.

Cồn Cỏ, đảo nhỏ kiên trung - Kỳ 1: Cồn Cỏ máu và hoa

Thứ Tư, 17/06/2015, 07:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Tám giờ kém hai mươi phút sáng, cảng Cửa Việt chang chang nắng, chiếc tàu tuần tiễu của Bộ đội Biên phòng Quảng Trị tách khỏi cầu cảng, trực chỉ hướng đông. Những ngày cuối tháng năm... thời tiết khá đẹp, biển chỉ dậy sóng độ cấp bốn. Đại úy Nguyễn Hữu Diễn, cán bộ biên phòng trên tàu đưa tay chỉ ra biển lớn bảo: “Trời quang ri, chút nữa các anh chị sẽ thấy đảo Cồn Cỏ ẩn hiện trên đầu chân sóng, khoảng cách từ 14 đến 15 hải lý”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tuân và Bí thư, Chủ tịch huyện đảo Lê Quang Lanh cùng đoàn công tác thăm kè chắn sóng trên đảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tuân và Bí thư, Chủ tịch huyện đảo Lê Quang Lanh cùng đoàn công tác thăm kè chắn sóng trên đảo.

Đảo Cồn Cỏ có diện tích tự nhiên khoảng 4km2, độ cao trung bình từ 7 đến 10 mét so với mực nước biển, cách đất liền chừng 17 hải lý. Một thời chưa xa, đảo nhỏ trở thành “pháo đài bất khả xâm phạm”, hiên ngang giữa muôn trùng sóng gió, kiên gan đối mặt với kẻ thù mạnh gấp trăm lần, được Bác Hồ làm thơ ngợi khen “Cồn Cỏ nở đầy Hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ”.

Đại úy Diễn kể về Cồn Cỏ với tôi một cách rất say sưa, anh nói con tàu mà mọi người đang đi đây vinh dự chở hàng trăm đoàn khách từ trung ương đến địa phương vượt sóng ra với Cồn Cỏ. Hôm nay anh và đồng đội rất vui được đưa đón đoàn công tác của tỉnh Quảng Bình do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuân dẫn đầu vì Quảng  Bình, Quảng Trị vốn người một nhà mà! Gắn bó keo sơn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến tận bây giờ.

Trong câu chuyện của những người lính biên phòng Quảng Trị-lực lượng “cận thân” với huyện đảo Cồn Cỏ tôi mới hay đảo nhỏ còn thêm nhiều cái tên khác: Hòn Mệ, Hòn Cỏ, đảo Con Hổ hay Thảo Phù...

Chuyện kể rằng vào thuở xa xưa có một người rất khỏe tên Thồ Lồ, công việc hàng ngày của ông là đào đất đắp núi. Một lần ông Thồ Lồ gánh hai sọt đất quá nặng, không may đòn gánh bị gãy. Hai sọt đất văng ra hai phía. Sọt văng về phía núi thành ra động Lòi Reng (quả núi lớn hiện tại thuộc xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh). Sọt văng ra biển hóa thành đảo Cồn Cỏ...

Truyền thuyết là vậy... như một niềm tin vĩnh cửu của cha ông thời mở cõi, khai hoang, lập làng. Nhưng thế kỷ 20, ghi đậm dấu ấn về đảo Cồn Cỏ anh hùng đầy máu và hoa như lời Bác Hồ khen: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi cán bộ, chiến sỹ đảo Cồn Cỏ chiến đấu dũng cảm, mưu trí... Cồn Cỏ xứng đáng là đảo nhỏ anh hùng. Bác nhắc các chú: phải tăng cường đoàn kết, luôn luôn nâng cao cảnh giác, không ngừng tập luyện, sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của địch, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa. Tái bút: Bác tặng các chú hai câu thơ “Cồn Cỏ nở đầy Hoa thắng trận/Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ”.

Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, cùng với Vĩnh Linh, Quảng Bình vùng đất địa đầu, Cồn Cỏ đi vào lịch sử với vai trò là đảo tiền tiêu ở miền Bắc giữa biển khơi. Cồn Cỏ-đảo tiền tiêu vì khi đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền tại vĩ tuyến 17 thì đảo nằm ở vị trí liền kề với đường giới tuyến kéo dài từ Cửa Tùng ra thêm 15 hải lý. Chiếm được Cồn Cỏ, lấy đó làm bàn đạp để phong tỏa Vịnh Bắc Bộ chính là âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ. Thêm nữa, đảo nhỏ lại nằm trên đường máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, bom đạn trút xuống với ý đồ hủy diệt đảo.

Trong 1.440 ngày đêm từ năm 1964 đến năm 1968, máy bay Mỹ ném xuống Cồn Cỏ trên 1,3 vạn quả bom các loại, hàng vạn quả rốc- két; 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4 nghìn quả đạn pháo lên đảo. Bình quân mỗi cán bộ, chiến sỹ giữ đảo hứng chịu đến 39,3 tấn bom đạn; mỗi ha đất trên đảo chịu 22,6 tấn bom đạn.

