.

Sản xuất vụ hè-thu: Thiếu nước nghiêm trọng

Thứ Tư, 10/06/2015, 07:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản xuất vụ hè-thu năm nay hết sức khó khăn, nhất là các địa phương phía bắc. Theo số liệu báo cáo từ các địa phương, đến thời điểm đầu tháng 6, có khoảng 2.200 ha đất trồng lúa và trồng màu vụ hè-thu không thể canh tác được do thiếu nước.

Trong 30 năm lại đây chưa có năm nào hạn hán lại xảy ra trên diện rộng và gay gắt như vụ hè - thu năm nay. Từ cuối năm 2014 đến nay, lượng mưa không đáng kể, chỉ xấp xỉ bằng 60% so với cùng kỳ. Hầu hết các hồ đập đều cạn kiệt nước, sông suối khô cạn, đã ảnh hưởng đến nước sản xuất và nước sinh hoạt ở nhiều vùng trong tỉnh.

Theo kết quả khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh, các hồ chứa nước do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và các hồ đập do địa phương quản lý đa số đều bị thiếu nước, dung tích đạt từ 50-70% dung tích thiết kế.

Theo kế hoạch vụ hè-thu năm 2015, trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ triển khai gieo trồng trên 16.000ha lúa, khả năng bảo đảm tưới ổn định cho cả vụ đạt khoảng 14.100ha, nguy cơ thiếu nước cuối vụ chừng 580ha, diện tích không có nước sản xuất ngay từ đầu vụ hơn 1.300ha...

Hầu hết các kênh mương ở Quảng Trạch bị cạn nước.
Hầu hết các kênh mương ở Quảng Trạch bị cạn nước.

Theo ông Phạm Đình Phẩm, Trưởng chi nhánh Thủy nông Quảng Trạch cho biết: Công trình thủy lợi Vực Tròn có diện tích lưu vực khoảng 110km2, dung tích hồ 52.800.000m3 nước, với hệ thống kênh chính bắc và kênh chính nam có chiều dài 40km đi qua 8 xã, phường của huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn: Quảng Châu, Quảng Kim, Quảng Tùng, Quảng Hưng, Quảng Xuân, Quảng Long, Quảng Thọ, Quảng Phúc. Trong đó, tuyến kênh qua xã Quảng Xuân có chiều dài 5km.

Ngoài hệ thống kênh chính thì công trình thủy lợi Vực Tròn còn có hàng chục hệ thống các kênh phụ được đấu nối trực tiếp để phục vụ tưới tiêu nội đồng cho các địa phương. Hàng năm, công trình này cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho khoảng 1.300ha diện tích lúa vụ đông - xuân, hè - thu và nguồn nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân của 8 địa phương nói trên.

Riêng vụ hè - thu này lượng nước từ công trình thuỷ lợi Vực Tròn chỉ đủ cung cấp nước tưới cho khoảng 1.000ha lúa, các diện tích cuối nguồn nước không thể canh tác được. Báo cáo sơ bộ từ các xã trong huyện Quảng Trạch, đầu vụ hè - thu đã có gần 1.000ha lúa và hoa màu bị bỏ hoang do thiếu nước và tình trạng khô hạn kéo dài sẽ có thêm hàng trăm ha nữa nằm trong tình trạng chung là không thể canh tác được.

Các hồ thuộc Quảng Trạch hiện nay hầu hết không đạt dung tích thiết kế, trong đó nhiều hồ chứa đạt dưới 45% dung tích thiết kế như: Hồ Khe Chù (xã Cảnh Hóa) 38%; Vân Tiền, Nước Sốt (xã Quảng Lưu) 44%; hồ Đồng Vạt (xã Quảng Phương) 42%...

