.

Tăng cường quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản

Thứ Hai, 13/07/2015, 08:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, việc quy hoạch, thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn được thực hiện khá tốt. Qua số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường hiện tại trên địa bàn có 164 điểm với 19 loại khoáng sản được phát hiện và đã đưa vào quy hoạch để khai thác. Tuy nhiên, để việc thăm dò, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời bảo vệ tốt môi trường cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, nhất là, tăng cường công tác kiểm tra yêu cầu doanh nghiệp nộp phí, ký quỹ phục hồi môi trường và phục hồi môi trường sau khi khai thác.

Theo kết quả khảo sát, thăm dò các mỏ và điểm mỏ được phát hiện trên địa bàn tỉnh hiện có 164 điểm, với tổng số 19 loại khoáng sản, tập trung 4 nhóm chính. Đó là nhóm khoáng sản nhiên liệu (than đá, than bùn); nhóm khoáng sản kim loại (sắt, chì, kẽm, vàng, titan, mangan... Nhóm khoáng sản không kim loại (đá vôi, đôlômít, sét gạch ngói, sét xi măng, caolin, pegmatit, cát thủy tinh, cát xây dựng, phốt pho rít, cuộn sỏi...). Nhóm nước khoáng nóng. Trong đó thế mạnh của Quảng Bình là đá vôi xi măng, đá sét xi măng, đá xây dựng có trữ lượng lớn, chất lượng tốt vào loại cao nhất cả nước.

Khai thác đá xây dựng trên địa bàn Quảng Ninh.
Khai thác đá xây dựng trên địa bàn Quảng Ninh.

Ngoài ra còn có các loại khoáng sản có trữ lượng vừa như kaolin, cát thủy tinh, sắt, vàng... Khoáng sản kim loại có nhiều loại quý như: vàng phát hiện ở Xà Khía (Lệ Thủy) và Khe Nang (Tuyên Hóa), titan phân bố dọc theo bờ biển, chì, kẽm... Khoáng sản phi kim loại có đá vôi trữ lượng lớn hàng tỷ tấn, cát thạch anh 30 triệu m3, kaolin 36 triệu tấn... Tỉnh ta có một số suối nước khoáng, đặc biệt suối nước khoáng Bang có nhiệt độ sôi 1050C, đang được đầu tư khai thác dùng làm nước uống và chữa bệnh...

Những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về khoáng sản. Thông qua công tác kiểm tra, Thanh tra sở đã hướng dẫn các tổ chức cá nhân thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục hành chính, các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Từ năm 2011 hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản có nhiều nội dung được quy định điều chỉnh của các văn bản mới ban hành. Các nội dung mới này đã được các Sở Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Xây dựng, Cục Thuế kịp thời hướng dẫn thực hiện. Nhờ vậy đã giúp doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về khoáng sản.

Trong 4 năm qua, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư công tác quy hoạch và thường xuyên tiến hành rà soát quy hoạch khoáng sản. Kết quả từ năm 2011 đến nay qua rà soát UBND tỉnh đã đưa ra khỏi quy hoạch 68 khu vực khoáng sản, bổ sung 5 khu vực. Hiện tại trên địa bàn chỉ còn 148 khu vực khoáng sản với diện tích 2.234,8ha.

Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản được tiến hành qua các bước theo quy định rất chặt chẽ. Tính từ thời điểm năm 2011 đến cuối năm 2014, trên địa bàn tỉnh ta đã cấp 87 giấy phép thăm dò khoáng sản, đã phê duyệt trữ lượng 83 giấy phép, đang thăm dò 4 giấy phép. Đối với những mỏ chưa được cấp phép khai thác đã được quản lý bảo vệ khá tốt, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng vi phạm khai thác mỏ khi chưa được cấp phép.

Trong lúc các địa phương trong khu vực xảy ra tình trạng người dân tự phát vào các khu vực mỏ vàng để đào đãi vàng, khai thác vàng trái phép gây mất trật tự, làm ô nhiễm môi trường và thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia. Thì, ở địa bàn tỉnh ta có mỏ vàng Xà Khía (Lệ Thuy), mỏ vàng Khe Nang (Tuyên Hoá) đã được chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng và cơ quan chức năng tăng cường quản lý, bảo vệ rất tốt, không để bất cứ người dân nào vào khu vực mỏ đào đãi vàng trái phép...

