.

Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở Minh Hoá: Khó đạt được mục tiêu đề ra

Thứ Tư, 20/08/2014, 08:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau 5 năm thực hiện  Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở huyện Minh Hoá giai đoạn (2008-2020)cho thấy, một số mục tiêu quan trọng khó đạt được, các mô hình phát triển sản xuất ít phát huy hiệu quả, người dân trông chờ vào nguồn lương thực hàng tháng của nhà nước để thoát nghèo.

Rất dễ nhận thấy thành quả sau 5 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đã mang lại cho người dân Minh Hoá. Rõ nét nhất là sự đầu tư hạ tầng, xây dựng nhà ở và cứu trợ gạo hàng tháng cho hộ nghèo...

Trong 5 năm (2008-2013) bằng các nguồn vốn Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đã đầu tư vào Minh Hoá gần 400 tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu để xây dựng 54 công trình giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế và xây dựng 680 nhà cho hộ nghèo... Ngoài ra, Chương trình cũng đầu tư vài chục tỷ đồng để phát triển sản xuất cho người dân và cấp phát gần 3.500 tấn gạo cho các xã vùng biên giới.

Tuy nhiên với sự ưu tiên đầu tư khá lớn như vậy, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện chưa có sự bứt phá rõ rệt, tăng trưởng kinh tế đạt bình quân từ 11-12%/năm. Điều dễ nhận thấy là tình trạng một bộ phận khá lớn,  người dân không muốn vươn lên thoát nghèo, vẫn thích trông chờ ỷ lại nguồn tiền và gạo từ Nhà nước cung cấp. Rất ít có mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, lâu dài. Thu nhập bình quân đầu người tăng qua hàng năm chưa tương xứng với sự đầu tư của Nhà nước.

Đất lâm nghiệp của xã Trọng Hoá (dọc đường 12A) còn bỏ hoang khá nhiều.
Đất lâm nghiệp của xã Trọng Hoá (dọc đường 12A) còn bỏ hoang khá nhiều.

Cụ thể là, năm 2009 thu nhập 4,5 triệu đồng; năm 2010 đạt 6 triệu đồng; năm 2011 đạt 6,5 triệu đồng; năm 2012 đạt 7,2 triệu đồng; năm 2013 đạt 8,3 triệu đồng, bình quân tăng 760.000 đồng/người/năm.

Từ nguồn vốn của Chương trình 30a, mấy năm qua Nhà nước đã hỗ trợ 10,6 tỷ đồng cho người dân Minh Hoá chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Số tiền này đầu tư vào mua giống cây cao su, hồ tiêu, bò lai sind, nhím, lợn rừng, ong lấy mật, giống lợn địa phương, gà, dê... Sau nhiều năm thực hiện mô hình, đến nay đa số các mô hình cũng chỉ là mô hình mà không thể nhân rộng ra được.

Rất nhiều  mô hình sau khi nhận xong tiền hỗ trợ, đồng thời cũng dừng hẳn việc sản xuất. Thí dụ như có 2 mô hình chăn nuôi lợn bản, cho 4 hộ ở xã Dân Hóa và Trọng Hóa, kinh phí 98 triệu đồng, đến nay hầu như không hoạt động. Hoặc 1 mô hình trồng dứa, cho 2 hộ ở xã Dân Hóa, kinh phí 48,6 triệu đồng; 2 mô hình trồng cây ăn quả, cho 4 hộ thực hiện ở Trung Hóa, Yên Hóa, kinh phí 94,7 triệu đồng cũng không phát huy hiệu quả...

Trên địa bàn huyện có 4.588 hộ nghèo được vay 5 triệu đồng/hộ với lãi suất 0% (1 lần) trong thời gian 2 năm để phát triển chăn nuôi, kinh phí 24.688 triệu đồng. Tuy nhiên, có rất đông số hộ nghèo vay vốn từ năm 2009, 2010, 2011 đến nay đã đến hạn trả nợ nhưng chưa có khả năng để trả nợ, các hộ đã xin gia hạn và phải thực hiện lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo là 0,65%/tháng.

