.

Ba đóa hoa ngát hương nơi tuyến lửa - Bài 2: Mãi là hoa thơm trên cát trắng Quảng Bình

Thứ Ba, 13/06/2017, 08:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong phòng khách gia đình o Trương Thị Khuê ở Hà Nội treo trang trọng bức ảnh Bác Hồ tặng hoa phong lan cho ba nữ dân quân Quảng Bình, Vĩnh Linh anh hùng. Theo dòng ký ức của o Khuê, tôi trở về Quảng Bình đi tìm Nguyễn Thị Xuân, nữ dân quân năm nào vinh dự gặp Bác.

>> Bài 1: Đẹp như hoa phong lan

Nữ dân quân Nguyễn Thị Xuân lúc còn sống.
Nữ dân quân Nguyễn Thị Xuân lúc còn sống.

Quảng Bình tháng sáu, nắng rát mặt người. Biết thông tin về nữ dân quân Nguyễn Thị Xuân quê quán xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch (nay là phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn), tôi lật từng trang sử vàng của Quảng Phúc. Trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Quảng Phúc tập I (giai đoạn 1930-2000) dành những dòng trang trọng viết về o Xuân, nữ dân quân bên bờ sông Gianh bắn rơi máy bay Mỹ.

“Ngày 6-12-1967, nữ dân quân Nguyễn Thị Xuân một mình một súng đã bắn rơi một chiếc máy bay F4H Mỹ. Với chiến công này, tại cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12 và Ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1967, Hồ Chủ tịch tuyên dương: “Ở miền Bắc có những đơn vị dân quân giỏi như Thanh Hóa đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Có những trung đội dân quân toàn là các cháu nông thôn vẫn bắn rơi máy bay Mỹ.

Đặc biệt có cháu Nguyễn Thị Xuân, 19 tuổi, quê Quảng Bình, một mình dùng súng bộ binh với 20 viên đạn bắn rơi máy bay phản lực của Mỹ”. Sau đó, Nguyễn Thị Xuân vinh dự 5 lần gặp Bác Hồ, được Bác tặng hoa phong lan do chính tay Người chăm sóc và cùng ăn cơm với Bác (câu chuyện cảm động về ba nữ dân quân Quảng Bình, Vĩnh Linh được thể hiện rõ qua dòng hồi ức của o Trương Thị Khuê ở kỳ báo trước- PV).

Với mong muốn tìm gặp chính người con gái anh dũng, kiên cường năm xưa bắn rơi máy bay Mỹ, từng gặp gỡ Bác Hồ, tôi tìm đến UBND phường Quảng Phúc. Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Tiến Thành kể cho tôi nghe về quá khứ hào hùng của mảnh đất ven bờ sông Gianh, về những con người kiên trung bám làng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trong đó có chiến công của nữ tiểu đội phó dân quân Nguyễn Thị Xuân.

Câu chuyện Bí thư Thành kết thúc bằng lời thông báo nhè nhẹ: “Rất tiếc o Xuân đã mất rồi! Sau lần đi thăm Liên Xô, về Hà Nội gặp Bác Hồ, o Xuân lấy chồng, vào quê chồng sinh sống tại xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch”.

Ngôi nhà nằm cạnh quốc lộ 1A, ông Dương Đình Hạnh, sinh năm 1936, chồng o Nguyễn Thị Xuân tiếp tôi bằng lời đầu chuyện thật buồn: “Bà ấy bỏ cha con, gia đình vào năm 2005, chừ cũng qua 12 lần giỗ rồi; bị căn bệnh ung thư thực quản”. Nhớ đến mối tình đẹp của mình, ông Hạnh vuốt mái đầu phơ phơ bạc, kể: “Năm 1965, dân quân các xã thuộc hai huyện Bố Trạch, Quảng Trạch tham gia xây dựng đập thủy lợi Đồng Trạch, chúng tôi gặp nhau, yêu nhau, báo cáo tổ chức nên duyên vợ chồng. Cưới nhau xong, bà ấy ở hậu phương chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tôi tham gia thanh niên xung phong.

