.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng thuỷ sản

Thứ Sáu, 05/06/2015, 08:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, các ngành chức năng và các địa phương trên toàn tỉnh đã tích cực khuyến cáo, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào sản xuất, đặc biệt là sử dụng chế phẩm sinh học một cách rộng rãi trong nuôi tôm như:  EM, Probiotic, Prebiotic... nhằm xử lý môi trường ao nuôi thay thế việc xử lý bằng hóa chất; các loại chế phẩm sinh học bổ sung men đường ruột để hỗ trợ tiêu hóa giảm hệ số thức ăn, nâng cao sức đề kháng phòng trừ dịch bệnh.

Một số cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn như Công ty CP Đức Thắng, Thanh Hương, Công ty TNHH Hưng Biển đã đầu tư nuôi tôm trên cát áp dụng công nghệ hiện đại, sử dụng nhiều quy trình nuôi tôm tiên tiến như: quy trình Bio-floc; quy trình ít thay nước sử dụng chế phẩm sinh học; quy trình ion Ag+bước đầu đã có những kết quả khả quan.

Người dân ứng dụng công nghệ sinh học vào mô hình nuôi tôm ở phường Phú Hải (TP. Đồng Hới).
Người dân ứng dụng công nghệ sinh học vào mô hình nuôi tôm ở phường Phú Hải (TP. Đồng Hới).

Đồng thời chủ động sản xuất giống các loại cá truyền thống: mè, trắm, chép, cá rô phi... và chuyển đổi giới tính cá rô phi toàn đực bằng hoóc-môn 17MT; đưa vào sản xuất các giống thuỷ sản mới có hiệu quả kinh tế chất lượng cao như: cá lăng chấm, cá bỗng. Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình đã xây dựng và đưa vào sản xuất giống tôm thẻ chân trắng áp dụng CNSH an toàn dịch bệnh để cung ứng cho thị trường trên 1 tỷ con giống/năm có chất lượng cao cho người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, CNSH được ứng dụng chủ yếu là CNSH truyền thống, trong khi đó lĩnh vực CNSH hiện đại thì phần lớn các cơ sở sản xuất chưa đủ điều kiện để ứng dụng, cũng như chưa có sự nối kết bền vững giữa cơ quan nghiên cứu về CNSH với các nhà máy, cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, việc phát triển và ứng dụng CNSH chưa có bước đột phá mạnh, còn thụ động, manh mún, không tương xứng với tiềm năng của tỉnh và chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất và đời sống.

Ngoài ra, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH còn thiếu thốn và lạc hậu; đội ngũ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực CNSH còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đặc biệt chưa có cán bộ có trình độ cao để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH về công nghệ gen, công nghệ cấy phôi, trong khi đó thông tin về CNSH chưa được quan tâm phổ biến rộng rãi và thường xuyên.

T.M.Văn