.

Nông sản Việt trước hội nhập: Tái cơ cấu, hướng tới xuất khẩu

Thứ Ba, 16/06/2015, 17:05 [GMT+7]

Trước sự thay đổi lớn do hội nhập cùng thị trường thế giới, để hàng hóa Việt Nam có thế đứng bền vững, nhiều ý kiến cho rằng phải sử dụng các rào cản với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Nông dân
Nông dân "vựa vải" dầm mưa, đôn đáo tìm nơi tiêu thụ sản phẩm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp lâu dài và chính yếu vẫn là tái cơ cấu lại toàn ngành nông nghiệp theo hướng đầu tư vào chất lượng, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tái cơ cấu đồng bộ ngành nông nghiệp

Trước sức ép cạnh tranh, cả doanh nghiệp và người nông dân đều phải chuẩn bị tâm lý để tham gia "cuộc chơi." Nhiều ý kiến cho rằng, tăng năng suất, tăng sản lượng có thể mang lại lợi nhuận cao. Nhưng khi thị trường nông sản thế giới cung đang vượt cầu, việc gia tăng sản lượng sẽ khiến người nông dân càng thua lỗ.

Trong những năm qua, diện tích sản xuất lúa của Việt Nam liên tục tăng cả về diện tích và năng suất. Năm 1990, cả nước có 6 triệu ha đất trồng lúa, với năng suất đạt 3,1 tấn/ha. Đến năm 2011, diện tích tăng lên 7,65 triệu ha, với năng suất khoảng 5,53 tấn/ha nhưng lợi nhuận của nông dân không tăng lên theo diện tích hoặc năng suất. Mặt khác, lợi nhuận trên cây lúa mang lại không cao so với nhiều loại cây trồng khác.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, người nông dân muốn có thu nhập cao hơn cần sản xuất những loại cây giá trị cao, trong đó bao gồm cả cây lúa. Với cây lúa, dù nông dân thu lãi 30% nhưng vẫn không mang lại thu nhập cao hơn so với loại cây trồng khác. Vấn đề hiện nay không còn lo lắng cho an ninh lương thực nước nhà, mà chính là lo cho người nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chính vì vậy, trong năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp không đơn thuần là chuyển tỷ lệ trồng cây này sang cây khác, nuôi con này sang con khác, mà tái cơ cấu chính là điều chỉnh, là thay đổi cách tiếp cận hệ thống chính sách, pháp luật, hạ tầng đầu tư cho nông nghiệp, đào tạo lại nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ nghiên cứu và quản lý nhà nước trong ngành nông nghiệp.

Cả nước hiện có 25 triệu lao động trong ngành nông nghiệp, nhưng chỉ có 5 triệu lao động được đào tạo tay nghề, số còn lại làm theo kinh nghiệm, "cha truyền con nối." Chính vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lực nhân lực phục vụ cho ngành nông nghiệp cũng là một trong những chương trình của đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng cho ngành nông nghiệp cũng phải được thực hiện hài hòa, đồng bộ.

Trong thời gian qua, Chính phủ đầu tư 26.000 tỷ đồng cho ngành nông nghiệp, trong đó hệ thống thủy lợi chiếm 70%. Trong 70% đầu tư vào thủy lợi, có đến 90% là đầu tư cho hệ thống thủy lợi sản xuất lúa.

Trong năm vừa qua, sau khi khởi động đề án này, cả nước có 150.000ha đất trồng lúa được chuyển đổi sang sản xuất cây trồng khác có giá trị cao hơn như vừng đen, ngô, thanh long, ổi, cam…

Sản xuất theo nhu cầu xuất khẩu

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ của Nhà nước, ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân. Thế nhưng, sản phẩm cạnh tranh quốc tế trước hết phải đạt chất lượng cao. Các loại nông sản của Việt Nam thường rơi vào thảm cảnh "được mùa thì mất giá."

Tiến sỹ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ hiện nay nông dân sản xuất rất giỏi nhưng lại không sản xuất theo một tiêu chuẩn nhất định, tự bản thân người nông dân trong cùng khu vực đã cạnh tranh gay gắt với nhau.

Còn đa số các doanh nghiệp am hiểu sự vận động của thị trường, nhưng lại không hiểu nhiều về quy trình sản xuất, trong khi hai thành phần kinh tế này phần nhiều lại không gắn kết, chia sẻ với nhau để tạo một sân chơi chung khi bước ra thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, nông dân trồng hồ tiêu tại xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai chia sẻ đa số nông dân trong xã trồng tiêu nhưng mỗi người sản xuất một kiểu. Bằng kinh nghiệm làm việc với người nước ngoài 10 năm, ông sản xuất hạt tiêu theo yêu cầu của nhà nhập khẩu với giá họ đưa ra và hạt tiêu của ông đã tiếp cận được thị trường Nhật Bản và thị trường Đức.

Ông nhấn mạnh, chỉ cần nông dân sản xuất hàng hóa đúng với chất lượng mà nhà nhập khẩu cần, họ sẽ không từ bỏ hay hạ giá hàng hóa. Điều nghịch lý là hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất, nông trại, vườn cây đều được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, thế nhưng khi đưa hàng mẫu vào kiểm tra lại không đủ tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, vừa không bán được hàng, vừa gây ảnh hưởng đến sản phẩm sạch của những vườn sản xuất đúng tiêu chuẩn, cho ra sản phẩm đúng chất lượng.

Như vậy, trước hết phải làm cho nông dân hiểu rằng, chính họ phải sản xuất theo quy trình GAP, tạo ra sản phẩm GAP thay vì cố gắng để nhận chứng nhận sản xuất theo GAP để rồi đó chỉ là tờ giấy chứng nhận chứ không phải là chất lượng sản phẩm thực sự.

Cái khó của nông dân Việt Nam hiện nay chính là tập quán sản xuất, thường ngại chi phí sản xuất đúng chất lượng của người tiêu dùng và không có một hợp đồng ký kết hoàn chỉnh. Đa số chỉ nhận hợp đồng miệng, nên mùa này nông sản được giá thì mùa sau lại rớt giá, rơi vào không có thu nhập, thiếu vốn sản xuất.

Khi bản thân nông dân sản xuất tốt, cho ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế, nông sản Việt Nam mới thực sự cạnh tranh được với thị trường trong khu vực và thế giới.

Theo Hồng Nhung (TTXVN/Vietnam+)