.

Các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất: "Bệ đỡ" hóa giải đói nghèo

Thứ Sáu, 30/10/2015, 08:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, sản xuất được xem như "bệ đỡ" để giúp đồng bào nơi đây phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và thoát nghèo một cách bền vững. Tuy nhiên, để các chính sách, dự án này được nhân rộng và phát huy hiệu quả trong thực tế, đòi hỏi sự vào cuộc một cách tích cực và trách nhiệm cao của chính quyền các địa phương.

Cũng như bao đồng bào dân tộc thiểu số khác, ngày trước, người Mã Liềng ở bản Cà Xen ở xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa) chủ yếu sống du canh du cư, phát nương làm rẫy. Đến năm 1994, người Mã Liềng mới dần chuyển sang sống định canh định cư.

Hồ Bợt (bản Cà Xen) nhớ lại: "Ngày đó, cuộc sống khổ cực lắm. Người dân miềng không biết trồng trọt, chăn nuôi chi cả. Nhiều lúc đói quá, phải vào rừng đào củ nâu ăn để sống qua ngày. Rồi nhà nước hỗ trợ làm nhà, cấp phát bò, hướng dẫn làm lúa nước. Cuộc sống mới dần dần ổn định từ đó".

Năm 2011, thực hiện chính sách vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, mỗi hộ dân ở bản Cà Xen được vay 5 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Hình thức vay vốn được chính quyền địa phương chuyển giao và quản lý rất chặt chẽ. Thay vì trao tiền trực tiếp cho người dân, đồng bào ở đây phải tìm mua 1 con trâu hoặc bò về, mới được nhận tiền.

Đến nay, mỗi hộ dân đã có 1 đến 2 con trâu, bò, góp phần giúp đồng bào phát triển sản xuất. "Chỉ bằng cách làm này mới quản lý được đồng tiền cho bà con vay và giúp cho nguồn vốn vay phát huy được hiệu quả trên thực tế", ông Nguyễn Hữu Tâm, Chủ tịch UBND xã tâm sự. 

Chiếc máy cày UBND huyện Tuyên Hóa cấp cho bản Cà Xen để làm đất canh tác cho cả bản, được Hồ Bợt bảo quản cẩn thận.
Chiếc máy cày UBND huyện Tuyên Hóa cấp cho bản Cà Xen để làm đất canh tác cho cả bản, được Hồ Bợt bảo quản cẩn thận.

Để giúp đỡ cho đồng bào ở đây chủ động sản xuất, nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu về lương thực, năm 2011, UBND huyện Tuyên Hóa đã cấp cho bản Cà Xen 1 máy cày để làm đất. Ngoài ra, hàng năm bà con còn được hỗ trợ giống, và các loại vật tư sản xuất khác.

Hiện 49 hộ, 192 nhân khẩu người Mã Liềng ở Cà Xen đã duy trì gieo cấy thường xuyên hơn 4ha lúa và gần 10 ha đất trồng các loại cây màu. Gia đình Hồ Bợt được UBND xã tin tưởng giao cho quản lý máy cày và chịu trách nhiệm cày đất giúp bà con canh tác. Hồ Bợt chia sẻ: "Cái máy cày ni hay thiệt, cứ đổ xăng vô, nổ máy chạy là đất có thể gieo giống. Xăng dầu, tiền công thì đã có xã cho. Từ khi có cái máy cày ni dân bản miềng siêng mần, siêng ra ruộng nương trồng trọt hơn".

Ông Tâm cho biết thêm, trước đây, bà con vẫn còn trông chờ vào nguồn trợ cấp của nhà nước, vẫn còn tình trạng ruộng đất bỏ hoang. Nhưng từ khi có máy cày, bà con không còn bỏ hoang ruộng đất nữa. Nhờ sự giúp đỡ của các chương trình hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, chăn nuôi, nên đồng bào nơi đây đã cơ bản thoát được đói. Thực hiện chính sách giao đất giao rừng, hiện 35 hộ dân ở đây đã được giao hơn 43ha đất rừng, trong đó có hơn 10ha đã cho thu nhập.

