.

Tái cơ cấu nghề khai thác hải sản: Những vấn đề cần quan tâm

Thứ Ba, 05/08/2014, 08:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình có đường bờ biển dài trên 116km với lượng hải sản đa dạng, phong phú. Đó chính là thế mạnh để tỉnh phát triển nghề biển, đặc biệt là nghề khai thác hải sản. Nhằm nâng cao năng lực khai thác hải sản, giảm thiểu tác động đến nguồn lợi, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp để ngư dân thực hiện như: nghiêm ngặt trong việc bảo vệ nguồn lợi, tổ chức lại sản xuất, hiện đại hóa đội tàu xa bờ... Đây cũng là những khâu then chốt trong chiến lược tái cơ cấu nghề khai thác hải sản của tỉnh.

Quản lý nguồn lợi

Cơ cấu nghề khai thác hải sản của Quảng Bình khá đa dạng với nhiều nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao như lưới vây, chụp mực; tuy nhiên cũng  có nhiều nghề gây tổn thương nguồn lợi hải sản như giã cào đơn, giã cào đôi hay mành đèn, pha xúc...

Bên cạnh đó, đa phần các tàu thuyền trong tỉnh  đều phát triển theo hướng tự phát, thiếu kiểm soát khiến cho số tàu thuyền có công suất nhỏ tăng lên. Hiện tại, số tàu thuyền có công suất nhỏ hơn 20CV ở tỉnh là 2.310 chiếc, chiếm 59,49% số lượng tàu thuyền trên địa bàn. Do đó, cường lực khai thác ven bờ lớn khiến cho nguồn lợi hải sản thời gian qua suy giảm mạnh.

Để bảo vệ nguồn lợi, tỉnh đã có quy định cấm ngư dân khai thác một số loài hải sản và cấm khai thác vào một số thời điểm trong năm. Nhằm tránh tình trạng một số ngư dân vì lợi trước mắt, tận dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định khiến nhiều loài cá nhỏ bị tận diệt, tỉnh đã có  quy định về kích cỡ lưới kéo cho từng loại hải sản, nghiêm khắc xử phạt những ai làm sai...

Tuy nhiên, vấn nạn khai thác hủy diệt nguồn lợi bằng chất nổ, xung điện thì tỉnh vẫn chưa khống chế được. Nguyên nhân chính là do lực lượng thanh tra, kiểm soát còn mỏng trong khi việc khai thác hải sản trái phép diễn ra vào ban đêm, lúc khuya và bằng nhiều thủ đoạn tinh vi.

Theo ông Lê Minh Phú, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, để tái cơ cấu nghề khai thác hải sản thì việc điều chỉnh lại năng lực khai thác hải sản là điều cần thiết. Năng lực khai thác ở vùng bờ, vùng lộng sẽ được hạn chế bằng cách triển khai hệ thống cấp phép nghiêm ngặt.

Đầu tư nguồn vốn, hỗ trợ đóng tàu để chuyển đổi nghề nghiệp từ đánh bắt ven bờ sang đánh bắt xa bờ. Cùng với đó là ứng dụng đồng quản lý nghề cá trên cơ sở phân vùng và phân cấp quản lý cho các địa phương ven biển. Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp giúp ngư dân sinh kế bằng các nghề nuôi trồng thủy sản, chế biến hải sản, dịch vụ, chăn nuôi đã được xét đến. Đối với vùng khơi, trên cơ sở nguồn lợi được điều tra, sẽ xác định số lượng tàu cá cho phép theo nghề ở từng vùng, ngư trường.

Ông Phú cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, ngành Thủy sản sẽ kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản cũng như củng cố, phát triển lực lượng kiểm ngư để thực hiện hiệu quả hơn công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động nghề cá. Chú trọng xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi hải sản và tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về bảo vệ nguồn lợi.

