.

Vụ đông-xuân tiếp tục được mùa

Thứ Năm, 26/05/2016, 07:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Đến cuối tháng 5-2016, các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch được phần lớn diện tích lúa đông-xuân. Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, vụ đông -xuân này tỉnh ta tiếp tục được mùa, năng suất lúa tương đương cùng kỳ, năng suất ngô cao hơn 5%, đặc biệt giá lúa đang ở mức cao, nông dân phấn khởi.

Các địa phương triển khai sản xuất vụ đông-xuân 2015 - 2016 trong điều kiện hết sức khó khăn. Đầu vụ có đợt rét đậm, rét hại với mức nhiệt xuống thấp kỷ lục, số diện tích lúa và hoa màu bị chết phải gieo trồng lại hơn 1.200ha; giữa vụ vào thời điểm lúa trổ trời nóng ẩm đã tạo điều kiện thuận lợi cho rầy phát sinh gây hại trên 5.200ha lúa; cuối vụ lúc bắt đầu vào thu hoạch xảy ra lốc xoáy làm cho 2.915 ha lúa bị đổ ngã ảnh hưởng đến năng suất.

Mặc dù vậy, bà con nông dân các địa phương đã thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, tăng tỷ lệ giống chất lượng cao và tăng cường đầu tư thâm canh nên vụ đông-xuân năm nay tiếp tục được mùa toàn diện.

Dự ước năng suất lúa đạt từ 59 - 60 tạ/ha, tương đương với năm 2015; ngô khoảng từ 52 - 53 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ khoảng 5%. Các loại cây trồng khác như: sắn, lạc, rau đậu các loại... đều đang sinh trưởng phát triển tốt khả năng sẽ cho năng suất cao.

Trong các địa phương, Lệ Thủy có năng suất lúa cao nhất, ước đạt 66,3 tạ/ha, tiếp theo là huyện Quảng Ninh khoảng 59,7 tạ/ha, huyện Bố Trạch khoảng 56,2 tạ/ha... Đối với cây ngô, huyện Tuyên Hóa là địa phương có năng suất cao nhất, ước đạt từ 58-59 tạ/ha, tăng 7 tạ/ha so với cùng kỳ.

Điều đáng nói trong vụ sản xuất đông-xuân năm nay là sâu bệnh phát triển rất mạnh, nhất là rầy. Do những năm vừa qua không có lũ lụt lớn, thời tiết vào giữa vụ lại nóng ẩm, có nắng mưa xen kẽ nên rầy đã bùng phát mạnh. Vào thời kỳ cao điểm toàn tỉnh đã có 5.322 ha lúa bị nhiễm rầy, trong đó nặng nhất là Lệ Thủy với 2.300 ha, Quảng Ninh 1.250 ha...

Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm tập trung chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương nên rầy đã được khống chế và dập tắt kịp thời, thiệt hại được giảm ở mức tối thiểu. Diện tích bị mất trắng do cháy rầy (cháy chòm quy đông đặc lại) là 21,5 ha. Các loại sâu bệnh khác và nạn chuột phá hoại được phòng trừ có hiệu quả.

Nông dân Lệ Thủy được mùa lúa đông-xuân.
Nông dân Lệ Thủy được mùa lúa đông-xuân.

Mới đây chúng tôi có dịp về Lệ Thủy, đúng vào thời điểm bà con đang thu hoạch rộ lúa đông-xuân. Qua báo cáo của UBND huyện Lệ Thuỷ cho biết, diện tích gieo trồng lúa đông-xuân toàn huyện tương đương cùng kỳ, với khoảng 10.150ha. Cơ cấu giống lúa được bố trí sản xuất ở vụ mùa này bao gồm: X21, Xi23, NX30 chiếm 5.100ha, bằng 50% tổng diện tích; lúa chất lượng cao XT28, P6, PC6, HT1, P290, nếp IJ352... chiếm 35% tổng diện tích. Tỷ lệ diện tích lúa sử dụng giống xác nhận kỹ thuật và đưa vào gieo cấy đạt 80%.

Một số địa phương như xã An Thủy, Phong Thủy, Liên Thủy, An Thủy, Mai Thủy... có năng suất lúa bình quân trên 70 tạ/ha (cao hơn cùng kỳ 2 tạ/ha). Về xã Phú Thủy chúng tôi được biết, vụ này toàn xã gieo cấy 820 ha lúa, chủ yếu các loại giống Xi23, X21, NX30, TBR1 và giống tiến bộ kỹ thuật.

