.

Du lịch cho khách khuyết tật: Còn thiếu trăm bề

Thứ Ba, 27/10/2015, 08:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiếm hơn 10% dân số thế giới, người khuyết tật (NKT) là nguồn thị trường du lịch đầy tiềm năng. Thế nhưng, hiện các đơn vị lữ hành cũng như đơn vị lưu trú trong tỉnh vẫn chưa mấy “mặn mà” để tập trung đầu tư xây dựng những chương trình tour ưu ái, xây dựng hạ tầng du lịch dành cho đối tượng du khách “đặc biệt” này.

Thiếu cơ sở hạ tầng!

Nhiều năm trở lại đây, khái niệm “du lịch tiếp cận” hay “du lịch không rào cản” không còn mấy xa lạ. Đặc biệt, một khi ngành du lịch càng phát triển thì loại hình du lịch này càng cần được chú trọng. Nhóm người dễ bị tổn thương trong cộng đồng trong đó có NKT, khi tham gia du lịch và được phục vụ tận tình, họ sẽ cảm thấy tự tin hòa nhập vào cuộc sống xã hội. Từ đó góp phần vào việc nâng cao được nhận thức của xã hội và thúc đẩy việc xây dựng một môi trường không rào cản.

Để thu hút một lượng lớn khách hàng “đặc biệt” này, năm 2001, Tổng cục Du lịch đã có quy định, khách sạn từ 4 đến 5 sao phải có phòng, thang máy và thiết bị phù hợp với NKT. Thế nhưng, cơ sở hạ tầng của các khách sạn 4 sao, 5 sao ở tỉnh ta cho đến nay vẫn chưa chú trọng lắm đến việc phục vụ riêng cho đối tượng đặc biệt này.

 Khách khuyết tật tham quan gian hàng giới thiệu về du lịch Quảng Bình tại Hội chợ du lịch Quốc tế
Khách khuyết tật tham quan gian hàng giới thiệu về du lịch Quảng Bình tại Hội chợ du lịch Quốc tế.

Đại diện một khách sạn lớn trên địa bàn cho biết, buổi ban đầu khi thiết kế, xây dựng vẫn có phòng dành riêng cho NKT, trong đó các trang thiết bị khá đặc thù, phù hợp với những người phải sử dụng xe lăn. Tuy nhiên, theo thời gian, những phòng nghỉ này đã được sửa chữa lại để phục vụ cho khách bình thường trong mùa du lịch, những khi “cháy” phòng. Lý do đơn vị này đưa ra là do khách khuyết tật đến nghỉ dưỡng tại đây khá hiếm hoi, nên công năng sử dụng không nhiều.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó giám đốc Khu nghỉ dưỡng Sun Spa Resort cho biết, bên cạnh các lối đi chung có thể sử dụng được xe lăn, các phòng chuyên dụng dành cho khách khuyết tật có một số điểm khá đặc trưng như: các thiết bị trong phòng phải được thiết kế hạ thấp xuống so với bình thường, bể tắm phải thay thế bằng bàn tắm bằng đá và có tay vịn.

Hiện tại, Khu nghỉ dưỡng Sun Spa Resort có một phòng được thiết kế dành riêng cho đối tượng khách hàng đặc biệt này và hai xe lăn luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách. Tuy nhiên, do công năng sử dụng không nhiều nên hiện tại căn phòng này đang được tận dụng để làm... phòng y tế.

Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 270 cơ sở lưu trú. Trong đó có: 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao, 21 khách sạn 2 sao và 22 khách sạn 1 sao. Tuy nhiên, kể cả các khách sạn 4, 5 sao cũng chưa có đầy đủ cơ sở hạ tầng phù hợp với khách khuyết tật nên với các cơ sở lưu trú khác, việc đáp ứng tốt các nhu cầu của đối tượng khách hàng này cũng còn khá xa vời.

Chỗ lưu trú thiếu đã đành, các công trình công cộng cũng còn lắm vấn đề đáng bàn. Hệ thống giao thông, các phương tiện vận tải chưa tích hợp những điều kiện để phù hợp với người đi xe lăn. Tại các công trình công cộng như nhà hàng, khu vui chơi, chưa có công trình vệ sinh dành riêng cho NKT. Đây là một thiếu hụt lớn khi hướng đến một môi trường du lịch không rào cản, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng.