Lạ kỳ thay, trơ vơ giữa muôn trùng khơi, đạn bom ngút trời mà Cồn Cỏ vẫn trường tồn, trơ gan cùng quân thù. Không những giữ vững trận địa, bộ đội trên đảo còn đập tan âm mưu chiếm đảo của kẻ thù. Hơn 1.440 ngày đêm, quân ta chiến đấu 841 trận giữ đảo, bắn rơi 48 máy bay Mỹ các loại; bắn cháy và chìm 17 tàu chiến. Cồn Cỏ vinh dự  2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị anh hùng; tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập, 2 Huân chương Quân công, 4 Huân chương chiến công...

Đang cùng nhau nhớ về Cồn Cỏ một thời khói lửa, bất chợt Đại úy Diễn đưa tay chỉ xuyên qua mặt biển đầy gợn sóng: “Kia kìa... hình hài của đảo!”. Nhìn theo hướng tay anh, quả thật Cồn Cỏ đã lộ rõ, như một nàng thiếu nữ nằm ngửa, đầu gối phía Trường Sơn, chân đạp thẳng đằng đông... Khi con tàu tựa vào cầu cảng đảo Cồn Cỏ, đồng hồ chỉ đúng 11 giờ.

Cồn Cỏ hôm nay khác xa so với những gì chúng tôi tưởng tượng. Những trục đường cán nhựa phẳng lỳ ẩn khuất dưới màu xanh của rừng. Những ngôi nhà cao tầng khang trang tươi màu ngói mới. Khu trung tâm hành chính huyện đảo Cồn Cỏ nằm giữa các doanh trại quân đội được quy hoạch chặt chẽ và khoa học. Thoáng nghe giữa đất trời Cồn Cỏ lưng lửng trưa tiếng trẻ ê a học bài. Bí thư, Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ Lê Quang Lanh khoe rằng, trong 10 năm xây dựng huyện đảo, đã có những cư dân mới ra đời ngay trên chân sóng, dưới tán che của những cây bàng vuông. Tiếng trẻ từ lớp học mầm non Phong Ba đó!

Một góc đảo Cồn Cỏ.
Một góc đảo Cồn Cỏ.

Tháng 10-2004, Cồn Cỏ chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Quảng Trị theo Nghị định số 174/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Để lại quá khứ chiến tranh khốc liệt sau lưng, Cồn Cỏ phát triển lên một tầm cao mới, vị thế mới. Trên 1.000 tỷ đồng tiếp sức cho quân và dân trên đảo.

Năm 2015, Cồn Cỏ tiếp tục xây dựng các hạng mục: xây dựng cột cờ; làm tuyến đường vòng quanh đảo; mở rộng âu thuyền tránh bão, cầu cảng phục vụ tàu trọng tải lớn; nâng cấp kè chống xói lở; đóng tàu du lịch ra đảo... “Những công việc này vừa cấp thiết nhưng lại có tính chất lâu dài, bền vững”- ông Lê Quang Lanh nhấn mạnh- “Và cần thêm khoảng 2.000 tỷ đồng”

Hai khó khăn lớn nhất mà quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ gặp phải là vấn đề điện và nước ngọt. Một năm, UBND tỉnh Quảng Trị bù lỗ tiền điện cho huyện đảo Cồn Cỏ trên 2 tỷ đồng. Hệ thống điện chạy bằng diezen thỉnh thoảng trở chứng. Đảo cũng đã được cung cấp máy lọc nước biển thành nước ngọt, nhưng công suất lớn quá, điện không thể cung cấp đủ. Trong cái khó ló cái khôn, thôi cùng động viên nhau vượt qua, mỗi ngày “thắt lưng buộc bụng” dùng điện 18 tiếng đồng hồ. Thiếu nước ngọt, ta làm hệ thống gom nước mưa, hệ thống gom nước mưa với dung tích bể chứa lên đến 6.000m3, vào mùa khô hạn, quân dân cùng chia nhau dùng.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tuân sát cánh cùng Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Lê Quang Lanh đi một vòng quanh đảo, dâng hương trước đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đảo Cồn Cỏ; thăm lực lượng bộ đội, công an, biên phòng; thăm kè chắn sóng vừa mới hoàn thành... Họ mới gặp nhau lần đầu, nhưng cảm giác rất tâm đầu ý hợp.

Ông Lanh bảo: “Đảo Cồn Cỏ vốn đầy ân tình, duyên nợ với Quảng Bình. Còn nhớ năm 2008, chúng tôi giúp đỡ 180 ngư dân Quảng Bình vào trú bão an toàn, chu cấp đủ lương thực, nước ngọt trong vòng một tuần. Mới đây thôi, dịp cuối tháng 2, quân dân trên đảo lại cùng nhau cứu hộ, cứu nạn 3 ngư dân ở xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy bị lật thuyền ngoài khơi thuộc vùng biển do đảo quản lý”.

Và trong câu chuyện tưởng như không bao giờ cạn về đảo Cồn Cỏ một thời máu và hoa, tên người anh hùng người Quảng Bình Thái Văn A lại vang vọng về.

Ngô Thanh Long

Kỳ 2: Dấu ấn Anh hùng Thái Văn A