.

Phụ nữ Nhân Trạch giúp nhau phát triển kinh tế

Thứ Tư, 01/06/2016, 13:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Xác định giúp nhau phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội, những năm qua, Hội Phụ nữ xã Nhân Trạch (Bố Trạch) luôn tích cực vận động chị em tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức cụ thể. Nhờ đó đã góp phần đáng kể giúp cải thiện đời sống cho hội viên, đồng thời khẳng định được vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong các phong trào của địa phương.

Những năm trước đây, đời sống của các hội viên phụ nữ xã Nhân Trạch gặp không ít khó khăn, thiếu thốn. Đa số các hội viên của hội sống bằng sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Do vậy, hội viên phụ nữ rất cần có sự hỗ trợ vốn để đầu tư phát triển kinh tế như: chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán, phát triển các ngành nghề truyền thống...

Nhằm tạo nguồn vốn cho chị em có điều kiện đầu tư vào sản xuất, kinh doanh giúp chị em giảm nghèo, trong thời gian qua các cơ sở hội đã tăng cường hoạt động khai thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách và Xã hội để hỗ trợ hội viên.

Tính đến nay, Hội đã đứng ra tín chấp trên 2,2 tỷ đồng cho 156 hội viên vay; đồng thời tích cực huy động nguồn vốn trong hội viên thông qua các tổ tiết kiệm đoàn kết, tiết kiệm tín dụng, giúp đỡ những hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay không lấy lãi, đẩy mạnh các phong trào “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”... Việc phát động ủng hộ quỹ tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chi hội đã được triển khai rộng khắp với 34 tổ tiết kiệm tín dụng.

Sản xuất nước mắm ở Nhân Trạch.
Sản xuất nước mắm ở Nhân Trạch.

Chị Phạm Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhân Trạch cho biết: “Hội cùng với chính quyền địa phương luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để chị em phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình. Trong chỉ đạo thực hiện các phong trào, các cấp Hội triển khai lồng ghép với các phong trào thi đua, các mô hình hoạt động và mang lại hiệu quả thiết thực.

Các mô hình trên tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ được vay vốn với lãi suất thấp hoặc không tính lãi, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các gia đình phụ nữ nghèo, khó khăn giúp họ an cư lạc nghiệp. Qua kiểm tra hàng năm cho thấy, hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không có nợ tồn đọng”.

Bên cạnh hoạt động hỗ trợ vốn vay, Hội Phụ nữ xã thực hiện tốt công tác vận động hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT tới hội viên để áp dụng vào sản xuất, từ đó nhiều hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn cũng như kiến thức để đầu tư vào sản suất, kinh doanh góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Có được nguồn vốn, nắm bắt được kỹ năng, quy trình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nhiều chị em đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả ra đời từ sự cần cù, chịu khó và nghị lực vươn lên thoát nghèo của chị em.

Tiêu biểu như mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của chị Nguyễn Thị Lựu (thôn Đông Hồng). Trước đây, gia đình chị Lựu gặp không ít khó khăn, do chưa biết áp dụng KHKT vào sản xuất nên kinh tế cũng chỉ đủ ăn. Từ khi tham gia sinh hoạt Hội, được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, cùng với số vốn vay hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách và Xã hội do Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp cho gia đình, đã giúp chị thay đổi cách nghĩ, cách làm. Ban đầu bước vào chăn nuôi, gia đình chị chăn nuôi nhỏ lẻ với số lượng ít.

Sau nhiều năm cùng với kinh nghiệm, vốn liếng gia đình và nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng chị đã quyết định mở rộng trang trại phát triển theo hướng làm trang trại tổng hợp. Hiện nay, với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp lợn, gà, cá đạt mức thu nhập 300 triệu đồng/năm, chị Lựu trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của xã, của huyện. Chị Lựu không phải là điển hình duy nhất của Hội Phụ nữ Nhân Trạch.

Trên địa bàn xã hiện còn có rất nhiều mô hình làm ăn hiệu quả của chị em phụ nữ như mô hình nuôi tôm trên cát của chị Phạm Thị Ân (thôn Nam Bắc), mô hình chế biến hải sản của chị Phạm Thị Lài (thôn Nhân Đức), dịch vụ thu mua hải sản, nhà hàng của chị Phạm Thị Khai (thôn Nhân Quang), cơ sở bún bánh của chị Nguyễn Thị Dẫn (thôn Tây Hồng), cơ sở chế biến nước mắm của chị Lê Thị Thuần, Lê Thị Dịp (thôn Nhân Quang)...

Nhân Trạch vốn nổi tiếng với nghề sản xuất nước mắm truyền thống. Xác định đây là một trong những “đòn bẩy” nhằm giúp chị em hội viên tăng thêm nguồn thu nhập để cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, Hội Phụ nữ xã Nhân Trạch đã tích cực vận động chị em tích cực đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của làng nghề, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Nhờ được tập huấn đầy đủ về kỹ thuật, kinh nghiệm, Hội đã xây dựng được mô hình sản xuất nước mắm ở địa phương và đã đi vào hoạt động có hiệu quả.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Nhân Trạch, với mức doanh thu bình quân trên 4 tỷ đồng/năm, nghề sản xuất nước mắm đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp cải thiện đời sống của không ít hộ dân địa phương, đặc biệt là chị em phụ nữ.

Có thể nói, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo thật sự là phong trào đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, xây dựng tổ chức Hội Phụ nữ Nhân Trạch ngày càng vững mạnh.

Đ.V