.

Lệ Thủy: Chủ động phòng chống cháy rừng

Thứ Hai, 13/06/2016, 07:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) của huyện Lệ Thủy trong những năm qua đã được các cấp, ngành, đoàn thể, chủ rừng hết sức quan tâm thực hiện và đạt kết quả khá tốt. Từ nhiều năm qua, trên địa bàn hầu như không có vụ cháy rừng lớn nào xảy ra. Đấy là kết quả của sự vào cuộc đầy trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn “giặc lửa” hoành hành trong mùa khô nóng.

Bước vào mùa khô năm nay, nhận định thời tiết diễn biến thất thường, nhiệt độ vào mùa khô có thể lên đến hơn 40 độ C, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao nên chính quyền địa phương huyện Lệ Thủy đã chủ động triển khai các biện pháp PCCCR.

Thông qua hội nghị triển khai công tác này từ đầu năm, UBND huyện đã lưu ý các địa phương có rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng; tổ chức họp rút kinh nghiệm sau từng vụ cháy rừng, những điểm phát lửa xảy ra; tăng cường thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Để bảo đảm công tác PCCCR trên địa bàn được triển khai có hiệu quả, huyện Lệ Thủy đã củng cố và kiện toàn Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR các cấp; thống nhất kế hoạch, phương án PCCCR trên địa bàn do cấp mình quản lý. Các địa phương có rừng giao nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách cụ thể từng thôn, làng, bản và chịu trách nhiệm huy động lực lượng, phương tiện dụng cụ chữa cháy rừng khi có cháy xảy ra.

Các chủ rừng ở Lệ Thủy thường xuyên xử lý thực bì để tránh cháy rừng.
Các chủ rừng ở Lệ Thủy thường xuyên xử lý thực bì để tránh cháy rừng.

Mặt khác, các đơn vị như Lâm trường Kiến Giang, Lâm trường Khe Giữa, Lâm trường Long Đại, Công ty TNHH MTV Lệ Ninh, các chủ rừng cũng chú trọng thành lập ban chỉ huy, xây dựng các tổ, đội tuần tra rừng, cơ động xung kích trong chữa cháy rừng.

Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm chủ động giao địa bàn quản lý cho từng trạm kiểm lâm. Các trạm tăng cường đưa kiểm lâm viên về từng địa bàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện; đồng thời tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR trong mùa nắng nóng.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Trên cơ sở tình hình sản xuất, trồng rừng, khai thác rừng và thực trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép trên địa bàn, huyện Lệ Thủy đã chủ động chia các vùng để bảo vệ gồm: Vùng trọng điểm có khả năng xảy ra lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, phát thực bì trồng rừng trái phép thuộc địa bàn các xã Lâm Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy, Phú Thủy...; vùng trọng điểm về khai thác gỗ trái phép ở diện tích rừng giáp ranh với tỉnh Quảng Trị, rừng giáp ranh giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ Động Châu với Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa, khu vực Khe Nước Trong, bản Rum-Ho, xã Kim Thủy, diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn sông Kiến Giang...

Ngoài ra, huyện Lệ Thủy cũng đã chia ra 4 vùng trọng điểm cháy rừng để thực hiện tốt phương án phòng ngừa. Trong đó vùng Quốc lộ 1-ven biển có khoảng 2.000 ha rừng thông. Vùng phía trước có khoảng 4.000 ha gồm các xã Mỹ Thủy, Tân Thủy, Dương Thủy, Thái Thủy, Văn Thủy. Vùng đường 15 có khoảng 4.000 ha rừng gồm Kim Thủy, Trường Thủy, Mai Thủy, Phú Thủy, thị trấn Nông trường Lệ Ninh.

Vùng phía tây của huyện chủ yếu là rừng phục hồi sau nương rẫy và một số diện tích cao su của Công ty Lệ Ninh gồm các xã Lâm Thủy, Ngân Thủy, Lâm trường Khe Giữa, Lâm trường Long Đại... Trên cơ sở xác định những vùng trọng điểm thường xảy ra cháy rừng, Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR đã tập trung công tác kiểm tra, chỉ đạo chặt chẽ, mua sắm trang thiết bị dụng cụ, phương tiện để kịp thời đối phó khi phát hiện cháy rừng xảy ra.

Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các phòng, ban chức năng, các xã có rừng tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề quán triệt công tác PCCCR cho người dân sống gần rừng; thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR, không chứa chấp đối tượng phá rừng.

Đồng thời tu sửa hàng chục chòi canh chính và làm thêm các còi canh phụ đặt trên địa điểm xung yếu, bố trí lực lượng canh gác thường xuyên; chăm sóc tu sửa hàng chục km đường ranh cản lửa ở khu vực dễ cháy trong mùa khô. Công tác phát dọn, đốt trước thực bì ở các khu vực có rừng thông nhựa như Lâm trường Kiến Giang, Văn Thủy, Mỹ Thủy, Phú Thủy, Mai Thủy, Sen Thủy... cũng được chú trọng.

Với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR các cấp ở Lệ Thủy xác định, khi xảy ra cháy rừng thì chính quyền địa phương, chủ rừng nơi xảy cháy phải chủ động huy động mọi lực lượng, phương tiện tại chỗ tham gia dập lửa để cứu rừng. Trường hợp vượt quá tầm kiểm soát của lực lượng cứu chữa tại chỗ, phải khẩn cấp báo cáo về ban chỉ huy PCCCR của huyện để huy động lực lượng ứng cứu.

Mặt khác, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương các xã liền kề phải được chú trọng và phát huy hiệu quả; đặc biệt đối với các xã có diện tích rừng thông nhựa lớn như Mai Thủy, Trường Thủy, Thái Thủy, Sen Thủy...

Huyện Lệ Thủy có hơn 112.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, toàn huyện có hơn 3.700 ha rừng thông nhựa rất dễ cháy. Nhờ làm tốt công tác PCCCR nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. “Huyện đang thực hiện chủ trương khuyến khích trồng rừng, xây dựng vốn rừng, bảo vệ rừng trong các thôn, làng, bản, hộ gia đình và cộng đồng dân cư.

Đối với tổ chức, cá nhân tham gia chữa cháy rừng bị tai nạn rủi ro sẽ được hỗ trợ kinh phí trong thời gian điều trị; đồng thời ban chỉ huy, chính quyền các cấp nhanh chóng làm thủ tục hồ sơ để người bị tai nạn được hưởng chính sách theo quy định” - Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn nói.

Nguyễn Hoàng