.

Rộn ràng Cửa khẩu Cha Lo

Thứ Bảy, 05/09/2015, 08:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Con đường 12A lên Cửa khẩu Cha Lo mùa này tấp nập xe cộ. Từ ngã ba Khe Ve lên Cha Lo mật độ xe vận tải qua lại khá dày đặc. Anh Nguyễn Văn Dinh, Phó ban đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình tại Cửa khẩu Cha Lo cho biết, vài ba năm lại đây lưu lượng hàng hóa và người qua lại Cửa khẩu Cha Lo ngày càng tăng cao, Cửa khẩu Cha Lo quanh năm tấp nập rộn ràng.

Một góc Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo.
Một góc Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo.

Với tính chất nghề nghiệp, mỗi năm tôi lên Cửa khẩu quốc tế Cha Lo vài lần nên có nhiều trải nghiệm trên cung đường 12A. Đây là tuyến đường mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần vào thăm Quảng Bình từng nói nó như kênh đào Xuy-Ê trên bộ, nối vùng đông bắc Thái Lan với Lào qua Cửa khẩu Cha Lo đến biển Đông. 

Buổi sáng, từ thành phố Đồng Hới, xe ô tô theo hướng đường Hồ Chí Minh đến ngã ba Khe Ve, ngoặt lên Cha Lo thẳng tiến... Đoạn đường từ ngã ba Khe Ve lên biên giới màu xanh của rừng keo lai đang dần bao phủ núi đồi. Dưới cái nắng của tiết trời khô hanh vùng biên giới rừng keo lai như càng xanh mướt hơn.

Trong chuyến đi này ngoài mấy anh em phóng viên của các cơ quan thường trú và Báo Quảng Bình còn có anh Nguyễn Văn Dinh, Phó ban đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình tại Cửa khẩu Cha Lo.

Chuyến đi này của chúng tôi đúng dịp kỷ niệm 70 Ngày truyền thống ngành Giao thông vận tải, dù không nói ra nhưng trong lòng chúng tôi ai cũng rạo rực khi được nghe lại bài hát “Đêm Cha Lo” phát ra từ chiếc loa của xe ô tô. Xe ô tô đưa chúng tôi qua các cung đường huyền thoại trên đường 12A này, mỗi tên đất, tên làng như Cổng Trời, Mụ Giạ, Bãi Dinh, Khe Ve, La Trọng, trận địa pháo phòng không của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân... gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc trong những ngày cả nước ra trận như hiện lên trong ký ức mỗi người.

Ở vào thời điểm ác liệt nhất của chiến tranh, khi Quốc lộ 1 và đường 15 bị chặn lại bởi dòng sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 và hàng rào điện tử Mắcnamara thì đường 12A lúc đó trở thành con đường thể hiện ý chí kiên cường của quân và dân miền Bắc đối đầu với không quân Mỹ để vận chuyển hàng hóa, khí tài, nhân lực ngược lên miền tây Quảng Bình vòng qua Lào rồi tiếp sức cho chiến trường miền Nam.

Ảnh 4 : Làm thủ tục xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
Ảnh 4 : Làm thủ tục xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

Ghé lại dâng hương lên Di tích đồi 37, tôi chợt nhớ lại câu chuyện kể của người nữ chính trị viên Đại đội 759 TNXP Trần Thị Thành về sự hy sinh anh dũng của các TNXP để thông đường cho xe ra mặt trận: “Tháng 5 năm 1965, 180 TNXP tuổi mười tám, đôi mươi của huyện Tuyên Hóa từ giã miền quê yêu dấu lên đường cứu nước rồi được biên chế trong đội hình C759 để bổ sung cho công trường 12A với nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên đoạn đường 10km từ Khe Cấy đến Bãi Dinh.

Trong những ngày “mưa bom, bão đạn” đó, dù cuộc sống vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng C759 vẫn kiên cường bám đường để “cho xe thẳng tới chiến trường” với ý chí đã trở thành bất tử”. Ngày 3-7-1966, máy bay Mỹ ném bom dữ dội, quả đồi bên đường 12A tại Km21 đổ ụp xuống vùi lấp bảy TNXP đang tránh bom bên dưới. Đồng đội đã nỗ lực cứu song không thành, cả bảy anh chị đã vĩnh viễn nằm lại dưới hàng nghìn mét khối đất đá. Từ đó, trong tâm thức đồng đội C759, quả đồi bên đường 12A mãi mãi mang tên Đồi 37 anh hùng.

