.

Mô hình sản xuất than chuông của Công ty CP Tân Hoàn Cầu: Những tín hiệu vui

Thứ Năm, 05/02/2015, 10:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện chiến lược đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, năm 2013, Công ty CP Tân Hoàn Cầu (Khu Công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới) đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu thị trường và triển khai xây dựng dự án sản xuất sản phẩm than chuông (hay còn gọi là Binchota) từ nguyên liệu gỗ bạch đàn. Sau hơn 1 năm nỗ lực bắt tay vào xây dựng dự án, đến nay, công ty đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản, lắp đặt thiết bị, đi vào sản xuất và cho ra đời những sản phẩm đầu tiên. Đây là mô hình mới, sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Trao đổi với chúng tôi về ý tưởng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất than chuông, ông Lê Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Tân Hoàn Cầu cho biết: Trước thực trạng nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt rất cần có nguồn năng lượng mới để thay thế, những năm gần đây, cùng với các quốc gia trên thế giới, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã có giải pháp tìm nguồn năng lượng mới như áp dụng công nghệ sản xuất các sản phẩm: than mùn cưa, than gáo dừa, củi trấu, viên gỗ nén và than chuông.

Trong số các nguồn năng lượng kể trên, than chuông là sản phẩm được các chuyên gia ngành Binchota Nhật Bản đánh giá tốt về chất lượng, được sử dụng làm nguồn nguyên liệu đa dạng trong nhiều lĩnh vực và được khách hàng Nhật lựa chọn, tin dùng nhiều nhất. Xuất phát từ những điều kiện thuận lợi trên, Công ty CP Tân Hoàn Cầu quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất than chuông nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển mạnh mẽ lĩnh vực xuất khẩu than chuông và trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất than chuông lớn nhất Việt Nam với các tiêu chuẩn, chất lượng vượt trội.

Bước đầu khi bắt tay vào đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất than chuông, Công ty CP Tân Hoàn Cầu gặp rất nhiều trở ngại và khó khăn về thủ tục hành chính, công tác nghiên cứu thị trường, nguồn cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn công nghệ và máy móc thiết bị... Ngay thời điểm khó khăn đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã đến làm việc với công ty, giới thiệu, hướng dẫn, tư vấn cho đơn vị biết được chính sách khuyến công của Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa một phần nguồn vốn để mua sắm máy móc thiết bị khi tiến hành đầu tư phát triển sản xuất.

Mô hình sản xuất than chuông của Công ty CP Tân Hoàn Cầu.
Mô hình sản xuất than chuông của Công ty CP Tân Hoàn Cầu.

Theo đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã hướng dẫn doanh nghiệp tiến hành các thủ tục triển khai xây dựng đề án mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất than chuông trình Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công thương phê duyệt với số tiền hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia năm 2014. Với điều kiện thuận lợi này, doanh nghiệp đã nỗ lực huy động mọi nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm máy móc thiết bị, triển khai đào tạo nghề cho lao động ở địa phương.

Sau hơn 1 năm triển khai dự án sản xuất than chuông, đến nay công ty đã có hệ thống cơ sở hạ tầng gồm 12 hạng mục công trình, lắp đặt 5 loại máy móc thiết bị gồm: hệ thống đo nhiệt, dụng cụ cầm tay, thiết bị đóng gói sản phẩm...  Tổng nguồn vốn mà công ty đầu tư cho tất cả các hạng mục phục vụ sản xuất cho đến thời điểm này trên 70 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng cơ bản 55 tỷ đồng và máy móc thiết bị 15 tỷ đồng.

Dự án có công suất 4.800 tấn sản phẩm/năm (gồm 200 lò hóa than), sản phẩm chủ yếu là than chuông đáp ứng các chỉ tiêu như: hàm lượng cacbon 91%, thời gian cháy gấp 3 lần than thường, độ tro thải ra ít, không mùi, không khói, nhiệt lượng cao và bảo đảm an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Than chuông dùng trong nấu nướng sẽ cho món ăn ngon hơn và đặc biệt còn là nguyên liệu đầu vào cho các ứng dụng như: lọc nước, lọc khí thải, khử mùi, luyện kim, dùng trong chế tạo pin... Nhằm thực hiện thành công dự án này, Công ty CP Tân Hoàn Cầu đã liên kết với Công ty TNHH sản xuất-xuất nhập khẩu Ánh Lửa Việt tiếp cận, ứng dụng công nghệ của Nhật Bản để sản xuất, cung ứng than chuông ra thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo tính toán, với giá bán ra thị trường khoảng 24 triệu đồng/tấn, sau 1 năm đi vào sản xuất, công ty sẽ thu về khoản lợi nhuận khoảng 9,6 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn vốn sau thời gian 7 năm. Công ty hiện giải quyết việc làm ổn định cho trên 280 lao động, với mức thu nhập bình quân gần 4 triệu đồng/người/tháng. Về quy trình sản xuất, sản phẩm than chuông của Công ty CP Tân Hoàn Cầu được sản xuất theo phương pháp hóa than: gỗ bạch đàn được xếp vào lò và gia nhiệt trong môi trường yếm khí và sau đó cho tăng nhiệt đột ngột đến 1.200 độ C làm cho than rắn chắc lại, có chỉ số carbon cao sau đó được làm nguội bằng hổn hợp cát và tro.

Với những ưu điểm vượt trội, sản phẩm than chuông của Công ty CP Tân Hoàn Cầu được thị trường các nước Nhật Bản và Hàn Quốc rất ưa chuộng. Sản phẩm được sản xuất bao nhiêu đều được tiêu thụ hết đến đó, thậm chí có thời điểm công ty sản xuất không kịp để đáp ứng nhu cầu thị trường các nước bạn.

Nói về hiệu quả dự án sản xuất than chuông của Công ty CP Tân Hoàn Cầu, ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho rằng: Với sự đầu tư đúng hướng, dự án không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn mà còn góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, giải quyết đầu ra ổn định cho nguồn nguyên liệu gỗ bạch đàn của các hộ dân trồng rừng, từ đó tạo sự yên tâm trong việc trồng rừng để phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn tỉnh.

Việc xây dựng nhà máy sản xuất than chuông rất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và là mô hình cần được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Hiền Chi