.

Tín hiệu của mùa xuân

Thứ Năm, 12/02/2015, 12:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Do tính chất nghề nghiệp, chúng tôi có nhiều dịp tiếp xúc với các nhà đầu tư đến làm ăn tại Quảng Bình. Mới đây, chúng tôi may mắn được tiếp cận đoàn doanh nghiệp  Hàn Quốc do ngài Park Soo Kwan, Tổng lãnh sự danh dự Việt Nam tại Busan, dẫn đầu đến tìm hiểu, khảo sát đầu tư tại tỉnh ta. Qua câu chuyện của ngài Tổng lãnh sự được biết, từ nước Hàn xa xôi họ đã quan tâm đến địa bàn Quảng Bình, một vùng đất giàu tiềm năng để đầu tư dự án.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu tiềm năng của Quảng Bình với nhà đầu tư Ấn Độ.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu tiềm năng của Quảng Bình với nhà đầu tư Ấn Độ.

Chuyện mời gọi đầu tư không có gì là mới mẻ, ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, các đồng chí lãnh đạo đã quan tâm hoạt động xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên với nhiều lý do nên suốt một thời gian rất dài số lượng nhà đầu tư tâm huyết đến làm ăn lâu dài ở tỉnh ta chưa nhiều. Hoạt động xúc tiến đầu tư thực sự khởi sắc vào đầu năm 2014, khi tỉnh phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cùng đứng ra tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Bình với 200 nhà đầu tư lớn tham dự.

Ngay tại diễn đàn hội nghị, đã có 19 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế ký thỏa thuận đầu tư 23 dự án, với tổng số vốn đầu tư 20.100 tỷ đồng. Trong đó có 13 dự án được UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn 8.500 tỷ đồng; ký thỏa thuận hợp tác với 5 nhà đầu tư để triển khai 10 dự án với số vốn 11.600 tỷ đồng và 200 triệu USD...

Ông Lê Văn Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư bộc bạch: Năm 2014, lĩnh vực xúc tiến đầu tư ở tỉnh ta gặt hái được nhiều kết quả nhất kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay. Nhưng quan trọng hơn là số lượng dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có quy mô lớn, tập trung vào các lĩnh vực mà tỉnh ta có lợi thế như phát triển du lịch khu vực Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, các khu nghỉ dưỡng ven biển, các dự án công nghiệp thương mại khai thác tuyến đường 12A...

Trong 13 dự án được cấp chứng nhận đầu tư thì Tập đoàn Sun Group có hai dự án là quần thể Khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng mà trọng tâm là tuyến cáp treo dài nhất thế giới và khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Ninh-Hải Ninh với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Phó Chủ tịch Tập đoàn Sun Group ông Trần Minh Sơn cho biết, các mức hỗ trợ ưu đãi của tỉnh Quảng Bình rất hấp dẫn và rất tốt. Tập đoàn đã khảo sát về phát triển du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng và quyết định đầu tư tại đây hai dự án lớn.

Trong đó có dự án cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng hứa hẹn làm nên một Bà Nà Hill tại Quảng Bình. Khi dự án này đưa vào hoạt động thì lượng khách đến Phong Nha-Kẻ Bàng sẽ không thua kém gì với Bà Nà, khi đó mỗi ngày sân bay Đồng Hới không còn là 2 chuyến đi và đến như hiện nay, mà tăng lên trên 20 chuyến mới phục vụ được nhu cầu khách du lịch trong nước, quốc tế.

Còn ông Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Duy Hạnh chia sẻ, từ thành công của dự án may Hà Quảng tại Quảng Bình, tập đoàn quyết định thực hiện các dự án dệt may và đề nghị tỉnh tạo điều kiện về đất đai, ít nhất 500ha để đầu tư thí điểm vùng nguyên liệu bông theo công nghệ của Israel. Trước mắt, tập đoàn thực hiện ba dự án dệt may có mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, đó là nhà máy may xuất khẩu tại thị xã Ba Đồn, nhà máy sợi và nhà máy may tại huyện Quảng Ninh.

Niềm vui như được nhân lên là ngay sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư tất cả các nhà đầu tư đều bắt tay vào triển khai dự án. Trao đổi với chúng tôi về tiến độ triển khai các dự án công nghiệp lớn trên địa bàn, ông Phan Văn Thường, Giám đốc Sở Công thương cho biết, dự án Trung tâm thương mại tại TP.Đồng Hới của Tập đoàn Sài Gòn Co.op mart đã khởi công xây dựng, dự kiến cuối năm 2015 đưa vào khai thác.

Trong tháng 10-2014, tại TP.Đồng Hới, Công ty Cổ phần Lao Petrol (Petro Lao) và Công ty Ennergy Commodities (Slovikia) đã ký kết các hợp đồng tư vấn, lập báo cáo khả thi dự án Xây dựng kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ Cảng biển Hòn La (tỉnh Quảng Bình, Việt Nam) sang tỉnh Khăm Muộn (Lào), dưới sự chứng kiến của đại diện một số bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Quảng Bình. Dự án triển khai tại Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La với diện tích 37,45ha và tổng mức đầu tư khoảng 300 - 500 triệu USD, 100% vốn của Chính phủ Lào và doanh nghiệp Lào thực hiện đầu tư.

