.

Thương hiệu Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới

Thứ Tư, 26/08/2015, 11:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Đến nay gần tròn 10 năm Tuần Văn hóa- Du lịch (ban đầu với tên gọi Tuần Văn hóa) Đồng Hới định hình. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX xác định: “Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, coi trọng phát triển dịch vụ là lĩnh vực đột phá của nền kinh tế thành phố, trong đó phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”, ưu tiên mạnh cho lĩnh vực văn hóa, du lịch. Nhắc đến thành phố du lịch trẻ Đồng Hới, ngoài “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, du khách còn nhớ đến thương hiệu Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới tổ chức hàng năm.

Lễ hội diễu hành đường phố luôn có sự tham gia của hàng ngàn người.
Lễ hội diễu hành đường phố luôn có sự tham gia của hàng ngàn người.

Năm 2006, từ ý tưởng khá táo bạo của lãnh đạo thành phố Đồng Hới với mục đích tạo ra một “cú hích” mạnh cho du lịch phát triển, Tuần Văn hóa Đồng Hới ra đời. Có thể khẳng định, mặc dù quy mô chưa “hoành tráng” như bây giờ nhưng Tuần Văn hóa lúc đó trở thành một hoạt động văn hóa mang tính rộng lớn với nhiều nội dung, diễn ra nhiều nơi, trong cùng thời gian, mang tính quần chúng. Tuần Văn hóa thường gắn với những ngày lễ trọng đại của đất nước, dịp kỷ niệm, sự kiện lớn của tỉnh và thành phố, hay gắn liền với khai trương mùa du lịch mới...

Cho đến năm 2010, sau 4 năm tổ chức Tuần Văn hóa, thành phố Đồng Hới khẳng định được tính hiệu quả của sự  kiện này. Tuần Văn hóa góp phần khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa, tôn vinh những nét đẹp truyền thống của người Đồng Hới từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần. Tuần Văn hóa tạo điều kiện phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, giúp nhân dân giao lưu, hưởng thụ các giá trị văn hóa đồng thời quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch Đồng Hới.

Tuần Văn hóa thực sự tạo ấn tượng đẹp đối với du khách trong nước và quốc tế, thu hút lượng khách du lịch đến Đồng Hới ngày càng nhiều, thời gian lưu trú càng dài, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tạo động lực thúc đẩy dịch vụ, du lịch phát triển. Lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm 16,7%, ngoài yếu tố “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” còn có sự đóng góp của Tuần lễ Văn hóa Đồng Hới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục: nội dung hoạt động chưa phong phú; cách thức tổ chức thiếu chuyên nghiệp, còn “cây nhà, lá vườn”; chưa tranh thủ được các nguồn ngoại lực, những thành phần kinh tế cùng tham gia; kinh phí đầu tư cho hoạt động quá eo hẹp, thời gian tổ chức không nhất quán; Tuần Văn hóa vẫn chưa đủ sức lôi cuốn du khách cùng tham gia vào các sự kiện...

Để Tuần Văn hóa trở thành hoạt động văn hóa tiêu biểu hàng năm, một nét đẹp văn hóa đặc trưng riêng của thành phố Đồng Hới; tổ chức quy mô, chủ động, mang tính chuyên nghiệp cao nhằm huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào hoạt động văn hóa - du lịch, tạo không khí vui tươi, sôi nổi, lành mạnh và thân thiện..., UBND thành phố đã chính thức xây dựng và thông qua đề án tổ chức các hoạt động trong Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới, gắn các hoạt động văn hóa với du lịch.

Tháng 12-2011, HĐND thành phố Đồng Hới ban hành Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND thông qua đề án với tên gọi Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới. Từ đây mục tiêu, thời gian, nội dung hoạt động... của Tuần Văn hóa - Du lịch được xác định: là một hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc trưng, “riêng có” hàng năm của thành phố nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa; quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch Đồng Hới, thu hút du khách, kích cầu và xúc tiến phát triển du lịch; huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch hàng năm. Thời gian tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới hàng năm đúng vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động 1-5.

Giai đoạn 2011- 2015, cùng với các điểm đến như du lịch hang động, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh... thương hiệu Tuần Văn hóa- Du lịch gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; quy hoạch đô thị; xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng... góp phần sớm đưa thành phố Đồng Hới trở thành đô thị loại II, một địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch thuộc vùng duyên hải miền Trung, trong nước và quốc tế, có dịch vụ du lịch phát triển mạnh, là thành phố biển thân thiện, giàu đẹp, văn minh.

Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới  giai đoạn 2011-2015 có thể nói được tổ chức quy mô, hoành tráng, mang đậm dấu ấn đa sắc màu, đặc biệt nhân dân thành phố dần trở thành chủ thể trong tất cả các hoạt động. Tuần Văn hóa- Du lịch triển khai với những hoạt động chính: Lễ hội ẩm thực; lễ diễu hành đường phố; lễ hội múa bông chèo cạn; lễ hội đua thuyền truyền thống; giải bóng chuyền truyền thống nam và nữ; liên hoan Giai điệu thành phố Hoa Hồng; lễ giỗ Tổ Hùng Vương và chương trình nghệ thuật chào mừng Tuần Văn hóa -Du lịch.

Lễ hội ẩm thực mang chủ đề “Hương quê Nhật Lệ”, giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực, các sản phẩm du lịch biển, những món ăn đặc trưng của cư dân biển Quảng Bình. Quy mô lễ hội ẩm thực được mở rộng trong một không gian văn hóa trải dài từ Quảng trường biển Bảo Ninh đến khu vực biển Hải Thành, Nhật Lệ, Quang Phú... Lễ hội ẩm thực còn có sự tham gia của những món ăn đặc trưng đại diện cho các vùng miền trong tỉnh.

Lễ hội diễu hành đường phố với sự tham gia của hàng ngàn diễn viên, quần chúng nhân dân đến từ đội lân sư rồng thành phố, Trường đại học Quảng Bình; ca sỹ, diễn viên, người mẫu, nhà thiết kế hàng đầu trong nước. Người dân và các tổ chức đoàn thể, xã hội như Đoàn thanh niên, CCB, phụ nữ, người cao tuổi... của 16 xã, phường đã tạo nên một lễ hội đường phố đa sắc màu. Các đoàn diễu hành xuất phát ở 3 điểm: Trước Trường THPT Đào Duy Từ, ở tượng đài mẹ Suốt và công viên Nhật Lệ, gặp nhau tại ngã tư cầu Nhật Lệ, diễu hành qua cầu và kết thúc tại Quảng trường biển.

Du khách quốc tế hào hứng tham gia Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới năm 205.
Du khách quốc tế hào hứng tham gia Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới năm 205.

Tại Quảng trường biển, lễ hội múa bông chèo cạn tiếp nối, huy động các đội múa bông chèo cạn xã Bảo Ninh và CLB dân ca thành phố. Thông qua lễ hội múa bông chèo cạn giới thiệu cho du khách hiểu rõ hơn về văn hóa, tín ngưỡng truyền thống cư dân vùng biển Đồng Hới, cầu cho trời yên biển lặng, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu...

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tổ chức vào ngày 27- 4 (nhằm ngày 9-3 âm lịch), tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng, diễn ra tại Nhà truyền thống thành phố.

Chương trình nghệ thuật chào mừng Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới hàng năm truyền hình trực tiếp trên sóng QBTV, đây là một trong những điểm nhấn quan trọng của Tuần Văn hóa - Du lịch được dàn dựng công phu với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh cùng các hạt nhân văn nghệ quần chúng ở thành phố. Lễ hội đua thuyền truyền thống, tổ chức sáng ngày 30 - 4 trên sông Nhật Lệ với sự tham gia của trai bơi các xã, phường: Quang Phú, Bảo Ninh, Phú Hải, Hải Thành. Thành phố cũng đã đầu tư xứng đáng cho lễ hội đua thuyền truyền thống, đồng thời ghi nhận những đóng góp từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đối với hoạt động này.

Những hoạt động chính của Tuần Văn hóa - Du lịch thành phố kế tiếp nhau, diễn ra liên tục trong một không gian rộng, đậm chất văn hóa biển. Người dân thành phố Đồng Hới thực sự trở thành chủ thể các lễ hội truyền thống, mang lại hiệu ứng tốt, thu hút một lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, Tuần Văn hóa trước đây hay Tuần Văn hóa - Du lịch tiếp nối sau này có chiều dài gần 10 năm. Từ một ý tưởng ban đầu nay trở thành một sản phẩm du lịch, thương hiệu văn hóa, du lịch đặc trưng, riêng có của thành phố Đồng Hới, Tuần Văn hóa- Du lịch Đồng Hới sẽ tiếp tục phát huy, phát triển xứng tầm, là điểm nhấn quan trọng trong tuyến du lịch dọc con đường di sản miền Trung và hành lang kinh tế Đông-Tây.

Phan Xuân Luật
Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố