.

Ngư Hóa: Khởi sắc nhờ đẩy mạnh trồng rừng kinh tế

Thứ Tư, 28/10/2015, 08:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Với đặc thù phần lớn diện tích chủ yếu là đất rừng, thế nhưng, mãi đến những năm gần đây, xã Ngư Hoá (huyện Tuyên Hoá) mới tập trung khai thác thế mạnh để trồng rừng kinh tế. Hướng đi này bước đầu đã góp phần rất tích cực cho địa phương trong việc xoá đói giảm nghèo, tạo thêm cơ hội việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để hướng đi này thực sự trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế thì Ngư Hoá đang rất cần sự hỗ trợ của nhà nước về hạ tầng giao thông...

 

Một tuyến đường bê tông hiếm hoi ở trung tâm xã Ngư Hoá hôm nay.
Một tuyến đường bê tông hiếm hoi ở trung tâm xã Ngư Hoá hôm nay.

Chúng tìm đến xã miền núi rẻo cao Ngư Hoá vào những ngày mưa cuối tháng 10-2015. Đã hơn 5 năm trở lại với mảnh đất nằm heo hút, tách biệt ở phía thượng nguồn sông Gianh, thế nhưng con đường dẫn vào trung tâm xã Ngư Hoá vẫn gập gềnh, lầy lội, gian nan như trước.

Hẳn nhiều người đã biết, muốn đến Ngư Hoá, không cách nào khác là buộc phải chọn một trong bốn phương án: thứ nhất, ngược ra đất Hà Tĩnh rồi vòng lại; thứ hai, cắt rừng trèo núi từ phía xã Quảng Hợp, Quảng Thạch (Quảng Trạch) để đi bộ vào; thứ ba, đi thuyền máy từ phía chân cầu Minh Cầm ngược lên phía thượng nguồn ngọn Rào Trổ lắm thác, nhiều gềnh đá; thứ tư, từ Quốc lộ 12A men theo ngọn Rào Trổ rẽ vào.

Nói chung, tuyến đường nào vào xã cũng xa ngái gập ghềnh và gian khó. Đường sá đi lại khó khăn và cách trở chính là nguyên nhân khiến cho Ngư Hoá khó lòng tiến kịp các địa phương khác của huyện Tuyên Hoá trên nhiều lĩnh vực. Và đây cũng chính là một trong số ít các xã hiện nằm trong tốp nghèo nhất ở huyện Tuyên Hoá... 

Ngư Hoá có địa hình rộng nhưng toàn đồi núi cao và dốc, đường sá đi lại khó khăn, đất sản xuất nông nghiệp ít ỏi, dân cư thưa thớt, sống phân tán... nên rất khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội. Có thời điểm, cũng chính vì kinh tế nghèo khó nên rất nhiều hộ dân trong xã đã ồ ạt kéo nhau vào miền Nam kiếm sống. Số bám trụ ở lại cũng lay lắt với mấy sào lúa và đất màu ít ỏi, bấp bênh, buộc phải sang tận đất Hà Tĩnh làm thuê.

Từ chủ trương của xã Ngư Hoá, năm 2003, một số hộ dân trong xã mạnh dạn đưa giống cây keo lai, bạch đàn về phủ xanh tại một số diện tích đất trống, đồi trọc trên địa bàn. Nhận thấy đây là một hướng phát triển kinh tế có nhiều hứa hẹn, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, các hộ dân Ngư Hoá đã học tập kinh nghiệm lẫn nhau và bắt đầu nhân rộng mô hình này.

Cho đến nay, cả xã Ngư Hoá đã trồng được gần 1.000 ha rừng keo lai, bạch đàn và cao su, dẫn đầu toàn huyện về diện tích rừng trồng (tính đến thời điểm này). Trong số diện tích rừng trồng nói trên, có hơn nửa diện tích đã bước sang lần trồng thứ 2 và đang sắp sửa đến kỳ thu hoạch tiếp theo...

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Ngư Hoá phấn khởi cho biết: Toàn xã hiện có 148 hộ, 502 nhân khẩu. Nếu chia đều toàn bộ số diện tích rừng trồng kinh tế cho các hộ dân ở xã thì chí ít mỗi hộ hiện cũng có trên 3 ha rừng trồng kinh tế. Đặc biệt, có nhiều hộ diện tích rừng trồng kinh tế lên tới hơn chục ha như: anh Lê Viết Cường, thôn 4 (chừng 15 ha); anh Thái Văn Thế, thôn 3 (khoảng 15 ha); Trương Văn Nhỏ, thôn 1 (trên 10 ha)... 

Đây chính là một lợi thế không hề nhỏ đối với những hộ dân ở xã nghèo miền núi rẻo cao này. Không ít hộ ở xã Ngư Hoá nhờ mạnh dạn đầu tư trồng rừng kinh tế mà xây được nhà cửa kiên cố, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền, sớm thoát nghèo và vươn lên khấm khá.

Kể từ khi đẩy mạnh trồng rừng, cơ hội về việc làm tại xã đã được nâng lên. Nhiều thời điểm, do nhân lực ở xã cung ứng không đủ, nhân dân buộc phải thuê thêm hàng trăm lao động khác ở ngoài địa phương. Từ chỗ hầu hết các hộ dân ở Ngư Hoá đều nằm trong diện nghèo và cận nghèo, đến nay cả xã chỉ còn khoảng 30% hộ nghèo; mức thu nhâp bình quân từ 4,8 triệu đồng/người/năm (năm 2010) được nâng lên 13 triệu đồng/người/năm (năm 2015).

Cũng chính nhờ đẩy mạnh trồng rừng, năm 2015, Ngư Hoá đã "thoát" khỏi diện xã có dưới 5 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới... Hiệu quả từ trồng rừng kinh tế bước đầu đã mang lại nhiều khởi sắc cho Ngư Hoá. Trên cơ sở đó, Đảng bộ xã đã đưa trồng rừng kinh tế vào Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 và xem đây là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã.       

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Phong tâm sự:  Đường sá đi lại khó khăn nên chi phí trồng rừng ở Ngư Hoá đã liên tục bị "đội sổ" từ khâu gieo trồng cho tới kỳ thu hoạch. Khi xuất bán 1 ha diện tích rừng trồng kinh tế, người dân trong xã nhẫm tính sẽ bị tổn thất chừng 30-40% so với mặt bằng chung. Nếu được cấp trên đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông, giá trị kinh tế rừng ở địa phương sẽ được nâng lên đáng kể...

Văn Minh