.

Rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap: Hành trình từ nhà ra chợ

Thứ Tư, 24/06/2015, 08:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở thành phố Đồng Hới, nhắc đến thương hiệu rau sạch, mọi người dễ liên tưởng đến xã Bảo Ninh. Về Bảo Ninh hỏi rau sạch được trồng ở đâu, cả trăm người nhất nhất chỉ ra thôn Cừa Phú. Chính vùng đất đầy nắng, gió, cát Cừa Phú, lần đầu tiên người trồng rau làm quen với khái niệm “chuẩn VietGap”. Thành phố Đồng Hới bây giờ, rau sạch VietGap đã được quy hoạch khoảng 8,7ha. Nhưng hành trình rau sạch VietGap từ nhà ra chợ là cả câu chuyện dài.

 

Giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGap cho vùng rau sạch thôn Đức Hoa, xã Đức Ninh.
Giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGap cho vùng rau sạch thôn Đức Hoa, xã Đức Ninh.

Rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap-Tín hiệu vui

Tổ hợp tác sản xuất rau sạch thôn Cừa Phú thành lập từ năm 2012 với 8 hộ dân tham gia. Tổ hợp tác chủ yếu sản xuất các loại rau, củ, quả sạch như: cà chua, hành lá, đậu cô ve, mướp đắng, bí ngồi, các loại cà...

Thực ra chuyện người dân thôn Cừa Phú trồng rau sạch đã có từ lâu. Tận dụng những khe nước sạch từ cát chảy ra, bà con chịu khó kỳ công bóc hết lớp cát đi, mua đất thịt, ủ phân xanh thật hoai trộn đều thả xuống, phủ cát lên lại và trồng. Lạ! Rau trên cát, gặp nguồn nước không ô nhiễm, tốt bời bời, chất lượng bảo đảm. Nguồn rau Bảo Ninh đưa ra thị trường bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Ngày 24-2-2014, sau một quá trình theo dõi, kiểm tra nghiêm ngặt quy trình trồng rau sạch tại thôn Cừa Phú, Công ty CP. chứng nhận GloblCert chính thức cấp giấy chứng nhận rau sạch Bảo Ninh theo tiêu chuẩn VietGap. Chị Nguyễn Thị Xử, Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất rau Cừa Phú cho biết: “Khi cam kết trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap, các hộ thành viên phải tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các qui định về quá trình trồng, từ lựa chọn nguồn giống, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đến quy trình thu hoạch, bảo quản... Tiêu chí đặt lên hàng đầu là nguồn rau phải an toàn, có xuất xứ rõ ràng”.

Tín hiệu vui đối với Tổ hợp tác sản xuất rau Cừa Phú khi quầy rau sạch của họ tại chợ Đồng Hới thường xuyên bị cháy hàng. Từ thành công ban đầu, UBND xã Bảo Ninh khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng rau sạch. Kết quả toàn xã đã có 6 ha, sản lượng cung cấp ra thị trường bình quân hàng năm khoảng 600 tấn.

Tiếp theo thôn Cừa Phú, UBND xã Đức Ninh vận động 45 hộ dân thôn Đức Hoa chuyển đổi từ phương thức trồng rau truyền thống sang trồng rau sạch tiêu chuẩn VietGap. Ngày 28-1-2015, Công ty CP. chứng nhận GloblCert cũng chính thức công nhận Tổ hợp tác sản xuất rau Đức Ninh có quy trình sản xuất, sơ chế tại đồng ruộng phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn. Như vậy, với diện tích 2,7ha, sản lượng thu hoạch 60 tấn từ Tổ hợp sản xuất rau Đức Ninh, thành phố Đồng Hới có thêm một nguồn cung cấp rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.

Chúng tôi theo chân anh Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Ninh về thăm các mô hình rau sạch tại thôn Đức Hoa. Anh Giang cho biết: “Với tiêu chuẩn VietGap, mỗi hộ gia đình tham gia trồng rau cho thu nhập bình quân 20 triệu đồng/vụ. Nhưng trồng rau khác biệt với các loại cây trồng khác, nếu nguồn nước cung cấp đầy đủ, thì sẽ luân canh thường xuyên, không cho đất nghỉ trên một đơn vị diện tích, vì thế hiệu quả kinh tế rất cao. Tạo công ăn việc làm cho người lao động ổn định quanh năm”.

