.

Giúp doanh nghiệp da giày miễn dịch trước "cơn lốc hàng ngoại"

Thứ Tư, 18/02/2015, 18:49 [GMT+7]

Dù có nhiều thuận lợi trong hoạt động làm ăn với các đối tác nước ngoài cũng như xuất khẩu, song, phát triển ngành da giầy vẫn còn có nhiều yếu tố chưa bền vững, nhất là tỷ lệ nội địa hóa thấp và doanh nghiệp trong nước chưa có chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa.

(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Xuất phát từ nguyên nhân này, các doanh nghiệp sản xuất giày dép tiêu thụ nội địa đều bày tỏ lo lắng trước nguy cơ hàng ngoại, giá rẻ tràn vào thị trường khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành.

Vì vậy, giải pháp để doanh nghiệp da giày miễn dịch trước cơn lốc hàng ngoại đang được các đơn vị chức năng tính đến.

Loay hoay trên sân nhà

Theo báo cáo của Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), khi tỷ lệ nội địa hóa của ngành mới chỉ chiếm 40-45% (chủ yếu là đế giầy và chỉ khâu), trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu. Đối với da thuộc thành phẩm, tỷ lệ nội địa hóa dưới 30% và phần lớn nguyên liệu mũ giầy vẫn phải nhập khẩu… Việt Nam chỉ cung ứng được vải cho sản xuất loại giầy vải cấp thấp, các chủng loại vải cao cấp đều phải nhập khẩu.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, bà Phan Thị Thanh Xuân Tổng thư ký (Lefaso) cho hay, hiện nay nhu cầu tiêu thụ nội địa sản phẩm giày dép khoảng 150 triệu đôi/năm nhưng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 40% nhu cầu. Cùng với đó, hầu hết sản phẩm giày dép nội chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp và phục vụ cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi có thu nhập thấp.

Cũng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, sản phẩm giày dép nội thua kém trên thị trường là do dung lượng thị trường nhỏ, trong khi đầu tư cho mẫu mã đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.

Cùng với đó là yêu cầu của thị trường về việc đa dạng phong phú nhưng số lượng lại ít, tồn kho cao, khả năng quay vòng vốn chậm…là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Vì thế, những doanh nghiệp có quy mô lớn thường chọn “giải pháp an toàn” tập trung sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu thụ nội địa chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, việc hạn chế về nguồn nguyên, phụ liệu cũng như không có hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật kiểm soát đầu vào thiếu nhân lực, nhất là lao động trong khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm cũng là nhân tố tăng thêm rủi ro.

Hơn nữa, bản thân ngành da giày chưa có hệ thống tiêu chuẩn an toàn riêng về hóa chất tồn dư trong sản phẩm, cũng như thiếu các trung tâm kiểm định đủ tiêu chuẩn nên không kiểm soát được chất lượng nguyên phụ liệu đầu vào.

Bà Nguyễn Bích Thủy, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên giày Thượng Đình cho biết trước khi sản xuất hàng loạt theo đơn đặt hàng, công ty phải gửi mẫu sản phẩm đi kiểm định, thậm chí gửi sang các trung tâm kiểm nghiệm ở nước ngoài… để đánh giá và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Trường hợp kết quả kiểm nghiệm không đạt yêu cầu, công ty phải thay đổi nguyên phụ liệu sản xuất.

Còn đại diện Công ty Ladoda cho hay, hàng năm công ty mất khoảng 10.000 USD cho chi phí thử nghiệm sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Hải Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam, tình trạng chưa xây dựng được hệ thống kiểm soát hóa chất tồn dư cho ngành còn khiến các doanh nghiệp trong nước chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng khi sản phẩm giày, dép nhập khẩu vào Việt Nam không gặp bất cứ rào cản kỹ thuật nào.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán một số các hiệp định thương mại quan trọng, khi được ký kết thuế quan hầu như sẽ về 0%, không có rào cản chắc chắn doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó khăn ngay trên sân nhà.

Tìm bản sắc Việt

Theo lộ trình giảm thuế của AEC, đến cuối năm 2015, thuế xuất khẩu một số chủng loại giày dép trong nội khối sẽ về 0%. Đây được coi là cơ hội vàng cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Thế nhưng, đây lại là nguy cơ đối với thị trường giày dép nội địa bởi chính sự thờ ơ, thỏa mãn chính mình của doanh nghiệp là “tảng đá” kéo chậm sự phát triển.

Bà Xuân phân tích, khi hàng rào thuế quan được phá bỏ, các nước sẽ dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước và thị trường nội địa. Hiện tại các nước trong khối AEC đã dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm giày dép nhập khẩu.

Trong khi đó, Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn này. Cũng có nghĩa Việt Nam chưa dựng được rào cản bảo vệ thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, việc chưa có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu thụ nội địa không theo một quy chuẩn cụ thể… khiến chất lượng giày dép nội không đồng đều, rất khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập, giá rẻ.

Để tăng sức “đề kháng” cho sản phẩm nội, bà Xuân cho rằng thời gian cho các doanh nghiệp chuẩn bị không còn nhiều, các doanh nghiệp nên tập trung đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhằm chắc chân ngay trên thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin kịp thời về AEC, các chủng loại, lộ trình giảm thuế để tìm kiếm, phát triển sản phẩm thế mạnh có sức cạnh tranh cao.

Hiệp hội sẽ liên tục cập nhật và cung cấp thông tin về AEC cho doanh nghiệp. Hiện Lefaso cũng đang phối hợp với Viện Da giày Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm nhằm bảo vệ thị trường và sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải đầu tư về công nghệ để có thể sản xuất được các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, đặc biệt là phải xây dựng được thương hiệu riêng cho mình mới có thể gia tăng được thị phần nội địa và phát triển bền vững.

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội tăng cường cung cấp thông tin giúp cộng đồng doanh nghiệp nhận thức đầy đủ những cơ hội và thách thức khi chính thức hội nhập.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, về lâu dài để tự chủ nguồn nguyên liệu da, cần thương mại hóa ngành nông nghiệp chăn nuôi giúp nâng cao sức sống của vật nuôi, chất lượng da sống, da thuộc, khuyến khích thành lập các lò mổ hiện đại… Những giải pháp này sẽ làm tăng chất lượng ở từng khâu của chuỗi giá trị ngành da giày.

Hiện Bộ đang trình Chính phủ Nghị định hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó có công nghiệp da giày. Hy vọng với những giải pháp hỗ trợ hoạt động đào tạo lao động, tìm kiếm thị trường, quảng bá hình ảnh cũng như triển vọng hợp tác phát triển nguồn nguyên phụ liệu sẽ giúp cho ngành da giày Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nội địa nói riêng sẽ phát triển bền vững.

Theo Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)