.

Khi nhà nông thi đua làm kinh tế

Thứ Năm, 09/01/2014, 13:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn, nhất là những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai song trong năm vừa qua bức tranh kinh tế tỉnh ta vẫn có nhiều khởi sắc. Cơ cấu nông-lâm-ngư nghiệp chiếm 20,4% GDP toàn tỉnh; giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp đạt 6.762 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2012; sản lượng lương thực 27,4 vạn tấn, đạt 101,5% kế hoạch... Những con số kể trên minh chứng cho sự nỗ lực thi đua lao động sản xuất của người nông dân.

Để có được những “mùa vàng”, người dân khắp các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đưa cơ giới vào đồng ruộng, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Toàn tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp về cơ cấu giống, thời vụ, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị. Điển hình là đã xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cây lúa với diện tích 113ha, triển khai tốt biện pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI) 353ha và bước đầu có sự liên kết giữa các hộ nông dân theo quy trình sản xuất tiên tiến, mang lại hiệu quả cao. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được các địa phương chú trọng thực hiện. Toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 380ha lúa hè-thu kém hiệu quả sang trồng đậu đỗ, dưa hấu đưa lại thu nhập đáng kể.

Một số cây trồng khác như ớt, sắn nguyên liệu đã có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân. Các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng được người dân chú trọng, một số mô hình có hiệu quả được chuyển giao cho nông dân như sản xuất thử nghiệm giống lúa mới Hoa ưu 109, Bắc Thơm 7, ngô DK9901, ngô Tố nữ, trồng lạc mật độ dày, sắn Layoong 72, ớt, dưa hấu...

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi xuất hiện ngày càng nhiều trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi xuất hiện ngày càng nhiều trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong sản xuất nông nghiệp, người dân đã chú trọng đến việc sử dụng cơ giới hóa với các loại máy chủ đạo như máy gặt đập liên hợp, máy làm đất để tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực trong năm là 58.106ha, đạt 102,4% kế hoạch, trong đó diện tích lúa là 53.606ha, đạt 102,5%KH, đặc biệt người dân đã đưa vào sử dụng nhiều giống lúa chất lượng cao như PC6, IR353-66, P6, QR1, QX2, XT28, HT1... góp phần nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, gắn với xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn...

Đối với lĩnh vực chăn nuôi đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi có quy mô lớn với các loại gia súc, gia cầm được ưa chuộng trên thị trường như  bò lai Sind, dê, hươu, gà kiến, cá nước ngọt và nuôi ong lấy mật... Từ các lớp tập huấn và nhiều hoạt động chuyển giao kỹ thuật trong chăn nuôi, người dân đã biết tận dụng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm phụ nông nghiệp để chế biến thức ăn cho gia súc và tiến hành chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ để chủ động nguồn  thức ăn xanh cho đàn gia súc. Kinh tế trang trại phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về ngành nghề, dần khẳng định là mô hình sản xuất hàng hoá có hiệu quả.

Toàn tỉnh có 627 trang trại, tăng 48 trang trại so cùng kỳ (20% trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại); diện tích đất 4.595ha (16% trang trại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Nhìn chung số lượng, chất lượng, quy mô vốn, lao động, giá trị hàng hoá, dịch vụ và thu nhập của trang trại tăng khá, góp phần giải quyết việc làm, tăng sản lượng hàng hoá phục vụ nguyên liệu chế biến, xuất khẩu, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Công tác khoanh nuôi phục hồi, chăm sóc, giao khoán bảo vệ rừng được các địa phương tập trung thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Các tổ chức, cơ sở đã sản xuất trên 15 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng và đã chuyển  đổi rừng tự nhiên kém chất lượng, rừng trồng hiệu quả thấp sang trồng cao su, nâng diện tích chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cao su lên 3.815ha.

Những năm qua, tỉnh ta luôn tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống thủy lợi phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng trong năm 2013, một số công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, phục vụ sản xuất như kè chống xói lở sông Kiến Giang giai đoạn 1, kè biển Hải Trạch, đê, kè Hữu Gianh, vùng nuôi trồng thuỷ sản xã Đồng Trạch, Bàu Khẩn, nâng cấp hồ Bàu Sen, các tiểu dự án nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung, hồ chứa nước Thác Chuối, Sông Thai, Vực Nồi...  phục vụ sản xuất nông nghiệp, đưa năng suất lúa tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thi đua trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng tạo nên bộ mặt nông thôn tỉnh ta ngày càng đổi mới, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội.

Phát huy những kết quả đã đạt được, nông dân toàn tỉnh sẽ đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất giỏi, trong đó, tập trung vào việc sử dụng diện tích đất lúa một cách linh hoạt, đồng thời đưa nhanh cơ giới hoá vào sản xuất (từ khâu làm đất, thu hoạch đến bảo quản, chế biến) giảm chi phí, nâng cao chất lượng, giá trị lúa hàng hóa. Một trong những phong trào thi đua được người dân toàn tỉnh tiếp tục chú trọng là tích cực và chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi để thực hiện có hiệu quả các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện và đẩy nhanh lộ trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

P.V