.

Những bất cập ở cảng Hòn La

Thứ Năm, 05/02/2015, 08:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Cảng Hòn La được xem là một trong những cảng biển có nhiều lợi thế để thu hút tàu thuyền trong và ngoài nước vận chuyển hàng hoá. Những tưởng từ lợi thế đó sẽ là động lực thu hút đầu tư, tăng nguồn ngân sách cho địa phương, thế nhưng hiện tại Cảng Hòn La đang có nhiều bất cập, không đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao của khách hàng.

Cảng Hòn La được xem là một ưu đãi của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Quảng Bình. Nhớ lại ngày mới tái lập tỉnh, mặc dù tiềm lực còn hạn chế, nhưng nhận thấy cảng Hòn La là một lợi thế để phát triển kinh tế, nên lãnh đạo tỉnh đã huy động nguồn lực quyết tâm đầu tư xây dựng cảng.

Ngày cảng Hòn La đón chuyến tàu đầu tiên thực sự là ngày hội lớn không chỉ đối với ngành GTVT mà cả người dân trong tỉnh, đánh dấu một sự kiện quan trọng trên bước đường đi lên của tỉnh nhà. Vào thời điểm đó mọi người có quyền hy vọng về một ngày mai không xa từ cảng Hòn La này sẽ tạo ra "cú hích" mở đường ra biển lớn, nhanh chóng đưa tỉnh ta thoát nghèo!.

Để khai thác hiệu quả cảng Hòn La, lãnh đạo tỉnh nhiều lần bàn thảo và cuối cùng đã đi đến quyết định chuyển giao cảng Hòn La cho Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) quản lý. Sở dĩ PTSC được chọn vì đơn vị này có kinh nghiệm và năng lực  quản lý về cảng, hiện tại đang quản lý và khai thác nhiều cảng biển trong nước. Sau khi tiếp nhận cảng, PTSC đã nhanh chóng thành lập Chi nhánh PTSC Quảng Bình, trực tiếp quản lý cảng Hòn La.

Mặc dù đã bàn giao cảng cho PTSC quản lý, nhưng lãnh đạo tỉnh và các ngành luôn quan tâm phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi, ưu ái giúp đỡ cho Chi nhánh PTSC Quảng Bình hoạt động.  Ông Giám đốc Cảng Hòn La cho biết: Nhờ sự hỗ trợ thường xuyên đó từ chính quyền địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, nên hoạt động sản xuất của cảng ổn định, tình hình  an ninh trật tự khu vực cảng bảo đảm an toàn; công tác kiểm soát người, phương tiện và hàng hóa ra, vào cảng được tiến hành nhanh chóng an toàn thuận tiện.

Xe vận tải xếp hàng chờ bốc hàng ở cảng.
Xe vận tải xếp hàng chờ bốc hàng ở cảng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cảng Hòn La có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 1,2 triệu tấn/năm. Những năm gần đây, khi tuyến đường 12 thông thương với nước bạn Lào, lưu lượng hàng hoá qua cảng Hòn La ngày càng tăng cao. Đặc biệt 2 năm qua tốc độ hàng hoá qua cảng tăng trên 50%/năm.

Cụ thể, năm 2013, cảng đón 312 lượt tàu cập cảng, với sản lượng hàng hoá 980 ngàn tấn. Đến năm 2014, cảng Hòn La đón được 510 lượt tàu cập cảng với sản lượng hàng hóa qua cảng 1,4 triệu tấn, tổng doanh thu đạt hơn 140 tỷ đồng, đạt 195% kế hoạch, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, khi nhu cầu vận tải đường biển đang tăng cao như những năm gần đây, với năng lực khai thác cảng Hòn La hiện tại không đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ông Phạm Hữu Thu, Giám đốc Nhà máy xi măng Văn Hoá cho biết: Nhu cầu vận chuyển bằng đường biển của đơn vị mỗi năm khoảng 1,8 triệu tấn, trong đó có 1,6 triệu tấn clinke và 200.000 tấn than.

Trong năm 2014, số lượng clinke phải nằm chờ tại cảng Hòn La để bốc xếp lên tàu khá lớn, có thời điểm phải chờ đến 20 ngày. Căng thẳng nhất vào thời điểm cuối năm 2014, cảng Hòn La không đáp ứng được nhu cầu vận tải clinke của nhà máy, hàng hoá tồn kho gần 200 ngàn tấn, nên ngày 9-1-2015 đến nay dây chuyền sản xuất clinke buộc phải ngừng hoạt động. Mỗi ngày dây chuyền đốt lò ngừng sản xuất nhà máy bị thiệt hại 1,5 tỷ đồng và mỗi lần nhóm lò trở lại tiêu tốn thêm 2 tỷ đồng nữa. Trong năm 2014, Nhà máy xi măng Văn Hoá ngừng sản xuất 3 đợt, tổng cộng 26 ngày, số tiền thiệt hại trên 50 tỷ đồng.

Để chủ động trong việc vận chuyển clinke và hạn chế sự phụ thuộc vào cảng Hòn La, vừa qua Nhà máy xi măng Văn Hoá đã xây dựng phương án đầu tư xây dựng cảng đường sông Hạ Trang, xã Văn Hoá để chuyển clinke từ nhà máy ra cảng Thanh Khê bằng tàu nhỏ, sau đó đưa lên tàu lớn chuyển vào Nam. Phương án này nhà máy đang cân nhắc vì thấy còn nhiều yếu tố bất lợi. Để tạo được tuyến vận chuyển trên sông Gianh, nhà máy cần đầu tư trên 200 tỷ đồng xây dựng cảng Hạ Trang và nạo vét luồng, nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Vì rằng vận tải trên sông Gianh chỉ được một mùa, mùa khô mực nước có nơi chỉ ở mức -1,4m, tàu 200 tấn không đi lại được.

Tương tự như Nhà máy xi măng Văn Hoá, ông Lê Ngọc Định, Giám đốc Xí nghiệp cổ phần dăm gỗ xuất khẩu Quảng Đông (Khu Công nghiệp Hòn La) cho biết: Sản phẩm dăm gỗ của xí nghiệp xuất qua cảng Hòn La đang gặp khó khăn, nhiều thời điểm cảng không đáp ứng nhu cầu vận chuyển của khách hàng, nguyên nhân do cảng quá tải. Xí nghiệp cổ phần dăm gỗ xuất khẩu Quảng Đông và một số xí nghiệp dăm gỗ khác ở Khu Công nghiệp Hòn La phải vận chuyển ra cảng Vũng Áng, tăng thêm chi phí 3 USD/tấn. Thế nhưng từ giữa năm 2014 đến nay cảng Vũng Áng cũng không nhận vận chuyển dăm gỗ của các doanh nghiệp Quảng Bình, mà chỉ phục vụ cho Dự án Formusa Hà Tĩnh.

Ông Định cho rằng, hiện tại thiết bị bốc xếp của cảng Hòn La quá lạc hậu, công suất nhỏ, công nhân không chuyên nghiệp... Mỗi lần xí nghiệp vận chuyển dăm gỗ cần đưa một máy ủi lên tàu để san mặt bằng, nhưng cần cẩu của cảng công suất nhỏ không đáp ứng được...

Nói như vậy để thấy rằng vai trò của cảng Hòn La đối với sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn hết sức quan trọng. Mặt khác, qua phản ánh của các doanh nghiệp trên địa bàn với UBND tỉnh, mức thu phí trên một tấn hàng hoá của cảng Hòn La cao hơn các cảng trong khu vực từ 3-5%, đang là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp mỗi khi có hàng qua cảng Hòn La.

Trao đổi vấn đề này với ông Hoàng Tuấn, Giám đốc Cảng Hòn La, được biết: Thời gian qua, đơn vị đã cố gắng để nâng cao năng lực bốc xếp, nhưng phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu. Năm 2014 cảng Hòn La được Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (đơn vị chủ quản) đầu tư một số phương tiện bốc xếp, gồm: 4 gàu ngoạm tự động có dung tích từ 2,3m3 đến 6,5m3, thuê 2 cẩu bánh xích loại 50 tấn nâng tổng số cẩu tại cảng lên 5 xe cẩu, 2 máy đào, 3 xe nâng, 3 máy xúc lật và 3 xe đầu kéo.

Hiện tại nhu cầu hàng hoá qua cảng tăng cao, vượt công suất thiết kế 1,5 lần, có nhiều thời điểm cảng không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hoá của doanh nghiệp, đó là thực tế. Ông Giám đốc Cảng Hòn La cho hay: Lâu nay, các doanh nghiệp trên địa bàn chưa thực sự gắn bó, phối hợp tốt với cảng. Duy nhất chỉ có một đơn vị là Công ty Phu Bia (Úc) có cam kết hợp đồng vận chuyển hàng hoá thường xuyên với cảng, còn các doanh nghiệp khác thì chạy theo thời vụ, khi cần thì đến cảng, nên gây ra sự bị động cho cả 2 phía. Ông cũng thừa nhận việc các doanh nghiệp phản ánh mức thu phí bốc xếp của cảng còn cao là đúng, sắp tới cảng nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với mặt bằng chung.

Xin được thông tin thêm rằng, do năng lực hạn chế nên mấy năm qua cảng Hòn La đóng góp cho ngân sách địa phương không đáng là bao, năm 2014 cảng có số nộp ngân sách cao nhất cũng chưa đến 3 tỷ đồng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2015, nhu cầu hàng hoá qua cảng Hòn La sẽ tăng rất cao, có thể lên đến 2,5 triệu tấn; trong đó clinke 1,7 triệu tấn, than 200 ngàn tấn, dăm gỗ 400 ngàn tấn, quặng đồng từ Lào vận chuyển qua Úc (Công ty Phu Bia đã ký hợp đồng với cảng Hòn La) khoảng 200 ngàn tấn...

Nếu như cảng Hòn La không kịp thời đầu tư thiết bị để nâng cao năng lực và công suất bốc xếp, thì sự ách tắc hàng hoá tại cảng còn trầm trọng hơn năm 2014. Vấn đề này chậm xử lý có thể trở thành “cục máu đông" gây ra ách tắc sự phát triển chung của nền kinh tế và khó khăn cho thu hút đầu tư trên địa bàn.

Trọng Thái