Sau chiến công bắn cháy máy bay F4H của giặc Mỹ, bà ấy được Đảng, Nhà nước cho đi thăm rất nhiều nước xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc, Cu Ba, Ba Lan, Tiệp Khắc, thời gian lâu nhất là thăm Liên Xô... Ở Liên Xô về, ba nữ dân quân Quảng Bình, Vĩnh Linh gặp Bác Hồ, được Bác tặng hoa phong lan. Hồi còn sống, o Khuê, o Bưởi mỗi dịp vào Nam, ra Bắc đều ghé thăm Xuân. Bà ấy mất, o Khuê, o Bưởi cũng về thắp hương”.

Các loại huân chương, huy chương Đảng, Nhà nước tặng cho o Xuân được người thân trân trọng gìn giữ.
Các loại huân chương, huy chương Đảng, Nhà nước tặng cho o Xuân được người thân trân trọng gìn giữ.

Mười hai năm, người phụ nữ kiên trung năm nào một mình một súng bắn rơi “thần sấm, con ma” Mỹ rời xa người thân. Ông Hạnh; 6 người con gồm 5 trai 1 gái; 12 người cháu nội, ngoại; 6 chắt nội vẫn dành riêng trong ngôi nhà một nơi trang trọng lưu lại những kỷ vật; bằng khen, giấy khen; huân chương, huy chương Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành tặng cho o Nguyễn Thị Xuân.

“Khi gặp Bác Hồ, theo lời o Trương Thị Khuê, cả ba nữ dân quân đều hát cho Bác và mọi người nghe. Sau này về o Xuân có kể đã hát bài hát gì tặng Bác hay không?” - Tôi hỏi ông Hạnh. “Có... có, bài hát ni đến chừ tôi vẫn nhớ. Bà ấy thì hát say sưa. Ca khúc “Đẹp sao năm gái quê ta” của nhạc sỹ Quách Mộng Lân”.

Ông Dương Đình Hạnh vỗ nhẹ hai bàn tay vào cạnh bàn nước bắt nhịp, ông hát, dường như tâm thức thay lời người vợ quá cố. Trong sâu thẳm... tôi mường tượng trước mắt mình phút giây người con gái đất lửa Quảng Bình mới tròn 19 tuổi say sưa hát trước sự cổ vũ của Người cha già dân tộc Hồ Chí Minh.

Để cho đến bây giờ Nguyễn Thị Xuân hay 5 nữ anh hùng trong ca khúc “Đẹp sao năm gái quê ta” mãi mãi là những đóa hoa trắng trinh nguyên, ngát hương trên vùng cát trắng Quảng Bình.

“Đẹp sao năm đóa hoa tươi... ơi người bạn gái quê ta/ Đẹp sao năm nữ anh hùng trên mảnh đất Quảng Bình/ Ơi Người soi sáng tấm gương trung hậu, đảm đang/ Nhật Lệ sông sâu in bóng mái chèo mẹ Suốt/ Băng qua đạn bom đem tuổi già từng đánh Mỹ giữ làng quê/ Trên dòng sông Lũy tấm gương chị Lý kiên cường/Mười chín tuổi đời mặc bom rơi, lấy thân mình che súng/ Nhẹ lướt con đò truyền lệnh sang sông/ Trên khắp nẻo đường quê hương sáng soi tấm gương chị Huế/ Ôi đẹp làm sao những chuyến xe về/ Chị Khíu năm con tung lưới dắt thuyền vượt sóng/ Gian nguy nề chi bám biển ngày ngày cô gái Bảo Ninh/Chắc tay súng tì vai trong trận đánh oai hùng/ Sông núi còn ghi Trương Thị Diễn nữ anh hùng y tế/ Đã lớn lên rồi cùng dòng sông Gianh/ Năm đóa hoa tươi dâng cao cờ Bà Triệu, Bà Trưng...”

Ngô Thanh Long