Tổ chức lại sản xuất

Cùng với công tác bảo vệ, quản lý nguồn lợi, việc phát huy hiệu quả  mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, kiện toàn hệ thống hậu cần nghề cá... cũng là những vấn đề quan trọng được ngành chức năng lập kế hoạch triển khai.

Các loại lưới kéo đều có quy định riêng về kích thước cho từng loại hải sản được khai thác.
Các loại lưới kéo đều có quy định riêng về kích thước cho từng loại hải sản được khai thác.

Từ khi được thành lập đến nay, mô hình liên kết sản xuất trên biển đã giúp ngư dân Quảng Bình chia sẻ với nhau thông tin về ngư trường, tổ chức đánh bắt và vận chuyển sản phẩm, thời tiết, kinh nghiệm sản xuất nên hiệu quả khai thác cao, sản lượng khai thác tăng. Năm 2013, sản lượng khai thác thủy sản đạt 50.163 tấn, đạt 114% kế hoạch, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho ngư dân.

Không chỉ giúp nhau trong sản xuất, các tổ đoàn kết, tổ hợp tác khai thác hải sản còn giúp đỡ nhau trong hoạn nạn trên biển. Từ thực tế cho thấy, rất nhiều tàu cá đã được tổ đoàn kết kịp thời hỗ trợ, cứu nạn khi gặp sự cố. Điển hình như tàu cá QB 92760 TS của ông Phạm Văn Phát (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) bị chết máy tại tọa độ 180 04’N, 107017’E trôi tự do trên biển đã được các tàu cá trong tổ đoàn kết, tổ hợp tác giúp đỡ lai dắt vào bờ an toàn. Một số trường hợp tàu cá trong tổ đoàn kết gặp nạn, rủi ro thiên tai đều được tổ đoàn kết kịp thời hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần...

Trong thời gian qua, mặc dù tàu Trung Quốc luôn manh động xua đuổi, tấn công tàu cá của ta ở ngư trường Hoàng Sa, nhưng nhờ sự hợp sức theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển nên ngư dân tỉnh ta vẫn đưa thuyền vượt sóng vươn khơi, khai thác hải sản an toàn. Theo anh Nguyễn Hoan, chủ một đội tàu cá ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới), ưu điểm của tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển nằm ở chỗ tạo ra sức mạnh tập thể để ngư dân cùng nhau bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Với lợi thế có điều kiện hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình khai thác trên biển, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai mở rộng mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất. Thời gian đến, ngành Thủy sản sẽ tập trung giúp ngư dân sản xuất hiệu quả hơn bằng cách tăng cường công tác điều tra, dự báo ngư trường cho sản lượng khai thác cao.

Để nâng cao năng lực khai thác hải sản, việc kiện toàn hệ thống hậu cần cũng là khâu rất quan trọng. Hiện Quảng Bình có cảng Gianh (xã Thanh Trạch, Bố Trạch), cảng Nhật Lệ (TP. Đồng Hới) là nơi tập kết, neo đậu của các tàu thuyền. Tuy nhiên, hai cảng này chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu bởi số lượng tàu thuyền trong tỉnh lớn, cộng thêm các tàu cá tỉnh bạn đến trú đậu vào mùa mưa bão khá nhiều.

Trên cơ sở rà soát quy hoạch hệ thống hậu cần nghề cá, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện các công trình đã có và xây dựng mới một số cơ sở dịch vụ hậu cần. Hiện tỉnh đang cho xây dựng thêm hai khu neo đậu tàu thuyền tại xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) và xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), đáp ứng thêm nhu cầu tránh trú bão cho tàu cá. Cùng với đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, công ty đầu tư xây dựng các cơ sở thu gom, sơ chế hải sản tại đây, dần hình thành chuỗi khai thác - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 10 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, trong đó chủ yếu là đóng tàu 830 mã lực. Hầu hết các cơ sở đều đóng tàu bằng phương pháp thủ công, chưa đủ điều kiện ứng dụng công nghệ mới. Trước thực tế đó, tỉnh đã có định hướng phát triển ngành đóng tàu cá theo hướng từng bước chuyển dần từ thủ công truyền thống sang áp dụng quy trình công nghệ đóng lắp để bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và tăng chất lượng an toàn kỹ thuật cho tàu cá. Khuyến khích đóng mới các tàu cá thực hiện công năng dịch vụ, hậu cần, phục vụ sản xuất trên các vùng biển xa.

