.

Xây dựng kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị TP Đồng Hới: Những tiến bộ vượt bậc

Thứ Ba, 12/08/2014, 13:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau năm 1975, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng quan trọng của Đồng Hới được xây dựng trước đó đã không còn nguyên vẹn, thậm chí không ít công trình bị xoá sổ hoàn toàn do chiến tranh. Gần như phải xây dựng, kiến thiết lại từ đầu, nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Hới đã chủ động đoàn kết chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh và mau chóng xây dựng nên một kết cấu hạ tầng cho đô thị Đồng Hới ngày càng có sự đồng bộ, văn minh và hiện đại...

Kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, người dân Đồng Hới đã khẩn trương bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh và tích cực chung tay xây dựng lại đô thị Đồng Hới. Trải qua những thời điểm kiến thiết, xây dựng đô thị thăng trầm khác nhau, vào ngày 28-10-2003, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có Quyết định số 1425/QĐ-XD công nhận thị xã Đồng Hới là đô thị loại III.

Tiếp đến, ngày 16-8-2004, Chính phủ đã có Nghị định số 156/2004/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình. Hai "phần thưởng" liên tiếp này chính là thành quả minh chứng cho sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đồng Hới trong việc chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị sau hơn 20 năm chiến tranh. Và ngày 30-7-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Đồng Hới là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Bình.

Kể từ khi được công nhận là đô thị loại III, thành phố Đồng Hới tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị gắn với thực hiện các tiêu chí của một đô thị loại II (mục tiêu Đồng Hới đặt ra chậm nhất vào năm 2015 sẽ phấn đấu đạt được danh hiệu này).

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này, thành phố đã chủ động phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh, các tổ chức, cơ quan tư vấn trong và ngoài nước từng bước hoàn thành xây dựng các quy hoạch phát triển, như: Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đồng Hới đến năm 2020, vùng phụ cận đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến năm 2020; quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020; quy hoạch chi tiết trung tâm hành chính và khu dân cư các địa phương...

Một góc thành phố Đồng Hới hôm nay.
Một góc thành phố Đồng Hới hôm nay.

Ngoài ra, thành phố Đồng Hới còn triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch các xã, phường, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; đưa diện tích đất quy hoạch chi tiết lên 51,78% so với diện tích đất xây dựng đô thị; chú trọng công tác quy hoạch hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển quỹ đất và xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị; chỉ đạo hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm, tạo điều kiện cho xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; ban hành và tổ chức thực hiện các quy định, quy chế về quản lý kiến trúc đô thị...

Cùng với đó, thành phố đã xây dựng các đề án để cụ thể hóa các chương trình hành động nói trên, như: Đề án xã hội hóa vỉa hè; đề án phát triển cây xanh; đề án điện chiếu sáng các tuyến đường vừa và nhỏ trong khu dân cư; đề án xây dựng phát triển chợ thành phố...

Ngoài ra, Đồng Hới còn năng động ban hành các quy định về xây dựng tuyến đường phố kiểu mẫu, về quản lý, sử dụng một phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông, về quản lý cây xanh đô thị và công viên... nhằm lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực trong dân, các tổ chức xã hội để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đô thị.

Ông Trần Đình Dinh, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới cho biết, trong thời gian 10 năm kể từ khi được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh, bên cạnh việc tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ đắc lực từ phía các cấp chính quyền, Đồng Hới đã huy động tốt các nguồn lực để tập trung vào đầu tư xây dựng, nâng cấp và chỉnh trang đô thị.

Hàng năm, thành phố Đồng Hới đã dành nguồn ngân sách hợp lý cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, của các bộ, ngành từ trung ương, sự đóng góp của kiều bào, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nước ngoài hỗ trợ thông qua nhiều kênh để thành phố thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị.

Đặc biệt, công tác xã hội hóa các dự án đầu tư đã tạo nên sức bật mạnh mẽ cho Đồng Hới trong việc thu hút các nguồn vốn trong nhân dân, doanh nghiệp, như việc xây dựng giao thông quy mô nhỏ, các hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ... Tổng vốn đầu tư xây dựng toàn xã hội từ 2004 đến cuối năm 2013 cho Đồng Hới là 8.451 tỷ đồng (trong đó, vốn Trung ương cấp 479 tỷ đồng; vốn từ tỉnh 1.780 tỷ đồng; vốn từ ngân sách thành phố 730 tỷ đồng; vốn xã, phường 262 tỷ đồng; vốn huy động từ các nguồn khác và trong nhân dân 5.200 tỷ đồng...).

Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến năm 2013, thành phố Đồng Hới đã đầu tư xây dựng được 166,03km đường giao thông quy mô nhỏ; lát được 46.984m2 vỉa hè và bó vỉa; tiến hành trồng mới 7.730 cây xanh ở 47 tuyến đường quan trọng; cải tạo, trồng mới thảm cỏ, cây xanh tại các giải phân cách, công viên Nhật Lệ... với diện tích hơn 60.000m2; tỷ lệ cây xanh công cộng năm 2013 đạt 7m2/người, cây xanh đô thị đạt 12,5m2/người (vượt 13,6% so với kế hoạch năm 2015 đã đề ra)...

Hệ thống thoát nước ở một số khu vực trung tâm thành phố Đồng Hới được xây dựng đồng bộ với mạng lưới thoát nước dài 98,44km. Tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch và hợp vệ sinh đến nay đạt 98%... Việc mở rộng  hệ thống hạ tầng đô thị và công tác chỉnh trang  bảo đảm theo đúng quy hoạch được phê duyệt đã tạo nên bộ mặt đô thị Đồng Hới ngày càng xanh- sạch- đẹp và khang trang hơn.

Được biết, trên cơ sở mục tiêu đã đề ra, thời gian tới thành phố Đồng Hới  tập trung ưu tiên cho công tác quy hoạch, quản lý tốt công tác quy hoạch; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị với những giải pháp thiết thực, cụ thể như: Tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội thành phố, quy hoạch ngành, vùng; quy hoạch xây dựng đô thị đến năm 2025 và vùng phụ cận có tầm nhìn đến năm 2035; phấn đấu đến năm 2015, quy hoạch chi tiết xây dựng đạt 75% diện tích đất xây dựng đô thị thành phố Đồng Hới; quản lý và sử dụng có hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình phúc lợi công cộng đô thị; nâng cao năng lực quản lý đô thị cho cán bộ các cấp ở thành phố; thực hiện tốt các đề án xã hội hóa như xây dựng vỉa hè, cứng hóa đường giao thông quy mô nhỏ, cây xanh, vệ sinh môi trường, điện chiếu sáng; phát triển mạng lưới giao thông nội thành gắn với tổng thể mạng lưới giao thông cả tỉnh; hoàn thành các công trình trọng điểm như: các tuyến đường chính khu du lịch Bảo Ninh, cầu Nhật Lệ 2, hệ thống đường dọc 2 bờ sông cầu Rào; quảng trường trung tâm, khu văn hóa thể thao thành phố...

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới, quá trình nâng cấp thành phố Đồng Hới lên đô thị loại II có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình. Điều này sẽ tạo cho thành phố Đồng Hới thế và lực mới trong xu thế hội nhập để đón nhận các nguồn lực từ bên ngoài, cải thiện môi trường đầu tư, phát huy tối đa thế mạnh về vị thế địa lý và tiềm năng tự nhiên tạo nên các động lực mới phát triển thành phố... Đồng thời, đây là cơ hội tốt cho thành phố đúc rút thêm nhiều kinh nghiệm mới nhằm không ngừng nâng cao năng lực quản lý đô thị và tăng cường chất lượng đô thị...

Văn Minh