.

"Lực sỹ" trên... ruộng lầy

Chủ Nhật, 18/06/2017, 09:26 [GMT+7]

(QBĐT) - “Người ta nghĩ ra những chiếc máy “cao siêu” như máy bay, tàu ngầm…còn tôi chỉ nghĩ đến đồng ruộng với bao vất vả của chính tôi ngày trước và bà con nông dân bây giờ, để rồi nỗ lực tạo ra sản phẩm trực tiếp đỡ đần người lao động…”. Anh Lê Văn Đàn ở thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy đã trải lòng khi nói về chiếc máy tời lúa đang rất thịnh hành trên đồng đất lầy thụt huyện Lệ Thủy.

Một buổi sáng, tình cờ đi qua cánh đồng HTX Đại Phong, xã Phong Thủy (Lệ Thủy), chúng tôi đã nhìn thấy chiếc máy khá lạ mắt. Thoáng qua, nó có hình dạng của xe máy, nhưng nhiệm vụ của nó không phải chạy, mà... kéo.

Anh Lê Văn Đàn bên chiếc máy tời lúa vừa hoàn thành.
Anh Lê Văn Đàn bên chiếc máy tời lúa vừa hoàn thành.

Thấy chúng tôi tò mò nhìn chiếc máy, anh Nguyễn Văn Quý đang gặt lúa ở đây nói: “Chúng tôi sẽ “biểu diễn” cho các ông anh xem”. Liền đó, với một cú đề, tiếng máy  nổ phành phạch, cái tời ở đằng sau bắt đầu chuyển động khi máy vào số, phía dưới ruộng ở ngoài xa tít, một chiếc “thuyền”, chở đầy lúa vừa gặt, lướt bùn đất chạy thẳng lên bờ.

Vào đến bờ người tung, kẻ hứng, phút chốc lúa vừa gặt được chất thành đống ngay ngắn trên mặt đường để chuẩn bị cho công đoạn cuối, tuốt lúa... Trong chiếc “thuyền” chở lúa, nhìn kỹ thì đó là một tấm bạt bằng ni long không thấm nước được buộc chặt hai đầu tạo thành dạng một chiếc thuyền. Trong “thuyền”, khi đã bốc hết lúa, thóc rụng còn lại cũng được hốt đưa lên bờ. Anh Quý chỉ vào mớ thóc trong lòng “thuyền” nói: “Trước đây, khi phải gánh lúa vào bờ, số thóc này làm mồi cho cá”.

Đến một địa phương khác là thôn Thượng Phong cũng ở xã Phong Thủy, ông Võ Văn Khinh, Chủ nhiệm HTX DVNN Thượng Phong cho biết, ở đây có đến 5 máy tời lúa. Ngoài công dụng đỡ gánh nặng cho người lao động nó giảm đáng kể rơi vãi khi thu hoạch, một vấn đề mà bấy lâu nay chưa có biện pháp khắc phục, ông Khinh chia sẻ.

Ông Khinh cũng cho biết thêm, trước đây, để gặt lúa ở những vùng ruộng thấp trũng, lầy thụt, người ta đã có sáng kiến dùng một tấm bạt lớn để chất lúa lênrồi dùng sức người kéo tấm bạt chất đầy lúa vào bờ. Công việc này nặng nhọc và chậm.

Còn trước đó nữa là lúa gặt xong được bó thành từng bó trên những cái “cộ” (dụng cụ có hình dạng như cái chõng tre, 4 chân được đính lên hai thanh dọc trượt được trên mặt đất, dùng để bỏ lúa vừa gặt xong lên đó), người khỏe mạnh dùng đòn xóc gánh vào bờ mà người ta thường gọi là “vọt lúa”. Bây giờ, máy tời lúa đã làm thay công việc nặng nhọc đó...

Đem chuyện vừa chứng kiến trao đổi với ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lệ Thủy, ông Vương chia sẻ, máy tời lúa là sản phẩm của anh Lê Văn  Đàn ở thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà bề thế “mặt tiền” đường bê tông liên xã, anh Lê Văn Đàn mở đầu câu chuyện: “Người ta nghĩ ra những chiếc máy “cao siêu” như máy bay, tàu ngầm còn tôi chỉ nghĩ đến đồng ruộng với bao vất vả của chính tôi ngày trước và bà con nông dân hiện nay để rồi nỗ lực tạo ra sản phẩm trực tiếp đỡ đần người lao động.” Sau khi “lý giải” cho sản phẩm độc đáo của mình, anh Đàn dẫn chúng tôi đến bên chiếc máy tời vừa hoàn chỉnh chuẩn bị xuất xưởng.

