.

Bưu điện Việt Nam: 69 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ Sáu, 15/08/2014, 08:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngành Bưu điện Việt Nam rất tự hào về truyền thống vẻ vang của mình. Đây là một trong số những ngành đầu tiên sau Cách mạng Tháng tám được Đảng, Bác Hồ tin cậy giao nhiệm vụ quan trọng. Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 14 và 15-8-1945 đã thông qua Nghị quyết về công tác giao thông liên lạc “Lập Ban Giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm tròn nhiệm vụ”.

Sự kiện này đã khởi nguồn cho sự ra đời của ngành Bưu điện Việt Nam. Với  thời điểm đó, ngày 15-8-1945 đã được Nhà nước cho phép lấy làm ngày truyền thống của ngành Bưu điện. Nhìn lại năm tháng đã qua, ngành Bưu điện trải qua biết bao thử thách nhưng rất vinh quang.

Các dấu mốc phát triển của ngành được ghi vào lịch sử: Nha Bưu điện (1945); Nha Bưu điện - Vô tuyến điện (1951), Tổng cục Bưu điện, Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện (1955); Tổng cục Bưu điện Truyền thanh (1962), Tổng cục Bưu điện (1968), Tổng cục Bưu điện thuộc Bộ Giao thông vận tải (1990), Tổng cục Bưu điện (1992), Bộ Bưu chính Viễn thông (2002), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (2006), Bộ Thông tin và Truyền thông (2007) đến nay. Tuy nhiều lần đổi tên nhưng ngành Bưu điện vẫn thống nhất về chức năng nhiệm vụ là bảo đảm thông tin liên lạc, phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân.    

Trải qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh và chính nó quyết định thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi", 69 xây dựng và trưởng thành, Ngành Bưu điện Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bưu điện tỉnh Quảng Bình. Ảnh: P.V
Bưu điện tỉnh Quảng Bình. Ảnh: P.V

Với vốn liếng nhỏ bé, được tiếp quản từ cơ sở lạc hậu của thực dân Pháp, ngành Bưu điện đã phát huy truyền thống tốt đẹp trên các lĩnh vực bưu chính, phát hành báo chí, phát triển mạng lưới hữu tuyến và vô tuyến điện. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành Bưu điện đã ngoan cường bám tổng đài, bám đường dây, bảo đảm giữ vững thông tin thông suốt giữa hai miền Bắc - Nam, chi viện sức người và thiết bị cho chiến trường miền Nam.

Thời kỳ đất  nước thống nhất, ngành Bưu điện tiếp tục ghi thêm những trang vàng chói lọi, được Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Nhớ lại sau ngày đất nước thống nhất, toàn miền Nam chỉ có mạng nội hạt tại Sài Gòn, Nha Trang, Quảng Nam - Đà Nẵng với loại tổng đài ngang dọc, viba siêu tần số ở Cần Thơ. Cả miền Bắc chỉ có mạng thông tin hữu tuyến phục vụ chiến đấu và phòng chống lụt bão. Sau hai giai đoạn thực hiện kế hoạch tăng tốc, ngành Bưu điện đã hình thành mạng lưới rộng khắp cả nước, với hàng loạt công trình hiện đại.

Trên nền truyền thống vẻ vang của 69 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Bưu điện tự hào về lịch sử của mình. Từ chỗ ban đầu nhỏ bé về tổ chức, thô sơ về công nghệ, lạc hậu về kỹ thuật, lại phải trải qua nhiều năm chiến tranh ác liệt và thiên tai khắc nghiệt, ngày nay bộ mặt của ngành Bưu điện Việt Nam đã được hiện đại hoá ngang tầm quốc tế.

Tháng 8-2002, Quốc hội khoá XI phê chuẩn thành lập Bộ Bưu chính Viễn thông trên cơ sở Tổng cục Bưu điện; tháng 8-2007, Bộ Thông tin và Truyền thông ra đời thể hiện sự quan tâm mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước và là sự khẳng định bước phát triển vượt bậc của Bưu điện Việt Nam. Tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước ngày càng lớn, uy tín của ngành không ngừng được nâng cao. Nhìn lại truyền thống 69 năm xây dựng và trưởng thành, Ngành Bưu điện càng thêm tự hào với những thành tựu đã đạt được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh (1990), Huân chương Sao vàng (1995), Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động hạng nhất (1997); 45/61 đơn vị Bưu điện tỉnh, thành phố, được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 19-4-2008 và ngày 16-5-2012 Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã phóng thành công vệ tinh viễn thông Việt Nam VINASAT - 1, VINASAT - 2 lên quỹ đạo thể hiện chủ quyền quốc gia trong không gian, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Ngày 22-12-2009, Chủ tịch nước đó ký Quyết định số 2056/QĐ - CTN về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam vì đã có thành tích  đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo từ năm 1999 đến năm 2008, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là kết quả nỗ lực của toàn thể CBCNV ngành Bưu điện, cũng là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ CBCNV Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, thể hiện sự tiếp nối xứng đáng truyền thống 69 năm xây dựng và trưởng thành của ngành.

Kể từ 1-1-2008, Viễn thông tách khỏi Bưu chính. Viễn thông Quảng Bình trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Bưu điện tỉnh Quảng Bình trực thuộc Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam). Với Viễn thông Quảng Bình, thời khắc 1-1-2008 được đánh dấu như là một bước ngoặt của hành trình chuyển đổi mô hình mới.

Sau quá trình hoạt động theo cơ chế mới, Viễn thông Quảng Bình đã thu được nhiều thành tựu đáng mừng, tạo niềm tin đối với khách hàng, nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, đi vào hoạt động hiệu quả; doanh thu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, hoàn thành vượt mức nghĩa vụ nộp ngân sách địa phương; đời sống vật chất, tinh thần của người lao động ngày càng nâng cao. Viễn thông Quảng Bình đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng ba và được bình chọn là doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh.

Trong những ngày mùa thu Tháng Tám lịch sử này, ngoài việc tập trung triển khai Đề án tái cấu trúc của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, toàn thể CBCNV Viễn thông Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 69 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Bưu điện Việt Nam.

Ba Vì-Thanh Bình