.

"Lên bờ" làm giàu

Thứ Tư, 11/03/2015, 08:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Đến vùng đất Đồng Hóa, Tuyên Hóa hỏi anh Hà Văn Thú, thì ai cũng biết.  Bởi lẽ, ngoài việc là một Phó Công an xã năng động nhiệt tình, anh còn là chủ một mô hình chăn nuôi lớn nhất vùng.

Tiếp chúng tôi bên ấm chè xanh nóng, anh vui vẻ kể  về bước đột phá “lên bờ” làm giàu của gia đình mình. Trước kia gia đình anh thuộc diện dân vạn  đò ở thôn Phân Đoàn Đò. Cuộc sống gia đình bấp bênh và luôn chật vật khi nguồn kinh tế chỉ dựa vào 1 lồng cá nuôi trên sông và sinh hoạt cũng ngay trên chiếc lồng đó. Đến năm 2001, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Hóa đã ban hành nghị quyết chuyên đề và kế hoạch với mục đích vận động bà con vạn đò lên bờ, nhằm ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.

Lúc đầu do nhận thức về chính sách không được thông suốt, nên mãi đến một năm sau nhờ sự động viên, khuyến khích của lãnh đạo xã, gia đình anh đã từ bỏ lối sống cũ để lên bờ xây dựng cuộc sống mới. Theo chính sách, gia đình anh được cấp đất làm nhà tại thôn Đồng Giang, xã Đồng Hóa, từ đây cuộc sống gia đình anh bắt đầu bước sang một trang mới.

Bước đầu với số vốn ít ỏi, vay mượn họ hàng  vợ chồng anh Thú quyết định mua 3 xe công nông và đóng một chiếc đò lớn để phục vụ cho việc khai thác cát trên sông. Đến năm 2011, thực hiện nghị định cấm lưu thông xe công nông của Chính phủ, với cương vị là cán bộ xã anh đã gương mẫu bán 3 chiếc xe công nông để làm gương cho bà con.

Mô hình nuôi lợn của gia đình anh Thú.
Mô hình nuôi lợn của gia đình anh Thú.

Với số tiền bán xe, đò gần 60 triệu đồng  anh đã mạnh dạn vay thêm 90 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để xây chuồng trại nuôi heo sinh sản. Lúc đầu anh rủ mấy người hàng xóm làm cùng nhưng không ai đồng ý, bởi vốn đầu tư quá lớn, mà tiền chủ yếu là đi vay lãi. Nhưng với sự động viên của chính quyền địa phương cùng với quyết tâm thoát nghèo, gia đình anh đã bắt tay vào chăn nuôi gia súc. Với số vốn ban đầu vợ chồng anh Thú mua 6 con  heo nái, xây chuồng trại để chăn nuôi, đồng thời mua bò và dê về chăn thả.

Sau một thời gian chăm sóc, đàn heo của gia đình anh ngày càng phát triển lên với số lượng lớn. Gần một năm sau thấy tình hình khả quan, quyết định cầm "sổ đỏ" gia đình vay thêm 150 triệu đồng để đầu tư cho chăn nuôi heo. Nhờ chăm chỉ chăn nuôi, cùng với sự động viên của lãnh đạo địa phương, bây giờ  tổng đàn lợn của anh đã hơn 200 con, với 30 con heo nái sinh sản cùng đàn heo giống và heo thịt.

Tiếp câu chuyện, chị Cầm (vợ anh Thú) kể : “Năm đầu nuôi heo mình phải thuê cán bộ thú y xã về tiêm thuốc phòng trừ dịch bệnh cho heo con. Nhưng giá thành quá đắt (10 ngàn đồng/con),  lại sợ đem dịch bệnh chỗ khác về trang trại mình, thế nên hai vợ chồng đã lên mạng tìm hiểu, kết hợp học tập kinh nghiệm từ cán bộ thú y trong huyện để tự tiêm thuốc cho vật nuôi, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh vừa giảm được chi phí”.

Bên cạnh đó, anh chị còn đầu tư đào giếng, mua máy móc, vật tư để phục vụ cho trang trại của mình. Nhờ sự cố gắng của gia đình cùng với sự động viên của chính quyền địa phương, đến bây giờ trung bình mỗi năm gia đình anh Thú có thu nhập từ đàn heo đạt hơn 100 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, với quyết tâm làm giàu của mình, anh Thú còn vươn sang chăn nuôi những vật nuôi có điều kiện phát triển ở địa phương. Trong khuôn viên vườn nhà, anh đang nuôi gần 30 tổ ong lấy mật, đưa lại thu nhập hàng năm hơn 50 triệu đồng. Nhận thấy ngọn đồi trước nhà có tiềm năng cho việc nuôi dê, anh chị mua 6 con dê giống về chăn thả, sau gần một năm bây giờ số lượng đàn dê đã hơn 20 con. Song song với việc chăn nuôi, để bảo đảm thức ăn của vật nuôi, anh chị còn chịu khó trồng thêm 6 sào sắn, 4 sào cỏ và 2 sào ngô. Khi cuộc sống dần đi vào ổn định, từ số tiền lãi thu được anh chị đã mạnh tay đầu tư vào kinh doanh.

Gia đình anh Thú đã mở được một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, kết hợp thu mua nông sản cho người dân trong vùng. Việc buôn bán thuận lợi kinh tế gia đình anh khá giả hẳn lên, con cái được học hành đàng hoàng, thành đạt. Minh chứng rõ ràng nhất là người con trai đầu của anh bây giờ đang là giáo viên một trường tiểu học trong huyện cùng với 3 người em học hành giỏi giang.

Làm giàu là một chuyện, nhưng điều làm chúng tôi khâm phục nhất ở anh đó là tâm nguyện muốn người dân xung quanh thoát nghèo, không ai phải sống cuộc sống nghèo khổ. Từ suy nghĩ đó nên từ lúc thấy mô hình của mình phát triển tốt, anh đã động viên, truyền đạt kinh nghiệm, hỗ trợ thức ăn, con giống cho bà con trong vùng. Hiện nay, rất nhiều hộ gia đình ở thôn Đồng Giang đã thoát nghèo, vươn lên khấm khá nhờ học theo mô hình của gia đình anh. Mô hình kinh tế của gia đình anh đã được xã Đồng Hóa ghi nhận là mô hình điểm cho phát triển kinh tế của xã để từ đó phổ biến cho bà con toàn xã học tập.

Nguyễn Cường