.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Đôn đốc giải quyết đơn thư để tạo niềm tin cho cử tri

Thứ Tư, 24/09/2014, 08:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Tiếp công dân và đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KN,TC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Bình. Đây còn là biện pháp thiết thực nhằm tăng cường mối liên hệ, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cho biết: Công tác tiếp công dân là nhiệm vụ quan trọng của đại biểu dân cử. Bởi, chỉ có thông qua tiếp công dân trực tiếp, các đại biểu mới có điều kiện nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và thông tin đầy đủ hơn nội dung đơn thư của công dân...

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã duy trì thường xuyên việc tiếp công dân hàng ngày tại trụ sở và cử ĐBQH tham gia tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh vào ngày 15 hàng tháng.

Trong quá trình tiếp công dân, ĐBQH không chỉ lắng nghe công dân trình bày ý kiến, khiếu nại của mình mà đã dành thời gian để tuyên truyền giải thích cho công dân hiểu thêm về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, trong các buổi tiếp công dân, đoàn ĐBQH đã mời đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh cùng tham gia, để khi dân phản ánh liên quan đến lĩnh vực nào thì mời đại diện của ngành đó tham mưu giúp ĐBQH giải thích, hướng dẫn cho công dân rõ hơn.

Theo báo cáo, đến tháng 8-2014, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện 76 lượt tiếp công dân; tiếp nhận 199 đơn thư KN,TC (trong đó có 52 đơn khiếu nại, 53 đơn tố cáo, 83 đơn kiến nghị, 11 đơn phản ánh). Nội dung các đơn thư KN, TC chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: tranh chấp đất đai, tài sản trên đất, chế độ chính sách, chính quyền địa phương giải quyết một số vụ việc bất cập...

Thực tế cho thấy, so với một số cơ quan chức năng khác, số lượng đơn thư gửi đến Đoàn ĐBQH không nhiều, song khi đã có đơn, cán bộ chuyên môn của văn phòng đều giúp lãnh đạo đoàn nghiên cứu, phân loại và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết  KN,TC của các cơ quan chức năng.

Trong trường hợp cần thiết, Đoàn ĐBQH đã mời các cơ quan chuyên môn đến báo cáo quá trình giải quyết và cùng trao đổi tìm hướng giải quyết khi có vướng mắc. Ví dụ, thời gian qua, có nhiều đơn thư khiếu nại liên quan đến công tác điều tra, tố tụng và xét xử trên địa bàn tỉnh. Đoàn ĐBQH đã mời đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Pháp chế của HĐND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh... cùng họp, trao đổi để tìm ra nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị các ngành chức năng tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Điển hình như vụ việc của ông Trần Ngọc Thuỳnh, thôn Long Trung, xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn không đồng tình với quyết định của bản án phúc thẩm “về việc tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu” giữa vợ chồng ông và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; vụ việc của bà Đinh Thị Hằng, phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn không đồng tình với bản án phúc thẩm xét xử ly hôn giữa bà và chồng là ông Trần Ngọc Chiến của Tòa án nhân dân tỉnh.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả giải quyết đơn thư KN,TC, Đoàn ĐBQH tỉnh còn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề như: giám sát về tình hình thực hiện Nghị quyết 494/NQ-UBTVQH13 và bước đầu thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; giám sát tình hình giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đối tượng người có công. Thông qua các cuộc giám sát, các cơ quan chuyên môn đã có sự chỉ đạo tích cực đối với các vụ việc KN,TC, nên số đơn thư được giải quyết đạt tỷ lệ cao.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cho biết thêm: Nhờ thực hiện tốt công tác tiếp công dân và đôn đốc giải quyết đơn thư nên trong thời gian qua đã hạn chế tình trạng đơn thư KN,TC gửi vượt cấp, khiếu kiện đông người.

Tuy nhiên, hiện nay, khi công dân đến tiếp xúc với ĐBQH để trình bày tâm tư, KN,TC hoặc gửi đơn thư KN,TC lại có không ít trường hợp chưa hiểu hết vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH, cho rằng ĐBQH khi nhận đơn rồi thì phải có trách nhiệm trực tiếp giải quyết và trả lời cho người đến KN,TC hoặc ĐBQH phải chỉ đạo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Vì thế, có công dân đến KN,TC không đạt được như ý muốn chủ quan của mình thì biểu thị những hành vi, thái độ không đúng mực. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH là nhận đơn và nghiên cứu rồi kịp thời chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, đồng thời theo dõi, giám sát, đôn đốc cơ quan chức năng giải quyết và trả lời công dân...

Ngọc Hải