn nhìn xuống chân núi Chôông Cún, trước mắt hiện ra là một xóm nhỏ trù phú được bao bọc bởi những ngọn núi cao, người dân địa phương quen gọi là xóm Cún “ẩn dật”. Trước đây, xóm “ẩn dật” này nghèo khó lắm, nhưng khoảng 10 năm trở lại, xóm đã có nhiều đổi thay bởi những cánh rừng trồng, trang trại tổng hợp…

Cách đây khoảng 10 năm, đường về xóm chỉ là một lối mòn xuyên qua những cánh rừng hoang vu, người dân còn phải leo qua dốc Hói Chàn rất  vất vả. Cả xóm lúc đó chỉ có khoảng 5 hộ dân đến sản xuất nhưng đời sống vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều hộ cơm không đủ ăn phải ăn sắn độn hoặc bồi để trừ bữa. Trẻ em đến tuổi đi học, gia đình phải gửi lên ở các nhà dân trong xã hoặc chịu cảnh thất học. Không điện, không đường, không trường, không trạm, xóm “ẩn dật” vô cùng lạc hậu.

Nhiều hộ dân xóm Cún năm nay được mùa lạc.
Nhiều hộ dân xóm Cún năm nay được mùa lạc.

Vậy mà sau 10 năm, xóm “ẩn dật” đã thay đổi đến ngỡ ngàng, đời sống của người dân ngày càng khởi sắc, nhiều hộ đã trở nên giàu có nhờ trồng rừng và phát triển trang trại. Ông Đinh Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Yên Hóa cho biết: “Hiện, xóm Cún có 7 hộ dân vào làm nhà định cư và trên 10 hộ làm nhà tạm để phát triển sản xuất. Tại đây, có khoảng 100 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha đất để trồng rừng.

Nguồn nước tự nhiên của Hói Cún chảy không bao giờ cạn, bảo đảm cho người dân sản xuất nông nghiệp và tưới tiêu quanh năm. Xã cũng đã vận động bà con đóng góp kinh phí kéo điện lưới từ làng về xóm, làm đường ống dẫn nước từ những khe suối trên cao về để sinh hoạt và sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã thành lập trang trại, gia trại cho thu nhập cao”.

Để xóm Cún trù phú như ngày hôm nay, năm 2010, từ nguồn vốn của Chương trình 30a của Chính phủ, UBND xã Yên Hóa đã đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng tuyến đường bê tông dài 3km, rộng 3m nối từ thôn Yên Định qua dốc Hói Chàn đến xóm Cún. Từ khi có đường, đời sống của bà con đã đổi thay, nhất là việc đi lại, phát triển kinh tế, thông thương.

Anh Đinh Xuân Thanh, một người dân ở xóm Cún tâm sự: “Do thôn Yên Định đất đai chật chội lại khô cằn, nên gia đình tôi quyết định về xóm Cún để phát triển sản xuất. Ngày đó, giao thông đi lại rất khó khăn nên chúng tôi định quay về. Nhưng từ khi có đường, tôi quyết định ở lại đây để phát triển kinh tế, đời sống gia đình ngày càng khấm khá”. Gia trại của anh Thanh có diện tích trên 5ha, trong đó, anh đầu tư trồng mướp đắng, dưa, cà, trồng rừng và đào ao thả cá. Nhờ có được nguồn nước tưới dồi dào nên cây trồng vật nuôi của anh phát triển tốt.

Hộ anh Đinh Minh Chức là một trong những gia đình đầu tiên sinh sống ở xóm Cún. Trước những năm 2005, gia đình anh vẫn thuộc diện hộ nghèo vì đường sá đi lại khó khăn, nhất là vấn đề tiêu thụ hàng hóa sản xuất ra. Từ khi có đường, anh đã mạnh dạn mở rộng diện tích, đầu tư phát triển chăn nuôi và trồng trọt.

Hiện, anh đang có gần 10 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, anh đầu tư trồng 2 vạn cây keo lai, 2 sào mặt nước ao nuôi cá, 2 sào lạc, 60 gốc tiêu, nuôi 10 con bò và 20 đàn ong lấy mật... Mô hình trang trại tổng hợp đã cho gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Anh Chức nói: “Nhờ định cư ở đất xóm Cún mà kinh tế gia đình tôi đã ổn định con cái được nuôi dạy đầy đủ”.

Tận dụng diện tích đất đai rộng lớn ở xóm Cún,10 năm trước, anh Đinh Xuân Báo đã quyết định về đây. 10 năm sau, đất đã không phụ công người, trang trại có diện tích 15 ha của anh đã mang lại thu nhập khá. Với sự cần cù chịu khó, anh đã trồng được 3.000 gốc tiêu và 10.000 cây keo lai. Ngoài ra, anh còn trồng 5 sào dưa hấu cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Riêng 1.500m2 diện tích mặt nước ao nuôi cá cũng đã cho anh thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm. Gia đình anh không những tự túc được lương thực, thực phẩm mà còn cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng nhờ bán gỗ rừng trồng và các mặt hàng nông sản.

Đường về xóm Cún.
Đường về xóm Cún.

Anh Báo phấn khởi kể: “Lúc mới về xóm Cún, gia đình tôi gặp muôn vàn khó khăn, phải gửi con cái đi học xa. Miếng ăn hàng ngày cũng phải chạy lo từng bữa. Nhưng nay, nhờ có đường, cây trồng vật nuôi trong trang trại phát triển tốt, nên cuộc sống mới khấm khá”.

Ngoài những hộ định cư thì những hộ vào vùng đất “ẩn dật” sản xuất cũng khá lên nhờ trồng rừng. Hiện, một số hộ có diện tích rừng trồng từ 5 đến 10 ha, như: hộ anh Đinh Quốc Việt có 7ha, Đinh Đấu 7ha, Đinh Xuân Hiệu 10ha... Những hộ dân này thu được hàng trăm triệu đồng nhờ bán gỗ rừng trồng. Anh Đinh Xuân Hiệu chia sẻ: “Từ khi xã đầu tư con đường về xóm Cún, tôi đã vào nhận 10 ha đất và trồng cây keo lai. Qua 7 năm chăm sóc, rừng keo của tôi đã lớn rất nhanh, năm vừa rồi, tôi đã bán được 200 triệu đồng và tiếp tục tái đầu tư vào lứa keo mới”.

Chủ tịch UBND xã Yên Hóa, Đinh Văn Nam cho biết thêm, xã đang có kế hoạch đầu tư thêm một số cơ sở hạ tầng ở xóm Cún, như: đường giao thông nội xóm, điện và điểm trường mầm non để dời dân về đó thành lập một thôn mới. Nếu điều đó thực hiện được thì làng “ẩn dật” này thực sự sẽ trở thành vùng đất hứa cho sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xuân Vương