Anh nói: “Cũng may các anh đến sớm, chiều nay đã có người đến nhận nó mang đi rồi”. Đây là chiếc thứ bao nhiêu? Chúng tôi hỏi, anh nói, không nhớ chính xác nhưng cũng xấp xỉ 100 chiếc. Chị vợ nói với theo hơn 100 chiếc rồi. Anh Đàn cười: “Bà ấy làm “thu ngân” nên nắm chính xác hơn tôi ”.

Rồi anh Đàn chia sẻ thêm: “Như tôi đã nói rồi đó, chính công việc nặng nhọc trên đồng ruộng đã thôi thúc tôi nghĩ ra nó. Nhưng, trước hết, cũng do hiện nay có nhiều xe máy bị loại bỏ trong khi máy móc vẫn còn dùng được, mà vứt đi thì lãng phí. Nhưng để có được chiếc máy tời được người dùng chấp nhận cũng không dễ. Cái khó nhất là vượt qua tâm lý... không thành công”.

Rồi anh Đàn nói: “Nhiều người, đã tỏ ra e ngại về mức độ thành công của tôi. Nhưng tính tôi đã quyết cái gì, đam mê cái gì là làm cho bằng được”.

Công việc gặt lúa nặng nhọc trên ruộng lầy bây giờ đã có “lực sỹ” trợ giúp.
Công việc gặt lúa nặng nhọc trên ruộng lầy bây giờ đã có “lực sỹ” trợ giúp.

Cái khó nhất trong việc “cải tạo” chiếc máy từ chạy đến... kéo là gì? Chúng tôi hỏi, anh Đàn nói, là bộ trục tự động cuốn tời. Nếu trục này làm không đúng quy cách thì khi tời sẽ có độ lệch lạc. Để xử lý điều này cốt lõi là thay bộ bi cố định bằng bộ bi rơi tự động. Ngoài ra, máy sẽ được tháo ra trung tu lại, trong đó, chú trọng bộ côn với lá côn thật chuẩn để tời tốt... Thời gian bao nhiêu cho một chiếc máy tời hoàn chỉnh và giá cả như thế nào?

Anh Đàn cho biết, mất khoảng ba chục công để hoàn chỉnh một chiếc máy tời và giá bán là 4 triệu đồng mỗi chiếc. Còn chiếc máy đầu tiên “xuất xưởng” vào năm 2012 và người mua nó ở thôn An Lạc, xã Lộc Thủy. Anh Đàn nhớ như in “đứa con đầu lòng” của mình. Được biết máy tời lúa do anh Đàn chế tác có hai loại, loại đạp nổ và loại đề nổ, loại đề nổ có giá cao hơn vài trăm nghìn đồng.

Theo “nhà sáng chế”, máy tời có khả năng tời trên dưới một tấn lúa trên ruộng có nước, bùn, còn với ruộng khô là 5 tạ. Độ dài của tời là 250m cho phép tời lúa trên những đám ruộng khá lớn. Ngoài việc tời lúa trong mùa gặt, máy tời này còn được sử dụng trong việc san đất ruộng, chuyên chở đất và một số vật liệu khác trên mặt ruộng nước. Sức máy có thể làm bằng 5-7 lao động khỏe mạnh.

Điều đáng nói nữa với cựu chiến binh Lê Văn Đàn, là anh không giấu nghề, thời gian qua, anh đã chia sẻ kinh nghiệm “sáng chế” này với các bạn thợ khác để cùng có nhiều sản phẩm ra thị trường phục vụ bà con nông dân.

Một chiếc máy tời lúa khi đã thông dụng thì vấn đề “sáng chế” trở nên rất đơn giản. Nhưng từ một cái xe máy cũ bị vứt bỏ đến chiếc máy tời lúa được nông dân chấp nhận thì quả là một bước đột phá trong cách nghĩ, cách làm mà không phải ai cũng nghĩ tới, ai cũng làm được. Cảm ơn anh Đàn, “nhà sáng chế” đã tạo ra những “lực sĩ” trên đồng chiêm trũng Lệ Thủy!

Văn Hoàng-Nguyễn Tâm