.

Trang trại ngại... "sổ đỏ"

Thứ Sáu, 27/05/2016, 06:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát triển mô hình trang trại là hướng đi cần thiết để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho khu vực kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trang trại ở tỉnh ta vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và giấy chứng nhận kinh tế trang trại, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đầu tư và phát triển lâu dài của các trang trại.

Hơn 82% trang trại không có “sổ đỏ”

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 690 trang trại đạt theo quy định tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT, tăng 42 trang trại so với năm 2014. Để khuyến khích kinh tế trang trại phát triển, thời gian qua, các chủ trang trại đã được chính quyền địa phương rà soát, cấp sổ đỏ và được miễn thuế sử dụng đất theo quy định.

Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều trang trại khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng để đầu tư phát triển.
Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều trang trại khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng để đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, số này vẫn chiếm một phần rất ít. Trong 690 trang trại này, chỉ có 122 trang trại được cấp sổ đỏ (chiếm 17,68%), 568 trang trại còn lại không có sổ đỏ. Các trường hợp này xảy ra phổ biến ở các huyện Quảng Trạch, Ba Đồn, Đồng Hới, Lệ Thủy, đặc biệt là huyện Bố Trạch. Với 485 trang trại, Bố Trạch là huyện có tổng số trang trại lớn nhất cả tỉnh, tuy nhiên, trong 485 trang trại chỉ có 4 trang trại được cấp sổ đỏ, một con số quá ít ỏi.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch, hiện nay, ngoài 4 trang trại đã nói trên thì đa số các trang trại kinh tế trên địa bàn  của huyện đều là hợp đồng thuê, nhận khoán đất của xã. Nhiều chủ hộ trang trại ở các xã cho biết dù đã cải tạo và đầu tư phát triển các diện tích đất trên hàng chục năm nhưng đến nay họ vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Ông Dương Văn An, thôn 3, xã Đồng Trạch cho biết: Năm 2003, theo chủ trương chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả của thôn, ông có mua lại hơn 2 mẫu đất lúa với giá hơn 12 triệu đồng. Do diện tích này có nhiễm mặn nên sau khi mua xong ông đã thuê máy móc và nhân công cải tạo lại để chuyển đổi sang mô hình cá - lúa.

Tuy nhiên, sau hai năm nhưng mô hình này vẫn không đem lại năng suất, hiệu quả cao nên ông An đã quyết định chuyển qua làm mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp. Hiện tại, trang trại ông chăn nuôi hơn 60 con lợn, 100.000 con gà, 3 hồ nuôi cá với 5 tấn cá các loại..., bình quân mỗi năm thu nhập khoảng 400-500 triệu đồng.

Ông cũng cho biết, lúc mua hơn 2 mẫu đất, do không chuyển đổi sổ đỏ từ chủ cũ nên đất của ông hiện tại cũng chưa được cấp quyền sở hữu. Được biết, năm 2007, chính quyền địa phương có chủ trương cấp sổ đỏ cho những diện tích được chuyển đổi trong năm 2003, thế nhưng, khi xét duyệt diện tích đất của ông và một số chủ hộ khác trong thôn lại không nằm trong diện được cấp đó.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều chủ trang trại đã kiến nghị mong muốn được tạo điều kiện cấp sổ đỏ nhưng đến nay vẫn chưa được cấp. Không chỉ riêng trang trại ông An, xã Đồng Trạch hiện tại cũng có hàng chục trang trại chưa được cấp sổ đỏ.

Khó mở rộng quy mô

Có thể khẳng định, kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình. Với nhiều trang trại, để nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa và giá trị doanh thu, cách duy nhất là mở rộng quy mô.

Vậy nhưng, một thực tế chung hiện nay của nhiều trang trại là mặc dù có điều kiện nhưng lại không thể mở rộng phát triển. Nguyên nhân xuất phát cũng chính từ chuyện sử dụng đất và sổ đỏ. Một số chủ trang trại ở Đồng Trạch chia sẻ, lúc nào họ cũng trong tâm trạng lo lắng đất của mình sẽ bị lấy lại.

Trang trại anh Dương Văn An và hàng chục trang trại ở Đồng Trạch hiện chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trang trại anh Dương Văn An và hàng chục trang trại ở Đồng Trạch hiện chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chính vì vậy, nhiều lúc muốn đầu tư để phát triển thêm cho trang trại nhưng lại không yên tâm để làm. Những chủ trang trại đang thuê đất có thời hạn của xã thì cho biết, thuê đất, vừa mới cải tạo chưa kịp mở rộng phát triển trang trại thì đã lo đến hạn trả đất nên họ cũng không mạnh dạn đầu tư.

Với những hộ có nhu cầu đầu tư phát triển trang trại thì cũng gặp những khó khăn. Nhiều chủ trang trại hiện đang nằm trong diện thuê đất, nhận khoán đất đều phản ánh, sau khi nhận đấu thầu đất của xã, họ dồn hết vốn để cải tạo đất đai. Tuy nhiên, khi đã cải tạo xong, để tiếp tục đầu tư phát triển thì phải có thêm vốn. Các chủ trang trại này cho biết, họ không thể tiếp cận được với các nguồn vốn vay ngân hàng, vì để vay được vốn bắt buộc phải có sổ đỏ thế chấp.

Việc trình giấy chứng nhận kinh tế trang trại là chưa đủ cơ sở pháp lý để người dân có thể tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi dành cho mô hình kinh tế trang trại. Cũng chính vì lý do này mà rất nhiều trang trại mặc dù có đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, nhưng lại không làm đơn xin cấp giấy chứng nhận, bởi họ cho rằng có hay không cũng vậy.

Như vậy, có nghịch lý chung hiện nay là các chủ trang trại đỏ mắt đợi hàng chục năm để được cấp sổ đỏ thì lại không được. Trong khi đã có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại thì họ lại tỏ ra thờ ơ, không mấy mặn mà.

Ông Trương Văn Lanh, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông Nghiệp và PTNT cho biết: Thời gian qua, do nhiều thủ tục cấp đất, giao đất còn kéo dài, vẫn còn tình trạng gây khó khăn cho chủ trang trại nên số trang trại được cấp sổ đỏ còn rất thấp.

Cũng theo ông Trương Văn Lanh, để kinh tế trang trại tạo được sức mạnh trong sự nghiệp phát triển nông thôn, nông nghiệp thì cần phải có những chính sách thuận lợi, khuyến khích các trang trại kinh tế phát triển như điều chỉnh thời hạn cho thuê đất lên 50 năm; rà soát, thẩm định cấp sổ đỏ và giấy chứng nhận kinh tế trang trại để các chủ trang trại yên tâm đầu tư, phát triển lâu dài.

Đoàn Nguyệt