Anh Lê Quang Toán, cán bộ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết, thời gian trước, có một đoàn gồm 40 NKT của CLB Ước mơ xanh (Hà Nội) đi tham quan tại động Phong Nha. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc di chuyển của đoàn tại các địa điểm công cộng khá vất vả khi các công trình đều không có lối cho xe lăn lên, xuống, trong khi phần đa các thành viên trong đoàn đều bị khuyết tật vận động. Đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) cũng khá hiếm hoi nên việc dẫn đoàn, hỗ trợ khách đều nhờ cậy nhiều vào đội ngũ tình nguyện viên!

Thiếu người!

Anh Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH TT&DL Netin, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh khẳng định, hiện tại, Quảng Bình vẫn chưa có tour du lịch thiết kế riêng cho đối tượng khách khuyết tật. Bởi theo anh, khác với những chương trình du lịch thông thường, tour dành cho đối tượng “đặc biệt” này đòi hỏi yêu cầu khắt khe hơn. Do đặc thù khiếm khuyết về hình thể của NKT nên rất khó tổ chức tour cho đối tượng này, nhất là đi du lịch chung cùng với khách bình thường.

Khu nghỉ dưỡng Sun Spa Resort có 2 xe lăn luôn sẵn sàng phục vụ khách khuyết tật.
Khu nghỉ dưỡng Sun Spa Resort có 2 xe lăn luôn sẵn sàng phục vụ khách khuyết tật.

Đội ngũ HDV du lịch đòi hỏi phải đáp ứng những yêu cầu riêng về chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ cho khách khuyết tật. Họ không chỉ hướng dẫn theo một lịch trình có sẵn mà cần nhiều yếu tố như sức khoẻ, sự tận tâm và nhiệt tình. Khi đối tượng khách hàng có những khiếm khuyết về hình thể thì đòi hỏi người HDV phải mất nhiều thời gian và công sức hơn, nhất là thái độ phải luôn luôn nhẹ nhàng và khéo léo trong ứng xử.

Với những khách hàng là người khiếm thính, HDV phải biết thêm cả ngôn ngữ hình thể khi giao tiếp và dẫn giải. Phục vụ người bình thường đã khó, phục vụ cho khách khuyết tật càng khó khăn trăm bề. Một HDV lâu năm ở Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng chia sẻ một kỷ niệm khó quên khi dẫn đoàn khách khuyết tật gồm 30 người tham quan động Phong Nha rằng, do không thông thạo ngôn ngữ hình thể nên để khách khiếm thính hiểu, các HDV phải tự sáng tạo ra nhiều động tác khác nhau. “Rất khó khăn và phải mất nhiều thời gian”, HDV này cho biết thêm. 

Theo lý giải của một đại diện công ty lữ hành trên địa bàn thì trở ngại trong phục vụ khách khuyết tật là khó khăn chung của cả ngành du lịch chứ không riêng gì du lịch Quảng Bình. Các đơn vị lữ hành ngại xâm nhập vào thị trường tiềm năng này do thiếu nhân sự bởi đối với du khách khuyết tật, đội ngũ chăm sóc, hướng dẫn phải đông hơn rất nhiều so với việc phục vụ các khách hàng bình thường khác.

Đó là chưa kể đến, nếu một đoàn khách khuyết tật gồm nhiều đối tượng, với mức độ khuyết tật khác nhau thì nhất thiết phải cần đến một đội ngũ HDV đông đảo và tất nhiên, lực lượng này phải đáp ứng những yêu cầu đặc thù. Tuy nhiên, theo anh Trần Xuân Cương thì đến nay, đội ngũ HDV du lịch của Quảng Bình vẫn chưa được tiếp cận với các khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ riêng cho đối tượng khách khuyết tật.

Từ sự thiếu hụt của ngành du lịch tỉnh ta trong việc thu hút đối tượng khách khuyết tật, thiết nghĩ, đã đến lúc ngành du lịch Quảng Bình cần có những chính sách quan tâm đến đối tượng khách hàng đặc biệt này. Bởi NKT cũng có cần có quyền được hưởng thụ và tận hưởng cuộc sống. Quan tâm đến họ, không chỉ đơn giản là tăng thêm một nguồn thu từ khách hàng tiềm năng mà còn mang đầy tính nhân văn, góp phần xóa bỏ rào đối với NKT.

Rõ ràng, để đạt được hiệu quả thiết thực hơn, khi xây dựng cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực du lịch tiếp cận, cần thiết phải có sự tham gia, góp tiếng nói của NKT!

Diệu Hương