.

Xuất khẩu thủy sản và câu chuyện về chống khai thác bất hợp pháp

Thứ Năm, 26/10/2017, 08:54 [GMT+7]

Trong nửa tháng qua, ngành xuất khẩu hải sản Việt Nam đang gặp vướng mắc từ quy định chống khai thác bất hợp pháp từ cộng đồng châu Âu và sắp tới là thị trường Mỹ áp dụng quy định này.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Hậu Giang. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Chế biến tôm xuất khẩu tại Hậu Giang. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Tuy nhiên, để toàn ngành xuất khẩu và chế biến thủy sản không bị ảnh hưởng bởi một trong những quy định mang tính rào cản và không bỏ lỡ những thị trường khó tính này, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà chức năng đang chung tay chống khai thác bất hợp pháp.

Doanh nghiệp gấp rút chuẩn bị

Khi quy định về các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU) của EU được đưa ra và kiểm soát chặt chẽ đã làm cho các doanh nghiệp lúng túng trong khâu chuẩn bị nguyên liệu.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng, nguồn nguyên liệu hải sản phục vụ chế biến có thể đã được chuẩn bị trước đó, nhưng không chứng minh được nguồn gốc.

Tương tự vậy có doanh nghiệp phải giao hàng liền trong tháng 10 và tháng 11 nhưng không được thị trường tiêu thụ chấp nhận như vậy sẽ gây thất thoát lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Bởi vì, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến chế biến phải mất thời gian từ 1 đến 2 tháng.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ, đại diện Công ty ​Trách nhiệm hữu hạn Highland Dragon (Bình Dương), Highland Dragon chuyên sản xuất cá ngừ đóng hộp, xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Do đó, nguồn nguyên liệu phải chuẩn bị trong khoảng thời gian 3 tháng. Khi quy định chống khai thác bất hợp pháp của Mỹ bắt đầu có hiệu lực đồng nghĩa doanh nghiệp phải hủy toàn bộ lô hàng sử dụng nguồn nguyên liệu thu mua vào cuối năm 2017.

Bởi trong số nguyên liệu sử dụng có một phần không chứng minh được xuất xứ, do thu mua từ các tàu đánh bắt nhỏ, không có giấy phép. Thay vào đó, chính doanh nghiệp phải gấp rút thu mua nguồn nguyên liệu mới, có chứng minh xuất xứ để chuẩn bị cho chế biến, giao hàng.

Với thị trường châu Âu, áp dụng quy định này ngay thì như “sự đã rồi,” buộc các doanh nghiệp xuất khẩu vào châu Âu phải chịu thất thoát lớn. Nhưng cũng chính vì vậy mà không thể bỏ lỡ thị trường Mỹ trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trưởng ban điều hành chống khai thác bất hợp pháp nhấn mạnh, chỉ trong 2 tháng để thực hiện toàn bộ quy trình phòng chống khai thác bất hợp pháp quả là rất khó cho doanh nghiệp.

Bởi vì hiện nay có rất nhiều tàu nhỏ khai thác, đánh bắt nguồn nguyên liệu phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, không có số hiệu tàu và không có giấy phép đánh bắt, khai thác, rất khó khi truy xuất chứng từ cho nguyên liệu.

Mặc dù vậy, vẫn còn cách giải quyết nhanh nhất là tuyên truyền để cộng đồng tàu đánh bắt, khai thác nhỏ tham gia vào một hợp tác xã khai thác để có thể dễ dàng thu mua nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc.

Đồng hành thực hiện

Kể từ tháng ​Năm vừa qua, Đoàn công tác của Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản (DG-MARE) thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đã đến Việt Nam đánh giá việc đáp ứng các quy định của châu Âu về khai thác bất hợp pháp.

Gần đây nhất, ngày 23-10 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã giơ "thẻ vàng" đối với hải sản Việt Nam. Và nếu không chấp hành đúng quy định này, ngành hải sản Việt sẽ có nguy cơ đánh mất thêm nhiều thị trường tiềm năng khác.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc chia sẻ, dù biết là sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc quản lý nguồn nguyên liệu từ khai thác, đánh bắt, nhưng cộng đồng doanh nghiệp không thể vì một nguồn nguyên liệu nhỏ không chứng minh được nguồn gốc mà bỏ lỡ các thị trường lớn như châu Âu và sắp tới là thị trường Mỹ.

Chế biến cá basa xuất khẩu tại Công ty thủy sản Bình An, Cần Thơ. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Chế biến cá basa xuất khẩu tại Công ty thủy sản Bình An, Cần Thơ. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Theo công bố của Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản vào Mỹ (SIMP), bắt đầu từ ngày 1-1-2018, Mỹ sẽ tăng cường giám sát khai thác và nhập khẩu đối với 13 loài thủy hải sản, bao gồm cá hồng, hải sâm, cá mập, cá kiếm, cá ngừ, cá mú, cá nục, cua, tôm, bào ngư, hải sâm, cá tuyết nhập khẩu vào nước này (riêng bào ngư và tôm sẽ được áp dụng sau).

Chính vì điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VASEP đã triển khai nhiều hoạt động kịp tuân thủ các yêu cầu của đoàn DG-MARE, cụ thể là sửa đổi Luật Thủy sản, tập trung hướng tới kiểm soát các “tàu xanh” (không có giấy phép đánh bắt, khai thác) và ngăn chặn hành vi sử dụng thuốc nổ tận diệt nguồn lợi hải sản, xử phạt việc sử dụng sai loại ngư cụ, đánh bắt hải sản quý hiếm và tăng cường kiểm tra việc nhập cảng Việt Nam của các tàu cá nước ngoài.

Theo Đại tá Trần Văn Nam, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam, để đảm bảo trật tự an ninh trên biển và khai thác biển, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam sẽ cùng VASEP thống nhất hợp tác trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Mặc dù con đường chuẩn bị vẫn còn nhiều khó khăn, như về kinh phí, hệ thống cung cấp nguyên liệu và tuyên truyền ngư dân hợp tác… nhưng khi thực hiện đúng quy định của các thị trường nhập khẩu đưa ra cả doanh nghiệp lẫn cộng đồng ngư dân đều có nhiều dư địa tiêu thụ tốt sản phẩm của mình.

Theo Hồng Nhung (TTXVN/Vietnam+)