Đối với thị xã Ba Đồn, gần một tháng qua, nước sông Rào Nan đang sụt giảm nghiêm trọng do thời tiết hạn hán nên trạm bơm Rào Nan rất khó vận hành. Nhiều đơn vị cung cấp nước tưới tiêu cuối nguồn như: xã Quảng Tiên, HTX Vĩnh Phước (xã Quảng Lộc), xã Quảng Văn vẫn chưa đủ nước tưới, trong đó có 100 ha lúa hè-thu, chiếm 60% diện tích của bà con nông dân đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Công Danh, Trạm trưởng Trạm thủy nông Rào Nan cho biết: Hiện nay, trạm đang quản lý, vận hành 3 máy bơm có công suất 3.800m3/giờ; 10 máy bơm có công suất 1.000m3/giờ; gần 13 km các kênh chính và 50 km kênh cấp 1 liên xã. Bình thường mức nước Rào Nan xấp xỉ 700-1.000cm. Tuy nhiên vụ này mức nước chỉ đạt 25-30cm nên các máy bơm lớn phải ngừng hoạt động, chỉ sử dụng máy bơm công suất 1.000m3/h. Lượng nước bơm từ sông lên kênh chính chỉ đủ tưới nhỏ giọt cho diện tích lúa đầu nguồn, còn khoảng 700ha đất lúa và hoa màu của các xã cuối nguồn nước Rào Nan bị khô hạn chưa biết đến bao giời mới đưa vào canh tác được.

Khu vực hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ tuy hạn hán không gay gắt như khu vực các huyện phía bắc, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng. Đối với huyện Lệ Thuỷ vụ hè-thu này sản xuất 9.600ha lúa và các loại hoa màu, trong đó 85% diện tích lúa tái sinh. Thời điểm này lúa tái sinh chuẩn bị làm đồng nhưng do nắng nóng kéo dài nên hầu hết lúa tái sinh phát triển chậm và bị quắt queo, khô lá. Nếu nắng nóng kéo dài thêm 15 ngày nữa, sẽ có nhiều diện tích lúa hè - thu không thể trổ đồng, nguy cơ bị mất trắng hoặc giảm mạnh năng suất. Ngoài ra có gần 500 ha khoai lang, đậu cũng bị nắng cháy không phát triển được...

Địa bàn huyện Quảng Ninh có thuận lợi hơn so với các điạ phương trong tỉnh, nhờ có nước hồ Rào Đá. Vụ hè - thu này Quảng Ninh gieo cấy được 3.000 ha, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, không có diện tích bỏ hoang.

Đặc biệt các xã Vạn Ninh, An Ninh... nhờ có nước Rào Đá nên nông dân hạn chế sản xuất lúa tái sinh, mà đưa các giống lúa ngắn ngày vào canh tác. Ngay từ đầu vụ hè - thu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp huyện đã phối hợp các đơn vị cung ứng giống chuẩn bị đầy đủ các loại giống ngắn ngày, chủ lực như: QR1, SV181, P6 đột biến, PC6, KD18... để phục vụ nhân dân sản xuất kịp thời, bảo đảm chất lượng. Huyện Quảng Ninh có chính sách hỗ trợ 10.000 đ/kg đối với giống lúa P6 đột biến cho nông dân. Nhờ cach tác các giống cực ngắn này nên các chân ruộng sâu sẽ thu hoạch trước 25-8, nhằm tránh được lũ lụt cuối vụ, vừa tránh được nạn chuột di cư phá hại.

Để đối phó với tình trạng thiếu nước, khô hạn xảy ra ở mức độ nghiêm trọng trên diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động triển khai các biện pháp chống hạn hán ngay từ đầu vụ sản xuất. Đối với các hồ đập do các địa phương quản lý, sở yêu cầu chủ động kiểm tra, cân đối nguồn nước hiện có tại các hồ chứa thủy lợi, các ao đầm tự nhiên, để chủ động bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên nước cấp sinh hoạt của nhân dân. Xây dựng phương án cấp nước sinh hoạt cụ thể đối với từng vùng; đặc biệt chú trọng đến các vùng khó khăn (miền núi, ven biển) để phục vụ đời sống nhân dân.

Tr.T