Khó mà hình dung được một Cha Lo-một chấm nhỏ dưới chân dãy Giăng Màn quanh năm mờ sương thuở nào giờ đã nhộn nhịp, rộn ràng xe cộ qua về tấp nập. Anh Dinh dẫn chúng tôi một vòng quanh cửa khẩu và giới thiệu: Từ khi cầu Hữu Nghị nối tỉnh Khăm Muộn (Lào) với tỉnh Na-khôn-pha-nôm (Thái Lan), đường 12A trở thành cung đường ngắn nhất để hàng hóa từ vùng đông bắc Thái-lan  tới Việt Nam và xuất khẩu đi nước thứ ba. Năm 2014, Cha Lo đạt giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu với gần 1,7 tỷ USD, cao nhất trong số 10 cửa khẩu thông thương với nước bạn Lào. Bây giờ đường 12A được nâng cấp trở thành tuyến đường Xuyên Á nên phương tiện đi lại càng thuận lợi hơn.

Các dự án đầu tư hạ tầng tại Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu Cha Lo đã được đầu tư xây dựng hạ tầng tại khu trung tâm cửa khẩu, khu vực Bãi Dinh với các hạng mục chủ yếu như: san nền, đường giao thông nội vùng, kè, công trình cấp thoát nước, nhà làm việc liên ngành, quốc môn... và chuẩn bị khởi công mới Dự án hạ tầng khu phi thuế quan và các điểm dịch vụ KKT Cha Lo.

Tính đến nay, KKT Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã thu hút tổng cộng 10 dự án với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng. Hoạt động thu hút đầu tư hiệu quả cộng với hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại qua KKT Cửa khẩu quốc tế Cha Lo ngày càng khởi sắc, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đều qua từng năm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu qua KKT Cửa khẩu Cha Lo đạt 1,1 tỷ USD (tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2014)...

Nhộn nhịp trên tuyến đường 12A.
Nhộn nhịp trên tuyến đường 12A.

Với con số ấn tượng này, KKT Cửa khẩu quốc tế Cha Lo được đánh giá là KKT tăng trưởng năng động nhất trong cả nước so với các KKT có chung biên giới với nước Lào và hiện đang được các bộ, ngành Trung ương xem xét hoàn chỉnh để đưa vào danh mục các KKT trọng điểm quốc gia.

Bình quân mỗi ngày, Cửa khẩu Cha Lo đón hơn 350 lượt phương tiện qua lại. Nguồn hàng nhập về Cửa khẩu Cha Lo gồm thạch cao, quặng đồng, trái cây... từ Thái Lan và Lào. Hàng hóa xuất qua cửa khẩu là thiết bị điện tử, dệt may, hàng hóa nông nghiệp, than cám và vật liệu xây dựng. Nếu trước đây, chỉ những doanh nghiệp trong tỉnh thông quan qua Cha Lo thì nay cả doanh nghiệp của Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An và các tỉnh phía bắc, phía nam cũng mở tờ khai qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

Nhớ lại lần cuối năm 2014 chúng tôi đi cùng với Trưởng ban quản lý KKT Quảng Bình Phạm Văn Năm lên dự khởi công Dự án xây dựng kho ngoại quan tại KKT Cửa khẩu Cha Lo của Công ty Linfox Transport Quảng Bình. Ông Phạm Văn Năm tâm sự: Chúng tôi rất mừng là sau hơn 20 năm thành lập bây giờ Cửa khẩu quốc tế Cha Lo mới có dự án FDI đầu tiên. Linfox là doanh nghiệp vận tải hàng đầu thế giới tìm cơ hội đầu tư tại Cửa khẩu Cha Lo, chứng tỏ họ đã nhìn thấy được tiềm năng của vùng đất, của tuyến đường huyền thoại này. Sắp tới, Chính phủ Lào quyết định đầu tư hơn 200 triệu USD xây dựng đường ống dẫn dầu từ Cảng Hòn La (Quảng Bình) vượt dãy Trường Sơn qua tỉnh Khăm Muộn.

Những ai chưa từng đến Cha Lo xem ra vùng biên giới này có vẻ như xa xôi, cách trở, nhưng khi được tận mắt chứng kiến không khí rộn ràng, tấp nập của KKT cửa khẩu này sẽ cảm nhận được Cha Lo đang đổi thay khởi sắc qua từng ngày và không khỏi liên tưởng đến câu hát “biên giới sáng trong niềm vui mới vang vọng tiếng đoàn xe qua”...

Trọng Thái