Trong 4 năm UBND tỉnh đã cấp mới, chuyển nhượng, gia hạn 147 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó qua đấu giá 3 mỏ (cát ở Tuyên Hoá); Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 10 giấy phép không qua đấu giá.

Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi quản lý giấy phép của các đơn vị được cấp phép khai thác khoảng sản. Tính đến ngày 31-12-2014 có 76 giấy phép đã hết hiệu lực, sở đã kịp thời thông báo dừng hoạt động khai thác khoáng sản của các đơn vị này, không có trường hợp nào vi phạm. Như vậy tại thời điểm đầu năm 2015, trên địa bàn chỉ còn 81 khu vực giấy phép còn hiệu lực.

Qua kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về tình hình quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn từ năm 2011 đến cuối năm 2014 cho thấy, việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã được cơ quan chức năng thực hiện theo quy định của pháp luật.

Việc phục hồi môi trường sau khai thác khoảng sản được các doanh nghiệp thực hiện khá nghiêm túc. Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên giám sát việc thực hiện phục hồi môi trường như san gạt mặt bằng, trồng và chăm sóc cây xanh. Đồng thời tăng cường quản lý, giám sát việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ. Tổng số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong 4 năm qua gần 6,5 tỷ đồng.

Công ty CP Xuất nhập khẩu đầu tư nhà máy chế biến quặng titan
Công ty CP Xuất nhập khẩu đầu tư nhà máy chế biến quặng titan

Từ năm 2011-2014, cơ quan chức năng đã tiến hành 05 đợt thanh tra và phối hợp thực hiện 7 đợt kiểm tra liên ngành. Kết quả đã xử lý nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân, xử phạt 119 trường hợp với số tiền 1,545 tỷ đồng. Điển hình như năm 2014, UBND tỉnh đã quyết định xử phạt 440 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác mỏ cát Bãi Rì Rì, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa thời hạn 6 tháng đối với Công ty TNHH Đức Toàn do khai thác không đúng thiết kế, không lập bản đồ hiện trạng mỏ, vượt công suất; thu hồi giấy phép khai thác mỏ cát san lấp Thọ Đơn, Quảng Thọ, Ba Đồn của Doanh nghiệp tư nhân khai thác vật liệu Cựu Chiến binh do khai thác vượt công suất, ngoài diện tích được cấp phép.

Tuy nhiên, nhìn nhận đánh giá một cách nghiêm túc việc đầu tư thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động khai thác chế biến khoáng sản còn một vài bất cập; các mỏ được đầu tư thăm dò khai thác còn ít, quy mô khai thác nhỏ lẻ, việc đầu tư dàn trải.

Đặc biệt tình trạng tổn thất trong khai thác, chế biến lớn, tình trạng mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường còn xảy ra. Việc sử dụng lao động chủ yếu là những người làm thuê dựa trên kinh nghiệm thực tế truyền nghề, không qua đào tạo chuyên môn, chưa thực hiện các quy phạm an toàn kỹ thuật khai thác mỏ, do vậy đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, nhất là khai thác đá xây dựng.

Một thực tế xảy ra là đa số các doanh nghiệp khai thác chưa chú trọng nhiều đến đầu tư chiều sâu công nghệ chế biến, chủ yếu sơ chế và bán khoáng sản thô dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao, gây lãng phí tài nguyên, thu nộp ngân sách cho Nhà nước chưa được nhiều. Đây chính là những vấn đề cốt yếu đặt ra cho công tác quản lý, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh trong giai đoạn tới.

Qua trao đổi với đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường được biết, để quản lý tốt tài nguyên khoáng sản và nhất là sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản phục vụ cho nền kinh tế tỉnh nhà, sở đang thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Đó là nâng cao chất lượng quy hoạch khoáng sản, quy hoạch khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Việc khai thác và sử dụng khoáng sản cần coi trọng tính hiệu quả, hạn chế tối đa việc bán nguyên liệu thô ra ngoài tỉnh. Cần áp dụng công nghệ tiên tiến trong cả 3 khâu: khai thác, chế biến và vận chuyển khoáng sản nhằm giảm thiểu tác động môi trường, bảo đảm an toàn lao động và nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản...

Trọng Thái