.

Nông dân vào vụ Tết

Thứ Sáu, 13/02/2015, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Cứ vào dịp cuối năm, khi công việc đồng áng đã hoàn tất, những người nông dân lại tất bật chuẩn bị hàng cho vụ Tết. Bằng đôi bàn tay khéo léo và cần mẫn, những người nông dân đang mang Tết cổ truyền đến với mọi nhà.

Góp “hương” cho ngày Tết cổ truyền

Khoảng hơn nửa tháng nay, không khí sửa soạn cho vụ Tết đã len lỏi khắp các đường quê, ngõ nhỏ. Tết đến gần, những người làm bánh chưng ở phường Đức Ninh Đông (Đồng Hới) lại hối hả để mỗi ngày cho ra lò hàng nghìn chiếc bánh chưng phục vụ Tết. Chiều đến, những hộ dân nơi đây  đồng loạt gói bánh. Cảnh lao động đầy sức sống và tràn niềm vui. Đâu đâu cũng xanh tươi một màu của lá dong, trắng mẩy của hạt gạo nếp, vàng ươm của đậu xanh. Rồi tối đến, những nồi phi to được đưa lên bếp than đỏ rực, sôi sình sịch cả đêm. Sáng hôm sau, những mẻ bánh thơm lừng được vớt ra.

Cứ như thế, nhịp sống ở mảnh đất này từ lâu vẫn theo làn khói nghi ngút của những nồi bánh chưng mà đi lên.Những cái tên như bánh chưng mệ Tế, mệ Chinh, anh Hải... đã dần trở nên “thương hiệu” trong lòng bao thực khách mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Anh Hoàng Minh Hải chia sẻ: Gia đình anh gói bánh chưng quanh năm, nhưng từ 20 - 22 Tết,  gia đình anh phải thuê thêm khoảng 5, 6 người, gói liên tục không kể ngày đêm mới đáp ứng kịp đơn đặt hàng của khách. Bí quyết làm bánh chưng của gia đình anh cũng không có gì đặc biệt, nguyên liệu làm bánh cũng lá dong, cũng nếp, cũng thịt lợn.

Tuy nhiên, để bánh chưng vừa ngon, vừa đẹp mắt thì ngay khâu chọn lá, chọn đậu cũng phải rất “có nghề”. Trung bình, mỗi vụ Tết, gia đình anh gói đến hơn 2 tấn nếp, phục vụ cho nhu cầu đón Tết của thực khách xa gần. “Năm nay, giá nguyên liệu cũng không tăng là mấy nên giá bánh cũng không dao động nhiều, với bánh kích cỡ 15 x 15 cm thì giá 100.000 đồng, bánh 18 x 18 cm giá 180.000 đồng. Bánh to, nhỏ thế nào cũng có thể làm theo nhu cầu của khách”, anh Hải cho biết thêm.

Hiện, tại Đức Ninh Đông có gần 30 hộ gia đình chuyên làm bánh kẹo thủ công phục vụ Tết. Ngoài bánh chưng gia truyền thì nhiều gia đình ở đây cũng sản xuất thêm bánh xoài, mứt bán Tết. Anh Nguyễn Trường Khánh (Diêm Bắc 1, Đức Ninh Đông) cho biết: ngày thường, gia đình anh làm khoảng vài kg mứt gừng và bánh xoài để tiêu thụ ở chợ Đồng Hới.

Nhưng để phục vụ mùa Tết, gia đình anh phải “mượn” thêm 5-6 người phụ việc. Nhìn là vậy, nhưng nghề này thực ra không hề đơn giản, từ việc chọn gừng, ra lát, luộc gừng cho đến việc rim mứt... đều rất quan trọng và hoàn toàn được làm bằng thủ công. Bánh xoài phải được làm từ bột dong nguyên chất, trứng để làm bánh phải là trứng gà thì bánh mới thơm và ngon được.

Vụ Tết năm nay, hoa Lý Trạch nở đẹp nhưng xuống giá.
Vụ Tết năm nay, hoa Lý Trạch nở đẹp nhưng xuống giá.

Với gia đình anh Khánh, dịp tết Nguyên đán là thời điểm bận rộn nhất bởi mứt gừng và bánh xoài của anh chị làm ra đến đâu là được đặt mua hết đến đó. Trung bình mỗi cái Tết gia đình chị làm khoảng 1 tấn mứt gừng và 1 tấn bánh xoài; với giá bán 100.000 đồng/kg bánh xoài và 80.000 đồng/kg mứt gừng, sau khi trừ hết chi phí cũng lãi trên 20 triệu đồng. Công việc này kéo dài cho đến tận ngày 29, 30 tết. Bận rộn, vất vả là vậy nhưng họ vẫn hăng say với công việc của mình không chỉ để lấy công làm lãi mà còn vì muốn phục vụ cho bà con gần xa.