Cũng như bao gia đình người Vân Kiều khác ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh), cách đây 3 - 4 năm, gia đình Hồ Lòng cũng là hộ nghèo. Gia đình trẻ lại chỉ có 2 con, so với các gia đình khác trong bản, gánh nặng cuộc sống chưa phải là quá lớn. Thế nhưng, chỉ vài sào ruộng, một ít đất trồng ngô, sắn, cũng không đáp ứng đủ cho cái ăn cho 4 người. Mỗi năm, cứ đến mùa giáp hạt, cuộc sống gia đình lại phải đắp đổi qua ngày nhờ vào sự trợ cấp của Nhà nước. Cái nghèo cứ vậy, bám dai dẳng.

Năm 2013, gia đình Hồ Lòng được Dự án Plan hỗ trợ 2 con lợn giống và 1 năm thức ăn, cùng với việc thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do các dự án, Hội phụ nữ tổ chức, Hồ Lòng mới tiếp cận được các kỹ thuật nuôi lợn. Lần đầu tiên, Hồ Lòng biết đến kỹ thuật làm chuồng trại, tiêm phòng, phối giống...

Vợ chồng Hồ Lòng quyết tâm thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ các kỹ thuật trên vào việc nuôi 2 con lợn giống được hỗ trợ. Thế rồi, 2 con lợn lần lượt đẻ. Lứa đầu, Hồ Lòng bán cho bà con trong bản, lấy tiền tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến lứa sau, anh quyết định giữ lại toàn bộ đàn lợn con để nuôi. Có khi, trong chuồng của Hồ Lòng lên đến 20 con lợn thịt. Số tiền thu được từ bán lợn có khi trên chục triệu đồng.

Hôm chúng tôi đến, trong chuồng nhà Hồ Lòng có 3 con lợn nái. Chuồng trại được xây dựng khép kín khá quy mô và được vệ sinh rất sạch sẽ. "Chỉ còn ít ngày nữa là chúng nó đẻ, nên phải chăm nhiều hơn trước. Nhờ nuôi lợn mà miềng có nhà xây, trồng được rừng đó", Hồ Lòng hồ hởi khoe.

Nhìn tôi có vẻ không tin, ông Chủ tịch Hội Nông dân xã nói: "Đúng đó chú. Năm 2015, gia đình Hồ Lòng đã thoát nghèo. Nhìn căn nhà mới xây chưa kịp hoàn thiện, tôi hỏi: -Chắc mất nhiều tiền lắm? Hồ Lòng bảo: -Cũng không nhiều tiền lắm mô. Miềng chỉ mua vật liệu thôi, còn lại tự xây. Mỗi ngày làm một ít. Cũng sắp xong rồi". Cũng nhờ nuôi lợn, Hồ Lòng gom góp vốn theo kiểu "lấy ngắn nuôi dài", đến nay gia đình anh đã trồng được 4ha keo, khoảng hơn 1 năm tuổi.

Ông Trần Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân khẳng định, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các chương trình dự án có ý nghĩa như là "bệ đỡ", giúp cho người dân ổn định đời sống, phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của bà con nơi đây. Trong khi nguồn lực của địa phương rất hạn chế, nếu như không có sự hỗ trợ này, thì chắc chắn đồng bào không làm gì được.

Rõ ràng các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại những kết quả to lớn. Thực tế tại các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số, có rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất được triển khai.

Thế nhưng, hiệu quả của một số mô hình mang lại chưa cao, chưa được nhân rộng trong đồng bào. Nhiều chương trình bị "khai tử" chỉ sau một thời gian thực hiện. Một cán bộ xã miền núi Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) không ngần ngại chia sẽ rằng, "chương trình, dự án nhiều thì nhiều thật, nhưng để đem lại hiệu quả thực tế và lâu dài cho bà con thì khó lắm".

Nguyên nhân thì có nhiều. Trong đó có 2 nguyên nhân cơ bản, đó là: nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, và vai trò "tiếp sức", tuyên truyền, vận động để nhân rộng các mô hình sau khi triển khai thí điểm thành công chưa được chính quyền địa phương quan tâm. Điều đó dẫn đến nhiều mô hình, chương trình, dự án không phát huy được hiệu quả.

Dương Công Hợp