.

Thoát nghèo từ sản xuất cây giống

Thứ Năm, 25/06/2015, 08:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, nghề ươm cây giống đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân ở hai xã Quảng Trường, Quảng Liên (huyện Quảng Trạch). Từ những vườn ươm, hàng triệu cây giống được xuất bán góp phần mang lại màu xanh cho rừng và cũng giúp người dân nơi đây nâng cao thu nhập, vững bước trên con đường thoát nghèo...

Nghề ươm cây giống lâm nghiệp ở Quảng Trường, Quảng Liên được hình thành từ những năm 1995 đến nay. Với đặc thù của địa phương là vùng đất gò đồi, lại có sẵn nguồn nước dồi dào nên nghề ươm cây giống lâm nghiệp từ lâu đã gắn bó và trở thành nghề chính của nhiều hộ dân nơi đây. Năm nay mặc dù thời tiết nắng gắt kéo dài, nhưng những vườn ươm vẫn xanh mướt nhờ được chăm sóc, tưới tiêu hợp lý. Hiện đang là mùa xuất bán, khắp các vườn ươm nằm trải dọc theo quốc lộ 12A, bà con hối hả thu gom, vận chuyển cây giống để bán cho khách hàng.

Bên chân ruộng, ông Nguyễn Thanh Long (51 tuổi, ở thôn Hạ Trường, xã Quảng Trường) cho biết,  vụ cây năm nay, gia đình ươm 7 sào cây giống (mỗi sào 500m2), ước tính khoảng hơn 65 vạn cây các loại như bạch đàn, huê, keo tai tượng... Từ đầu vụ, ông Long đã chủ động đầu tư xây đường ống phun tưới nước tự động, mua thêm máy phát điện, máy làm đất, xây thêm máy lọc nước nên mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng cây giống vẫn phát triển xanh tốt. "Nếu thuận lợi sau khi xuất bán, trừ chi phí cũng lãi được 80-100 triệu đồng", ông Long phấn khởi chia sẻ.

Nghề ươm cây giống đã giúp nhiều hộ gia đình ở 2 xã Quảng Trường và Quảng Liên thoát nghèo.
Nghề ươm cây giống đã giúp nhiều hộ gia đình ở 2 xã Quảng Trường và Quảng Liên thoát nghèo.

Trước đây, những hộ làm vườn ươm ở Quảng Trường thường áp dụng kỹ thuật ươm gieo hạt, nhưng gần đây bà con dần chuyển sang hình thức giâm cành với đặc tính phát triển nhanh, lợi gỗ, ít bị đổ gãy khi mưa bão. Nhiều hộ dân cũng mạnh dạn vay vốn mở rộng quy mô vườn ươm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào quá trình chăm sóc, vì vậy cây giống rất được thị trường ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ kéo dài từ Nghệ An vào đến Thừa Thiên-Huế.

Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Trường cho biết, cả xã hiện có gần 40 hộ làm nghề ươm cây giống với diện tích gần 3 ha chủ yếu là trồng keo, tràm, bạch đàn, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 15 triệu cây giống, góp phần nâng cao thu nhập đáng kể cho người dân. Những vườn ươm cây giống của bà con đã góp phần mang lại màu xanh cho rừng, đồng thời giúp người dân có thêm thu nhập. Trong những năm qua, chính quyền xã Quảng Trường đã hướng dẫn bà con trồng thêm một số cây giống mới như huê, trầm gió, keo giâm cành... nhằm đáp ứng như cầu của thị trường dễ tìm đầu ra cho cây giống.

Từ nghề ươm cây giống, nhiều hộ gia đình  đã vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu ngay trên chính trên mảnh đất quê hương. Chúng tôi đến thăm ngôi nhà hai tầng xây dựng khang trang của vợ chồng anh Phạm Xuân Hùng, ở xã Quảng Liên. Anh Hùng cho biết, trước đây, gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên điều kiện kinh tế khó khăn, xoay qua nhiều nghề cũng không thoát được nghèo.

Năm 1997, vợ chồng anh Hùng mạnh dạn xin đấu thầu vùng đất hoang nơi triền đồi để làm nghề ươm cây giống. Những ngày đầu khi mới làm, vợ chồng cũng gặp nhiều khó khăn khi nguồn vốn còn khiêm tốn, kinh nghiệm, kỹ thuật còn thiếu... Đặc biệt, khi cây giống đã ươm lên xanh tốt nhưng không tìm được đầu ra.  “Vất vả rồi cũng qua, vợ chồng chịu khó nên mới có ngày nay”, anh Hùng chia sẻ.

Hiện tại, mỗi năm vườn ươm cây giống của vợ chồng anh Hùng cho xuất bán 4 lứa, mỗi lứa khoảng từ 60 - 70 vạn cây giống các loại. Ngoài ra, gia đình anh còn thu mua cây giống của bà con trong xã để cung cấp cho các mối hàng quen thuộc. “Mỗi năm trừ chi phí, gia đình cũng thu nhập được khoảng 150 - 200 triệu đồng. Nhờ đó mà vợ chồng xây được nhà, các con được học hành đến nơi đến chốn”, chị Trần Thị Cúc, vợ anh Hùng cho biết.

Không chỉ có gia đình anh Hùng, những năm qua, nhiều hộ gia đình ở xã Quảng Trường, Quảng Liên đã vươn lên làm giàu từ mô hình vườn ươm cây giống lâm nghiệp. Tiêu biểu như hộ ông Phạm Văn Thường, Phạm Văn Huấn, Nguyễn Thanh Long... (xã Quảng Trường) hay như hộ ông Nguyễn Ngọc Quang, Mai Văn Dũng (xã Quảng Liên) thu nhập mỗi năm từ 100 - 150 triệu đồng.

Mặc dù nghề ươm cây giống đã giúp người dân ở hai xã Quảng Trường, Quảng Liên vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Nhưng hiện tại, theo chia sẻ của bà con thì giá cây giống thấp hơn so với mọi năm. “Những năm trước đây, giá bán 1 vạn cây keo từ 3-5 triệu đồng, nhưng năm nay, giá chỉ còn 1,2-1,5 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu bởi người trồng rừng đã tự chủ được khâu sản xuất cây giống”, chị Nguyễn Thị Tú, ở thôn 9, xã Quảng Liên cho biết.

X.Phú-N.Hải