Rau, hoa thi nhau rớt giá

Dọc các xã ven quốc lộ 1A như Cam Thủy, Thanh Thủy, Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy) hay Đồng Trạch, Đại Trạch (huyện Bố Trạch)... những cánh đồng rau xanh mướt mắt với đủ loại. Cách đây chừng một tháng, không khí chuẩn bị cho vụ tết đã rộn rã, tất bật trên khắp các cánh đồng rau. Thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, cùng sự chăm chút của người nông dân nên những luống rau đã lên vồng, tươi non mơn mởn.Nhưng trong cái tươi xanh mỡ màng ấy, hàng trăm người nông dân đang rầu rĩ bởi mùa Tết năm nay, giá rau rớt thê thảm.

Vừa thoăn thoắt nhổ những cây cải lá xanh mướt bó lại thành từng bó nhỏ, một người dân địa phương ở Đồng Trạch vừa cho chúng tôi biết: “năm ni, cứ nghĩ là được mùa rau thì sẽ có một vụ Tết thắng lớn nhưng mà không hiểu răng, cả rau, củ đều thi nhau rớt giá. Em coi, mấy ngày trước, 7.000/ kg su hào thì chừ còn đúng 2.000 đồng, rau thì 5.000 rớt xuống còn 2.000 đồng... Nhiều gia đình tính chi phí vận chuyển, nhân công và lệ phí (nếu bán tại chợ) không đủ tiền bán rau”.

Theo đánh giá của một số thương lái chuyên thu mua rau củ trên địa bàn thì giá rau năm nay rẻ là do diện tích sản xuất tăng lên quá nhiều, không thể thu mua hết với giá như năm ngoái. Đồng thời, trước Tết, thời tiết ấm, một số loại rau ngắn ngày phát triển tốt đã "ép giá" rau vụ đông sụt giảm mạnh. Ông Châu Văn Phong, quyền Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy lắc đầu ngao ngán: “vụ Tết ni, cả xã có hơn 180 ha trồng rau, củ. Trong khi đây dần trở thành nguồn thu chính của nhiều hộ gia đình trên địa bàn thì vụ năm ni lại rớt giá. Mà quanh đi quẩn lại, cũng là điệp khúc “được mùa, rớt giá” như mọi năm”.

Cùng chung “số phận” với thị trường rau, củ, người trồng hoa Tết của tỉnh ta năm nay cũng đang phải đối mặt với việc giá hoa sút giảm mạnh. Chúng tôi có mặt tại xã Lý Trạch (Bố Trạch) khi Tết nguyên đán đã cận kề. Những cánh đồng vàng rực lên dưới cái nắng cuối đông. Những ngày này, không khí trên những cánh đồng hoa rất bận rộn. Vì đây là dịp làm ăn chính trong năm nên người nông dân đặt vào đó tất cả những hy vọng về một cái tết sung túc hơn. Vậy nhưng, niềm vui hoa được mùa chưa được trọn vẹn thì họ phải đối mặt với việc giá hoa giảm sút mạnh, trong khi giá giống, phân bón thì không có chiều hướng suy giảm.

Anh Lê Xuân Công (thôn 5, Lý Trạch) với kinh nghiệm trồng hoa Tết 4 năm, chia sẻ rằng chưa có năm nào hoa được mùa nhưng lại mất giá như năm nay. “Thời tiết năm ni ấm, làm hoa nở sớm hơn mọi năm. Đó, mấy em coi, còn đến chục ngày nữa là tết mà hoa đã nở vàng rực cả rồi, thành thử, họ “ép giá” cũng có lý thôi”, anh Công cười buồn.

Theo ông Lê Văn Duẩn, phó chủ tịch UBND xã Lý Trạch thì diện tích trồng hoa quanh năm của toàn xã là 10 ha nhưng đến mùa tết, tăng lên đến 20 ha. Toàn xã có gần 100 hộ gia đình lấy nghề trồng hoa làm nguồn thu nhập chính. Sự gia tăng “đột biến” ấy đã ra tạo nguồn cung dồi dào nhưng cũng chính là một trong những nguyên nhân làm giảm giá thành hoa vụ tết.

Chúng tôi chia tay những làng quê, làng nghề ấy khi không khí xuân đã tràn ngập trên khắp đường làng, ngõ xóm, trong nhịp làm việc gấp gáp, khẩn trương của những người nông dân. Trong đôi mắt của những con người quanh năm “một nắng, hai sương” ấy lấp lánh một niềm hy vọng về một mùa làm ăn thuận lợi. Giữa cái lạnh se sắt của đất trời, chúng tôi cũng thầm mong họ sẽ có được một cái Tết “ấm” và trọn vẹn niềm vui.

Thanh Hải-Diệu Hương