Hiện tại phần lớn số hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn tại xã Dân Hóa, Trọng Hóa, bản Ón xã Thượng Hóa nay đã hết hạn cho vay và gia hạn nợ nhưng không thu hồi được gốc và lãi, nợ đến hạn của các xã này đến nay là 1.434 triệu đồng. Tỷ lệ hộ vay vốn đúng mục đích và có hiệu quả rất thấp, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Qua tìm hiểu được biết, phần lớn các hộ vay tiền để sản xuất nhưng thực chất không dùng cho sản xuất mà dùng vào việc khác; một số hộ thực sự có đầu tư nhưng sản xuất không hiệu quả, làm mất hết vốn.

Đến cuối năm 2013 toàn huyện đã giao 86.369 ha rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức hộ gia đình, cá nhân nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ. Có 5.349 hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích 26.789 ha. Tuy nhiên hiệu quả sử dụng đất được giao rất thấp, còn khá nhiều diện tích đất trống hoặc để cho cây rừng mọc mà thiếu biện pháp sản xuất.

Một mục tiêu nữa khó đạt được là xuất khẩu lao động theo tinh thần tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau 4 năm trên địa bàn có 635 lao động đăng ký sơ tuyển, số lao động đã tuyển chọn và đưa đi đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng là 475 lao động. Kết quả  có 219 lao động đã được xuất cảnh qua các thị trường UAE, Ả Rập Xê Út, Malaysia, Đài Loan và Hàn Quốc, số vốn vay xuất khẩu lao động là 7.821 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 đến nay do tình hình suy thoái kinh tế và chính trị bất ổn ở một số thị trường truyền thống nên tác động đến tâm lý của người lao động, do đó không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong xuất khẩu lao động chưa cao; tỷ lệ thanh niên của huyện đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu lao động còn thấp, nên rất ít thanh niên được đi xuất khẩu lao động vào các thị trường lao động có thu nhập ổn định như Hàn Quốc, Đài Loan....

Công ty xuất khẩu lao động được Cục quản lý lao động ngoài nước giới thiệu về tuyển chọn lao động theo Quyết định số 71 của Thủ tướng Chính phủ chưa thực hiện bảo đảm việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo, làm mất lòng tin của người dân. Trong đó có Công ty dịch vụ Xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hóa chi nhánh Hà Tĩnh có dấu hiệu lừa đảo người lao động trên địa bàn, nhiều lần UBND huyện kiến nghị nhưng chưa được xử lý.

Một mô hình trồng rau ở bản Hưng, đạt giá trị kinh tế thấp.
Một mô hình trồng rau ở bản Hưng, đạt giá trị kinh tế thấp.

Hiện nay có 43 trí thức trẻ công tác tại các xã và 11 trí thức trẻ làm Phó chủ tịch UBND của các xã trên địa bàn (Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Tiến, Hóa Hợp, Hóa Phúc, Minh Hóa, Tân Hóa, Quy Hóa, Yên Hóa, Xuân Hóa, Hồng Hóa). Đội ngũ trí thức trẻ được đào tạo bài bản về trình độ chuyên môn, bảo đảm sức khỏe, có khả năng tiếp cận nhanh là cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nhưng cán bộ trí thức trẻ vừa mới tốt nghiệp nên còn thiếu kinh nghiệm trong công tác; lần đầu về với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên việc giao tiếp hạn chế do không hiểu tiếng nói và bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc nên gặp không ít khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất. Việc tiếp thu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của trí thức trẻ tham mưu cho UBND xã giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, chưa thực sự chủ động, sáng tạo trong công việc.

Nói như vậy để thấy rằng, việc thoát nghèo nhanh thì có thể thực hiện được là nhờ tiền và gạo cứu trợ; còn nói bền vững thì rất khó. Với cung cách làm ăn như hiện nay, rất có thể sau khi chương trình hết hoạt động thì cũng là lúc việc tái nghèo sẽ quay trở lại như cũ!

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Đinh Quý Nhân, Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá cho biết, trong quá trình thực hiện Chương trình 30a việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ nghèo đang gặp khó khăn, vì đây là loại công việc cần rất nhiều thời gian để làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân.

Một vấn đề rất gay cấn làm ảnh hưởng đến mục tiêu của Chương trình 30a là, nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ và người dân về giảm nghèo còn thiếu tính tích cực. Một số hộ nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước, không muốn ra khỏi hộ nghèo; công tác tổ chức tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng. Sự tham gia vào cuộc của các tổ chức chính trị-xã hội và quần chúng chưa mạnh mẽ, đồng bộ.

Tr.T