.

Công trình thủy lợi Tuyên Hóa: Nỗi lo trước mùa mưa bão

Thứ Hai, 25/08/2014, 08:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Nắng hạn chưa dứt, các địa phương ở huyện Tuyên Hóa lại bắt đầu lo lắng về các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ. Bởi các công trình tuổi thọ đã quá cao nên đa số đều xuống cấp. Mặt khác, bị tàn phá của những trận lũ năm trước, nhiều công trình chưa khắc phục xong nay lại sắp phải hứng chịu mùa mưa bão mới.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuyên Hóa cho biết: Hiện nay, toàn huyện Tuyên Hóa có 144 công trình thủy lợi, trong đó có 8 hồ nước dự trữ, 12 công trình đập tự chảy và 24 trạm bơm tưới tiêu cho 1.500ha lúa vụ đông-xuân và 1.200ha lúa hè-thu. Thế nhưng, đa số các công trình đã được xây dựng khá lâu và đang xuống cấp, hư hỏng nặng sau những trận lũ của các năm trước.

Xã Phong Hóa hiện có 5 đập chứa nước tự chảy và 5 trạm bơm lấy nước từ sông Gianh phục vụ tưới tiêu cho 240,7 ha lúa nước cho cả hai vụ đông-xuân và hè - thu. Thế nhưng các công trình thủy lợi tự chảy do bị vùi lấp và xói lở nặng sau những trận lũ quét nên hiện nay các lòng hồ bị san bằng và lượng nước dự trữ rất ít. Mặc dù được nạo vét thường xuyên nhưng hàng năm lượng nước tưới tiêu bị giảm đi rất nhiều so với những năm trước đây.

Hệ thống kênh mương cấp I của xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) bị sạt lở sau hoàn lưu bão số 11 năm 2013.
Hệ thống kênh mương cấp I của xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) bị sạt lở sau hoàn lưu bão số 11 năm 2013.

Tại xã Cao Quảng, đập nước Khe Vàng là con đập chính phục vụ 26 ha lúa cho bà con trong xã, thế nhưng do lũ quét năm ngoái làm phía thượng lưu (cách đập 100m) nước đã xói thành dòng chảy mới. Kênh mương cấp I phía hạ lưu bị sạt lở nặng. Hiện nay, đã được cấp kinh phí để tu bổ lại nhưng người dân lại lo lắng đập nước sẽ bị phá hủy nếu như có mưa lớn, nước lũ tràn về.

Tại xã Thuận Hóa, đập khe Trợ có độ sâu 14m, rộng 2 ha. Đây là đập chính cung cấp nước tưới cho hơn 14 ha lúa của bà con xã Thuận Hóa. Những năm trước đây, lượng nước dự trữ của đập khá lớn nên đồng lúa luôn được bảo đảm nước tưới. Hiện nay, thân đập bị xói lở, nước thoát ra ngoài, không đủ lượng nước để dâng chảy vào hệ thống kênh mương cấp I nên không có nước chảy về đồng. Mặc dù đã được hỗ trợ 1,1 tỷ đồng để sửa chữa, ngăn chặn nước thoát nhưng vụ hè thu vừa qua, đồng lúa vẫn thiếu nước.

Theo ông Nguyễn Xuân Các, Phó chủ tịch UBND xã Thuận Hóa cho biết: “Vụ hè-thu năm nay do thời tiết nắng hạn cộng thêm thân đập bị thoát nước ra ngoài nên nước trong hồ cạn, không chảy về đồng để tưới tiêu, xã phải huy động sử dụng máy bơm để bơm nước nhưng mỗi tháng phải chịu từ 6 đến 7 triệu đồng tiền điện”...

Được biết, vụ hè-thu năm nay, diện tích lúa thiếu nước theo đúng lịch thời vụ của huyện Tuyên Hóa gần 100 ha. Riêng xã Sơn Hóa, lúa không chủ động nước gần 30 ha. Hiện tại, còn có một số hộ dân đang gieo lúa vì không có nước để làm đúng mùa vụ. Khi hỏi về năng suất của lúa gieo cấy muộn thì ông Trần Xuân Ngọc, Trưởng thôn Xuân Lập (Sơn Hóa) cho biết: “Do chưa có hệ thống kênh mương thủy lợi nên một số vùng ở xã Sơn Hóa bà con gieo cấy lúa bằng nguồn nước trời, nếu nắng hạn không có mưa thì bà con phải chờ có mưa mới gieo cấy được. Còn về năng suất thì khỏi phải nói, lúa thì phải đúng thời vụ, nếu gieo muộn sẽ gặp mưa nhiều, năng suất lúa sẽ không bằng nơi gieo đúng thời vụ, thậm chí là mất trắng”.

Tình trạng chung của nhiều hồ đập nhỏ ở Tuyên Hóa là rò rỉ nước qua thân đập, cửa xả nước bị gỉ sét, lòng hồ bồi lắng, tràn xả lũ xói lở... Có một thực tế, các hồ đập hầu hết do cấp huyện và xã quản lý nên việc duy tu, sửa chữa thường xuyên không được thực hiện, khi bị hư hỏng nặng thì chính quyền và ngành chức năng cấp tỉnh khó kiểm soát được tình trạng an toàn hồ đập mà chỉ nghe báo cáo từ cấp dưới.

Một số hộ dân xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa) hiện nay mới xuống đồng vì thiếu nước.
Một số hộ dân xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa) hiện nay mới xuống đồng vì thiếu nước.

Mặt khác, nói là địa phương quản lý, nhưng cán bộ được đào tạo chuyên ngành thủy lợi về công tác quan trắc, đo đạc mực nước hồ, việc lưu trữ tài liệu, hồ sơ quản lý hồ... hầu như chưa được quan tâm đúng nghĩa. Phần lớn công trình xây dựng không đồng bộ, xuống cấp, nguồn vốn hàng năm cấp ít không đủ để duy tu bảo dưỡng nên các công trình càng nhanh xuống cấp chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Để giải quyết khó khăn tạm thời, trong thời gian qua, Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo các xã, thị trấn huy động sức dân nạo vét kênh mương, dọn sạch vật cản, tu sửa lại các đoạn kênh bị hư hỏng mà có thể khắc phục. Có kế hoạch tưới tiêu tiết kiệm hợp lý theo hình thức “cuốn chiếu” nhằm bảo đảm cho bà con gieo lúa đúng thời vụ. Chỉ đạo các xã, thị trấn huy động các máy bơm hiện có ở địa phương để bơm nước từ các ao hồ để tưới tiêu. Ngoài ra, đối với những diện tích khả năng thiếu nước cao thì nên chuyển đổi sang trồng đậu, bắp, khoai...

Theo ông Phương, huyện đang kiến nghị tỉnh chỉ đạo các ban ngành liên quan trên cơ sở báo cáo của huyện để tiến hành kiểm tra các công trình trọng điểm có diện tích tương đối lớn bị hư hỏng nặng để khắc phục. Mặt khác, trong mùa mưa bão tới, huyện Tuyên Hoá sẽ chỉ đạo các địa phương thường xuyên túc trực, theo dõi, chuẩn bị các phương tiện, vật tư để ứng cứu kịp thời nhằm hạn chế hư hỏng các công trình thủy lợi khi mưa bão về.

Thanh Hoa