Hiện đại hóa đội tàu xa bờ

Nâng cao năng lực đánh bắt lẫn chất lượng hải sản sau khai thác là mục tiêu quan trọng hướng đến công nghiệp hóa nghề biển của Quảng Bình. Biện pháp cụ thể cần làm trước mắt là nâng số lượng và công suất đội tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, nguồn vốn mà ngư dân trên địa bàn tỉnh có thể huy động được để đóng mới hoặc cải hoán nâng cấp tàu có công suất lớn là rất thấp. Để hỗ trợ ngư dân, thời gian đến, tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn giải ngân từ các chương trình, dự án của trung ương giúp ngư dân tiếp cận vốn để đóng mới tàu công suất lớn.

Ngoài tăng số tàu có công suất lớn, sẽ chuyển giao các mô hình đánh bắt có hiệu quả kinh tế cao ở các ngư trường xa bờ cho ngư dân trên địa bàn tỉnh ứng dụng rộng rãi. Ông Lê Minh Phú cho biết: “Hàng năm chúng tôi đều có triển khai thực hiện thí điểm các mô hình đánh bắt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình, mới đây tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, đã triển khai mô hình lưới vây, lưới rê cá thu-ngừ, kết quả bước đầu rất khả quan”.

Cũng theo ông Phú, một thực trạng đáng quan tâm hiện nay của nghề khai thác hải sản là hải sản của ngư dân Quảng Bình từ lúc đánh bắt được cho đến khi tiêu thụ bị hao hụt chất lượng 25-30% nên giá bán thấp, hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Nguyên nhân là quy trình bảo quản thủ công, lạc hậu khiến cho chất lượng, giá trị sản phẩm thấp.

Thời gian tới, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí để triển khai thí điểm mô hình bảo quản hải sản mới bằng hầm bảo quản theo công nghệ tiên tiến với vật liệu bọt xốp thổi polyurethane (PU) kết hợp với lót hầm tàu cá bằng inox thay cho hầm gỗ. Hầm gồm lớp cách nhiệt dưới dạng bọt xốp PU và một lớp lót bằng inox. Bọt xốp PU khi phun vào sẽ bám chặt vào vách ngăn và mặt trong của vỏ tàu, không cho thấm nước, giữ lạnh rất tốt.

Thời gian qua, đầu ra của hải sản thiếu ổn định, quá phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Trong khi đó, chi phí sản xuất lại tăng do ngư dân phải liên tục vào bờ bán sản phẩm rồi tiếp nhiên liệu, thu mua nhu yếu phẩm trở ra biển sản xuất. Để hạn chế tình trạng này, việc tạo chuỗi liên kết sản xuất - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm là vấn đề đang được Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm thực hiện.

Đề cập đến những vấn đề then chốt trong chiến lược tái cơ cấu nghề khai thác hải sản, ông Lê Minh Phú khẳng định: “Mục tiêu của Kế hoạch hành động cụ thể trong lĩnh vực khai thác hải sản từ nay đến năm 2020 là chuyển dịch cơ cấu nghề khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh theo hướng khai thác xa bờ; chú trọng đánh bắt các đối tượng hải sản cho giá trị kinh tế cao; tăng hiệu quả sản xuất gắn với bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên biển. Các tàu khai thác xa bờ sẽ được trang bị các thiết bị khai thác, hàng hải, thông tin liên lạc hiện đại. Tỉnh tập trung phát triển các nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao như lưới vây, câu mực khơi, chụp mực, giảm dần các nghề giã cào”.                                         

Lê Mai