.

Tổng kết mô hình sinh kế thân thiện với đa dạng sinh học vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng

Thứ Bảy, 24/10/2015, 09:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 23-10, tại huyện Bố Trạch, Hợp phần GIZ (thuộc dự án Khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng) phối hợp với Sở Nông nghiệp-PTNT, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch tổ chức hội thảo tổng kết mô hình sinh kế thân thiện với đa dạng sinh học vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB). Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các hộ dân tham gia mô hình sinh kế tại các xã vùng đệm PN-KB ở Bố Trạch, Quảng Ninh.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị to lớn của VQG PN-KB luôn là quan tâm hàng đầu của tỉnh Quảng Bình, của Việt Nam và luôn được các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ. Tiếp theo những kết quả của giai đoạn trước, được sự hỗ trợ của Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật GIZ, Sở Nông nghiệp-PTNT đã phối hợp cùng các ngành xây dựng các mô hình sinh kế theo chuỗi giá trị thân thiên với đa dạng sinh học, tạo việc làm thu nhập và đời sống cho người dân, giảm áp lực “vào rừng” khai thác tài nguyên thiên nhiên. Các mô hình được triển khai thực hiện tại 275 hộ dân thuộc 11 xã vùng đệm PN-KB của 3 huyện Minh Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh.

Tại hội thảo, đại diện Hợp phần GIZ, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch và huyện Quảng Ninh đã báo cáo những kết quả đạt được của các mô hình sinh kế thực hiện trong thời gian qua. Theo đó, từ tháng 10-2014 đến nay, Hợp phần GIZ và các đối tác đã triển khai tất cả 5 sản phẩm sinh kế thân thiện với đa dạng sinh học tại các xã vùng đệm là: mô hình trồng nấm ăn (nấm sò) và nấm dược liệu (linh chi); mô hình nông lâm kết hợp; mô hình nuôi gà lấy thịt và sinh sản; mô hình nuôi ong; mô hình mây tre đan.

Với sự quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện của các cấp, các ngành; Sở Nông nghiệp-PTNT, Hợp phần GIZ, các đơn vị tư vấn… các hộ dân đã được tập huấn về kỹ thuật, hỗ trợ về giống vật nuôi, cây trồng, phân bón, thuốc phòng trừ dịch bệnh… để phát triển các mô hình sinh kế.

Đặc biệt, Hợp phần GIZ đã liên kết với Công ty TNHH sinh thái miền Tây Quảng Bình và Công ty TNHH xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Vạn Xuân tư vấn kỹ thuật và bảo đảm khâu bao tiêu sản phẩm cho hộ dân nuôi ong lấy mật và mây tre đan. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, các mô hình sinh kế đã phát triển tốt, bước đầu cho thu nhập kinh tế khá, giúp người dân ổn định sản xuất, giảm đáng kể việc vào rừng khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Được biết, trước đó vào ngày 22-10, tại huyện Minh Hóa, Hợp phần GIZ và Sở Nông nghiệp-PTNT cũng đã tổ chức hội thảo tổng kết mô hình sinh kế thân thiện với đa dạng sinh học vùng đệm PN-KB cho các hộ dân tham gia mô hình ở Minh Hóa.

Lê Mai