.

Bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi bản địa: Nền tảng cho bền vững sinh học tương lai

Thứ Năm, 10/09/2015, 10:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, việc duy trì khai thác và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa một cách hiệu quả, bền vững, vừa phục vụ cho phát triển kinh tế, vừa bảo tồn được nguồn gen quý, bảo đảm đa dạng sinh học đang là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặc dù tỉnh ta được tự nhiên ưu ái một số giống cây trồng, vật nuôi bản địa có chất lượng cao, như: cam mật Hiền Ninh, lợn khùa Minh Hóa..., nhưng vẫn còn đó nỗi lo về tình trạng suy thoái nguồn gen quý, năng suất, chất lượng sụt giảm và sự nhân rộng các mô hình sản xuất còn gặp nhiều hạn chế. Chính vì vậy, công tác bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi bản địa đang ngày càng được tỉnh ta quan tâm đầu tư và bước đầu có những bước tiến quan trọng.

Đề tài “Khai thác, phát triển nguồn gen cam mật Hiền Ninh, tỉnh Quảng Bình” bắt đầu được triển khai từ năm 2013 và kết thúc trong năm 2016. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tình, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, Chủ nhiệm đề tài, cam mật là giống cây ăn quả bản địa có chất lượng tốt, giá trị hàng hóa cao, có thương hiệu và vẫn đang được trồng ở một số địa phương trong tỉnh, như: Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch...

Tuy nhiên, do người dân không có hiểu biết nhiều về cây trồng và cây được trồng đi trồng lại qua nhiều thế hệ mà không được chọn lọc, phục tráng, cho nên cây đã thoái hóa, phân ly. Trên thực tế, qua điều tra cho thấy khoảng 80% diện tích cam mật có chất lượng trung bình đến kém, số cam này trồng phần lớn trên 15 năm, bị sâu bệnh, lũ lụt, mưa bão làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Bà con lại quen trồng theo phương pháp chiết cành, nhưng lại sử dụng cành chiết già, kém chất lượng.

Đáng chú ý, giống cam mật Hiền Ninh không chỉ là giống cây bản địa, mà còn là giống cây ăn quả có múi đặc sản, có hương vị đặc trưng thơm ngon, hấp dẫn, giàu tiềm năng phát triển kinh tế.

Cam mật Hiền Ninh là giống cây ăn quả có múi đặc sản, có hương vị đặc trưng thơm ngon, giàu tiềm năng phát triển kinh tế.
Cam mật Hiền Ninh là giống cây ăn quả có múi đặc sản, có hương vị đặc trưng thơm ngon, giàu tiềm năng phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tình khẳng định, bên cạnh mục tiêu bảo tồn, phát triển nguồn gen cam mật Hiền Ninh, đề tài còn hướng đến việc xây dựng vườn ươm sản xuất giống cam mật Hiền Ninh với quy mô 5.000 cây/năm, cung cấp cây giống cho các vùng trồng tập trung của tỉnh và các địa phương khác. Đồng thời, sẽ sản xuất hơn 1.000 cây giống cam mật chất lượng từ nguồn giống được tuyển chọn để xây dựng được 2 ha mô hình trồng mới giống cam mật Hiền Ninh chất lượng tốt, năng suất và hiệu quả sản xuất cao, làm cơ sở tham quan, khuyến cáo nhân rộng mô hình.

Sau hơn 3 năm triển khai, đề tài “Khai thác, phát triển nguồn gen cam mật Hiền Ninh, tỉnh Quảng Bình” đã mang lại những kết quả khả quan. Các nhà nghiên cứu đã hoàn thiện việc đánh giá bổ sung các đặc điểm nông sinh học và giá trị nguồn gen của giống cam mật Hiền Ninh.

Đồng thời, việc tuyển chọn cây đầu dòng và xây dựng các vườn giống sạch bệnh, chất lượng cao phục vụ sản xuất được triển khai hiệu quả với việc công nhận 8 cây đầu dòng, ứng dụng kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng tạo được 16 giống cây gốc sạch bệnh và xây dựng các vườn cây mẹ sạch bệnh từ giống cây đầu dòng...

Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện đề tài, theo bà Nguyễn Thị Thanh Tình, đó là giai đoạn đầu đi tìm giống cây cam mật Hiền Ninh thuần chủng, bởi đa phần cây đều bị thoái hóa, suy thoái. Bên cạnh đó, các nội dung nghiên cứu gặp nhiều khó khăn khi triển khai do kinh phí được cấp chậm hơn so với thực tiễn thực hiện công việc.

Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục sản xuất cây giống cam mật Hiền Ninh và triển khai các thí nghiệm phân bón, chất điều tiết sinh trưởng, phòng tránh một số đối tượng sâu bệnh hại chính và áp dụng quy trình canh tác trên giống cây cam mật Hiền Ninh, tiến tới xây dựng bộ chỉ dẫn địa lý làm cơ sở thương hiệu cho sản phẩm cam mật Hiền Ninh.

Ông Lê Hồng Viễn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh cho biết, vai trò và tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hiện tại, tỉnh ta mới triển khai duy nhất đề tài bảo tồn, phát triển nguồn gen cam mật Hiền Ninh, trong khi đó vẫn còn không ít giống cây trồng, vật nuôi bản địa khác đang rất cần được gìn giữ, phát huy hiệu quả.

Trong thời gian tới, kỳ vọng rằng sẽ có nhiều đề tài, chương trình, dự án liên quan đến bảo tồn, phát triển các giống vật nuôi, cây trồng bản địa ở tỉnh ta được triển khai, để vừa tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế, vừa bảo đảm đa dạng sinh học tương lai.

Mai Nhân