.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam":

Đưa sản phẩm Việt đến gần người dân

Thứ Năm, 21/08/2014, 08:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau 5 năm thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có sức lan toả mạnh mẽ làm thay đổi nếp nghĩ của nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối cũng như người tiêu dùng. Hưởng ứng cuộc vận động này, trong những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đưa sản phẩm Việt đến gần hơn với người dân, góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa trong nước...

Từ hiệu quả bước đầu...

Điều dễ dàng nhận thấy là sau 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chất lượng hàng Việt ngày càng được nâng lên với nhiều mẫu mã, kiểu dáng đa dạng.

Các sản phẩm hàng tiêu dùng Việt Nam có giá thành hợp lý và chất lượng bảo đảm được người dân ưu tiên sử dụng thay cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác; các sản phẩm ngoại nhập. Xu hướng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam đã dần tăng lên, nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, các sản phẩm may mặc, đồ gia dụng, nhóm các mặt hàng cơ khí, điện tử...

Trên địa bàn tỉnh ta, nhận thức và thói quen của người tiêu dùng cũng đã có nhiều thay đổi đáng kể. Đặc biệt là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, người tiêu dùng đã bắt đầu có sự cân nhắc, so sánh giữa giá cả và chất lượng của hàng Việt Nam và hàng ngoại nhập để từ đó có sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu sử dụng và khả năng mua sắm.

Theo báo cáo từ Sở Công thương, kết quả khảo sát thị trường tại đa số các chợ, siêu thị, quầy bách hóa tổng hợp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thì hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân hiện nay chủ yếu là hàng Việt Nam.

Cụ thể: đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng thực phẩm công nghệ, hàng lương thực, hàng vật liệu xây dựng, hàng trang trí nội thất..., tỷ lệ hàng Việt chiếm từ 85-90%; đối với hàng may mặc thì tỷ lệ hàng Việt chiếm từ 70-80% và đối với mặt hàng thủy hải sản thì tỷ lệ hàng Việt chiếm 100%. Những con số đó là kết quả khẳng định sức mạnh lan tỏa của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến với người dân.

Qua 5 năm triển khai, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của cuộc vận động tính đến thời điểm này, đó chính là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, nhà quản lý cũng như toàn thể xã hội. Đặc biệt là những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, thúc đẩy mở rộng mạng lưới phân phối bằng cách đưa hàng Việt về nông thôn, về vùng sâu vùng xa.

Hàng Việt đang dần chiếm lĩnh thị trường nội địa và trở thành sự lựa chọn số 1 của người tiêu dùng.
Hàng Việt đang dần chiếm lĩnh thị trường nội địa và trở thành sự lựa chọn số 1 của người tiêu dùng.

Với vai trò là cơ quan thường trực, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng kế hoạch phối hợp nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động; triển khai kế hoạch tuyên truyền phổ biến kết hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố với mục tiêu nâng cao hiệu quả khi triển khai các nội dung cuộc vận động tại các địa phương và cơ sở. Trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động, Ủy ban MTTQVN tỉnh phối hợp với Sở Công thương mở các lớp bồi dưỡng tập huấn cho Ủy ban MTTQ các cấp, nhân dân về nhận biết hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... nhằm giám sát việc phân phối, lưu thông hàng Việt trên địa bàn tỉnh, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Sở Công thương đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến mẫu mã, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm đồng thời chú trọng công tác xúc tiến thương mại, thông tin sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý doanh nghiệp, quản lý chợ, các cá nhân tổ chức kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu, Sở đã phối hợp tuyên truyền về thương hiệu, chất lượng, mẫu mã của hàng Việt Nam nhằm đáp ứng thị hiếu và dần thay đổi hành vi mua sắm của người dân.

Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn để kiểm tra định lượng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai công tác chống buôn lậu, vận chuyển hàng nhập lậu...

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá sản phẩm, hàng hóa tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương, Sở Công thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại hướng về thị trường nội địa. Tính đến hết tháng 5-2014, Sở đã tiếp nhận và theo dõi thông báo thực hiện khuyến mại của 7.553 doanh nghiệp với tổng giá trị hàng hóa doanh nghiệp thông báo thực hiện khuyến mại là 60.371 tỷ đồng. Phối hợp tổ chức 17 hội chợ trong đó có 2 hội chợ quốc tế 3 nước Việt Nam-Lào-Thái Lan với các mặt hàng truyền thống của địa phương như hàng nông sản, rượu, mộc mỹ nghệ, nón lá, may mặc...

Đồng thời đã tiếp nhận và theo dõi 1 đợt bán hàng về nông thôn với tất cả các điểm bán hàng cố định và di động của doanh nghiệp tại các điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh, qua đó từng bước làm thay đổi dần thói quen của người dân trong việc mua sắm.

Cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã tích cực vào cuộc để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, góp phần đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Ông Lê Thanh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Phương, một trong số các doanh nghiệp đầu mối phân phối trên địa bàn tỉnh ta cho biết: Nếu như trước đây, người dân vẫn có tâm lý “sính đồ ngoại” thì khoảng 5 năm trở lại đây, người tiêu dùng đã dần thay đổi thói quen, chủ yếu chuyển sang sử dụng các sản phẩm hàng hóa nội địa.

Vì vậy, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng, 100% các sản phẩm hàng thiết yếu để cung cấp ra thị trường đều được công ty nhập hàng từ các doanh nghiệp trong nước, có uy tín như: nước mắm Nam Ngư, dầu ăn Tường An, đường Quảng Ngãi, mì ăn liền Kokomi...

...đến những giải pháp lâu dài

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một cuộc vận động lớn trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Để cuộc vận động thực sự đi vào cuộc sống và nếp văn hóa tiêu dùng hàng Việt của người dân dần được hình thành thì việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động là vô cùng cần thiết.

Để làm được điều đó, trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và nội dung của cuộc vận động; phát huy hơn nữa vai trò chủ động sáng tạo của Ban chỉ đạo cuộc vận động trong triển khai thực hiện và lồng ghép nội dung thực hiện với các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Qua đó giúp các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đoàn thể phát huy hơn nữa lòng yêu nước, ý thức tự lực tự cường nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; từng bước xây dựng ý thức và văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam trong mua sắm công cũng như trong tiêu dùng cá nhân.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động nắm tình hình và kịp thời phát hiện những vướng mắc khó khăn trong sản xuất, phân phối lưu thông của các doanh nghiệp; rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, lưu thông và tiêu dùng hàng hoá sản xuất trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... nhằm bảo vệ quyền lợi, an toàn về tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và sản xuất trong tỉnh cần tăng cường cải tiến kỹ thuật, đổi mới cách thức phân phối hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh, ổn định giá bán sản phẩm. Đồng thời triển khai nhiều hơn nữa các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, hội chợ, triển lãm... để người dân địa phương được tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp, hàng hóa Việt; qua đó tạo niềm tin vững chắc cho người dân trong tiêu dùng hàng Việt.

Thanh Hải