Ông Hoàng Văn Lự, thôn Đức Hoa xây dựng gia trại trên diện tích khoảng 5.000m2 chủ yếu chăn nuôi heo, ngan, gà, vịt và trồng rau... Bàn về chuyện trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap, ông Lự phấn khởi: “Tôi từng tham gia học lớp kỹ thuật sơ cấp trồng rau hồi còn ở huyện Lệ Ninh cũ.

Cũng có thâm niên trên 15 năm trồng rau. Sản xuất rau theo VietGap đòi hỏi bà con chúng tôi phải tuân thủ đúng quy trình đã lập trình sẵn, trong đó hạn chế tối đa việc dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Nói cho dễ hiểu là trồng rau VietGap vừa an toàn cho người nông dân trực tiếp sản xuất vừa an toàn cho người sử dụng hàng ngày”.

Quy hoạch vùng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap.
Quy hoạch vùng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap.

Hành trình từ nhà ra chợ

Thực tiễn chứng minh các mô hình rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap thể hiện sự vượt trội đối với các loại rau sản xuất theo kiểu truyền thống; cho hiệu quả kinh tế cao đối với người sản xuất và độ an toàn với người sử dụng. Tuy nhiên hành trình từ nhà ra chợ, đến tận tay người tiêu dùng vẫn còn là một câu chuyện dài.

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Ninh Nguyễn Trường Giang chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là đầu ra cho rau tiêu chuẩn VietGap. Tâm lý người tiêu dùng vẫn dĩ hòa vi quý, chuộng rẻ,  ra chợ thấy rau quả gì ưng ý thì mua thứ đó cho dù không biết nguồn gốc xuất xứ. Mặt khác, thị trường vẫn còn lẫn lộn giữa rau an toàn với rau sản xuất theo kiểu truyền thống, và giá cả rau an toàn có giá cao hơn. Nếu cung cấp cho các chợ đầu mối như kiểu làm từ trước đến nay và mạnh ai nấy chạy thì rau theo tiêu chuẩn VietGap vẫn chịu lép vế nhiều”.

Ông Trương Diệu Khiêm, Trưởng phòng Kinh tế, UBND thành phố Đồng Hới cho biết: “Từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất giai đoạn 2011-2015, UBND thành phố khuyến khích nhân dân ở những địa phương có điều kiện thuận lợi nên trồng rau theo hướng này. UBND thành phố ưu tiên 2 gian hàng tại chợ Đồng Hới cho 2 Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Cừa Phú và Đức Hóa đến buôn bán, giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên vì là mô hình mới nên đầu ra không tránh khỏi khó khăn”.

Chúng tôi có dịp đến tham quan tại 2 gian hàng này, và cảm nhận được ngay sự bất cập. Không gian bán hẹp, nhu cầu đầu vào nhiều, lượng rau tập trung đến quầy lớn nhưng mỗi ngày chỉ giao cho mỗi hộ đứng bán, cứ thế mà luân phiên... chính vì thế tính quảng bá cho thương hiệu rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap cũng bị bó hẹp lại.

“Người trồng rau phải tìm giải pháp khác để bán được sản phẩm của mình. Dân trong làng sáng tinh sương chất rau lên hai sọt lớn rồi chia nhau tỏa ra các chợ đầu mối để bán. Nếu các cấp chính quyền đứng ra làm chủ khâu gắn kết, giới thiệu, tìm đầu ra cho nguồn rau an toàn mà chúng tôi đang trồng, thì mới mong được tính bền vững”, ông Hoàng Văn Lự chia sẻ.

Để tìm hướng tiêu thụ cho rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, duy trì, phát triển vùng trồng rau sạch, UBND thành phố trong thời gian tới sẽ làm nhịp cầu nối giữa người trồng rau và chuỗi hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán ăn... và sau này là hệ thống siêu thị, sao cho từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ đồng bộ và khép kín. Có như vậy, thương hiệu rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap mới có cơ hội phát triển mạnh trong tương lai - Một đồng chí lãnh đạo UBND thành phố Đồng Hới cho biết.

Thanh Long