Vụ này bà con nông dân trong toàn xã được mùa với năng suất bình quân 65,4 tạ/ha, lúa thu hoạch đến đâu thương lái thu mua hết đến đó. Thu hoạch đến đâu bà con triển khai ngay sản xuất vụ hè-thu đến đó. Đến thời điểm này bà con đã gieo được 20ha trong tổng số 120 ha lúa hè-thu, số diện tích còn lại bà con tiếp tục canh tác lúa tái sinh.

Vụ đông-xuân này huyện Quảng Ninh gieo cấy 5.200 ha lúa, tương đương cùng kỳ. Đến nay bà con đã thu hoạch được 65% diện tích, năng suất dự ước xấp xỉ 60 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ 1,2 tạ/ha; ngô 360 ha, năng suất 36 tạ/ha, sản lượng 1.296 tấn; khoai lang 250 ha, năng suất 80 tạ/ha, sản lượng 2.000 tấn...Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã chủ động phối hợp các trạm thủy nông Quảng Ninh, Mỹ Trung điều tiết nước hợp lý để bà con nông dân triển khai vụ hè-thu được thuận lợi.

Cùng với đó, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các chân đất một vụ và hai vụ bấp bênh ở vùng ruộng cạn của các xã Vĩnh Ninh, Tân Ninh, Hiền Ninh, Hàm Ninh, Vạn Ninh... sang trồng ngô, dưa hấu, mướp đắng, đậu xanh nhằm đưa lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bộ giống lúa đưa vào sản xuất chủ yếu là giống ngắn ngày, chất lượng cao.

Trong chỉ đạo sản xuất vụ này có nhiều nét mới. Nhận định thời tiết năm nay bị ảnh hưởng của rét đậm đầu vụ nên Sở Nông nghiệp-PTNT đã có hướng dẫn cơ cấu giống cây trồng và khung thời vụ gieo trồng vụ đông - xuân muộn hơn năm ngoái khoảng 5-7 ngày, đồng thời cân đối khả năng tưới của từng công trình thủy lợi để có kế hoạch cơ cấu cây trồng hợp lý, ưu tiên các giống cây trồng chịu hạn.

Đối với cây lúa các địa phương đều tăng diện tích sử dụng giống chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày. Giảm dần diện tích sử dụng các giống Xi23, X21. Sử dụng các giống lúa chất lượng như: P6, IR 353-66, XT28, QX2 (94-11), QR1, các giống lúa thâm canh: Xi23, X21, NX30, TBR1 và giống tiến bộ kỹ thuật: Nếp SVN1, GL105, TBR225; không bố trí các giống bị thoái hóa có nguy cơ nhiễm đạo ôn, rầy nầu cao như VN10, IR36...

Trên cây ngô, Sở khuyến khích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả và những vùng đất lạc bị nhiễm bệnh chết ẻo nặng sang trồng ngô. Mở rộng diện các giống ngô lai có năng suất cao như DK9901, CP989, C919, DK9901 để tăng năng suất. Sử dụng các giống ngô nếp MX4, WAX44, ngô nếp lai Tố nữ, HN88 để sản xuất ngô ăn tươi và các giống tiến bộ kỹ thuật như NK6326, CP501.

Trên cây lạc, đối với những vùng có điều kiện thâm canh cao tập trung gieo các loại giống L14, L23, SVL1. Trên các diện tích đất bị bệnh chết ẻo nặng nhất thiết phải chuyển sang trồng cây khác như kê, ngô, khoai lang... Đối với đậu xanh, khuyến khích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, thoát nước tốt sang trồng các giống đậu xanh DDX208, DDX044...

Cũng trong vụ sản xuất đông-xuân này, các địa phương chuyển đổi 151ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang gieo trồng các loại cây khác; trong đó: Lệ Thuỷ 10ha, Quảng Ninh 16ha, Bố Trạch 10ha, Ba Đồn 44ha, Quảng Trạch 55ha và Tuyên Hoá 16ha. Các loại cây trồng được chuyển đổi thay thế cây lúa chủ yếu là ngô với trên 82ha, đậu xanh 7ha, lạc 26ha, khoai lang 8ha, ớt 4,7ha, cỏ 3,8ha và rau các loại trên 19ha...

Qua đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi vụ mùa đầu tiên cho thấy, trên cùng một diện tích này nếu người dân trồng lúa chỉ cho thu nhập gần 30-40 tạ/ha, giá trị mang lại 18-25 triệu đồng/ha. Nhưng chuyển đổi sang trồng ngô, khoai bà con có thu nhập tăng lên 50-55 triệu đồng/ha, còn đối với trồng hoa, rau các loại thu nhập trung bình sau mỗi vụ gần 250 triệu đồng/ha...

P.V