Một tín hiệu vui đến là, cuối tháng 11-2014, dự án phát triển hệ thống Logicstic tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo của Công ty TNHH Linfor Logicstic Việt Nam, với nguồn vốn đầu tư 5 triệu USD đã động thổ xây dựng trước sự chứng kiến của đông đảo người dân trong vùng. Theo như lời ông Scott Clifford Croll, Chủ tịch Công ty Linfor Logicstic Việt Nam, đang đầu tư dự án Kho ngoại quan và hệ thống  Logicstic tại Cha Lo thì tuyến đường 12 như kênh đào Xuy-ê trên bộ nối bờ tây của Myanma, Thái Lan, Lào với biển Đông, hứa hẹn mang lại thành công cao!

Dự án may xuất khẩu tại khu làng nghề Quán Hàu, huyện Quảng Ninh của Công ty TNHH S&D thuộc Tổng công ty May 10 đầu tư với tổng giá trị 75 tỷ đồng, chỉ sau 6 tháng thi công, cuối tháng 11 vừa rồi đã đi vào hoạt động thu hút khoảng 800 lao động trên địa bàn. Sau thành công của dự án này, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cam kết triển khai các dự án: Nhà máy may xuất khẩu và nhà máy sợi tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn; nhà máy sợi và nhà máy may tại xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh. Không chỉ dệt may mà một số dự án công nghiệp lớn cũng bắt đầu khởi động như: Dự án thu hồi nhiệt nhà máy xi măng của Tập đoàn HB đang lập kế hoạch mời thầu tư vấn khảo sát lập dự án đầu tư...

Trở lại câu chuyện đầu tư từ Hàn Quốc, ngài Tổng lãnh sự danh dự Việt Nam tại Busan cho biết, lâu nay các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào  TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thành phố lớn. Lần này thông qua lời giới thiệu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hàn Quốc đã thành lập một đoàn khá hùng hậu gồm lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, tài chính lớn đã đến khảo sát tìm hiểu đầu tư tại tỉnh Quảng Bình.

Nhà máy bê tông Phan Vũ tại Khu công nghiệp Hòn La đang phát huy hiệu quả.
Nhà máy bê tông Phan Vũ tại Khu công nghiệp Hòn La đang phát huy hiệu quả.

Sau chuyến khảo sát thực địa, các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm nhất là lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, suối nước khoáng Bang, tắm biển, sân golf, du lịch khám phá hang động. Theo như lời của ngài Tổng lãnh sự, các doanh nghiệp Hàn Quốc đến Quảng Bình lần này rất tự tin, có thể đầu tư thành công tại Quảng Bình.

Ông nói: Ở Hàn Quốc các doanh nghiệp đã làm nên kỳ tích sông Hàn, chắc chắn trong tương lai Quảng Bình sẽ có kỳ tích sông Nhật Lệ!  Sau chuyến khảo sát này, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ bắt tay ngay thành lập tổ chuyên gia cùng phối hợp với Quảng Bình xúc tiến các bước để đầu tư 3 dự án nói trên một cách nhanh nhất.

Sự sôi động của hoạt động đầu tư đã có sức lan tỏa dây chuyền, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư-Phát triển Việt Nam ví von việc thu hút đầu tư ở Quảng Bình như gia đình có cô con gái đẹp, chàng trai nào đến sau thì không còn phần cho mình đâu!

Đúng như vậy, sau các tập đoàn, doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư nói trên, hiện tại nhiều nhà đầu tư bày tỏ mong muốn xin được đầu tư vào Quảng Bình. Đó là, Tập đoàn FLC chuẩn bị đầu tư Khu công nghiệp Hòn La II, Tổng công ty bia rượu Hà Nội cam kết nâng công suất nhà máy bia Hà Nội - Quảng Bình, Tập đoàn Trường Thịnh xây dựng khu đô thị Bảo Ninh. Một số tập đoàn của Nhật Bản, Ấn Độ đang thăm dò khả năng đầu tư trong lĩnh vực nhiệt điện, du lịch tại Quảng Bình...

Trong lúc Hãng hàng không giá rẻ VietJet Air  đang khảo sát chuẩn bị mở đường bay tại Đồng Hới, thì Hãng hàng không Jestar Pacific Airlines đã nhanh chân đăng ký mở đường bay từ TP.Hồ Chí Minh-Đồng Hới và ngược lại kể từ ngày 1-2-2015. Sau đó Hãng Jestar Pacific Airlines tiếp tục mở thêm đường bay từ Hà Nội- Đồng Hới và ngược lại.

Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình, ông Phạm Văn Năm cho biết, trong số 18 dự án được cấp phép đầu tư và đăng ký đầu tư đến cuối năm 2014 thì có 7 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp và khu kinh tế, tất cả đều chuyển động rất tích cực. Một trong những thành quả quan trọng là sau hơn chục năm nay lần đầu tiên có 2 dự án 100% vốn nước ngoài được đầu tư tại Khu kinh tế Cha Lo và Khu công nghiệp cảng Hòn La.

Với những gì mà Quảng Bình đã đạt được trên lĩnh vực xúc tiến đầu tư trong năm 2014, hứa hẹn một mùa xuân mang về nhiều hoa thơm, trái ngọt từ các dự án đầu tư trên địa bàn.

Trọng Thái